09:14 28/06/2007

“Thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam rất hấp dẫn”

Minh Quang

Nội dung cuộc trò chuyện với bà Namita Lal, Giám đốc phụ trách bán lẻ, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

"Dự đoán của chúng tôi trong vòng 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam sẽ là 30-40%."
"Dự đoán của chúng tôi trong vòng 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam sẽ là 30-40%."
Nội dung cuộc trò chuyện với bà Namita Lal, Giám đốc phụ trách bán lẻ, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam.

Khi vào Việt Nam Standard Chartered Bank chỉ quan tâm đến thị trường bán buôn. Lý do nào ngân hàng mở rộng sang thị trường bán lẻ thưa bà?

Khi quyết định tham gia vào thị trường bán lẻ, chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội ở Việt Nam. Có nhiều cách để đánh giá tiềm năng của thị trường. Nhìn vào cơ cấu dân số học Việt Nam thấy rằng người trẻ chiếm phần lớn và thu nhập đang gia tăng. Người dân Việt Nam đã có thói quen mở tài khoản và chi tiêu cho mua sắm ngày càng nhiều hơn.

Thứ hai, mật độ phục vụ của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Hiện nay mật độ sử dụng hệ thống ngân hàng ở Việt Nam trung bình chỉ đạt 5-6%, ở một số đô thị mật độ này cao hơn, khoảng 22%. Trong khi đó, mật độ này ở Thái Lan hay Malaysia là 70-80%. Điều này cho thấy cơ hội của thị trường của ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam là rất lớn.

Dự đoán của chúng tôi trong vòng 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng của ngân hàng bán lẻ sẽ là 30-40% và sẽ đạt mật độ sử dụng dịch vụ ngân hàng của người dân sẽ ngang bằng với Thái Lan hay Malaysia. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng có những chủ trương khuyến khích ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh, kể cả ngân hàng nước ngoài, tham gia sâu hơn vào hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.

Đây chính là những lý do khiến chúng tôi quan tâm và muốn tham gia vào thị trường bán lẻ. Còn một lý do khác cũng khá quan trọng là nhiều ngân hàng lớn không muốn tham gia vào khu vực tín dụng cá nhân.

Đâu là đối tượng mà Standard Chartered sẽ nhắm vào để tạo ra phân khúc riêng và có thể cạnh tranh được với các ngân hàng bán lẻ trong nước?

Chúng tôi quan tâm đến nhiều khách hàng, tuy nhiên tập trung nhiều vào những đối tượng sau. Thứ nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khu vực này đang phát triển mạnh ở Việt Nam và có tính toán tham gia nhiều hoạt động xuất nhập khẩu. Tài trợ tín dụng cho xuất nhập khẩu và hỗ trợ liên kết quốc tế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là hoạt động của ngân hàng khi nhắm vào đối tượng này.

Thứ hai là những khách hàng cá nhân người Việt Nam có thu nhập cao, những người nước ngoài đang sống và làm việc tại đây, những người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư và kế đến là những người có nhu cầu đi lại thường xuyên ra nước ngoài. Thứ ba là những người dân có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Chúng tôi nhắm đến họ khi đưa ra sản phẩm cho vay mua sắm.

Mục tiêu của ngân hàng đặt ra trong vòng 5 năm tới là gì, thưa bà?

Đối với ngân hàng bán lẻ, chúng tôi sẽ phát triển hệ thống phân phối để người dân có thể tiếp cận dịch vụ của ngân hàng. Theo đó, Standard Chartered có kế hoạch mở thêm 20-30 chi nhánh ở Việt Nam bên cạnh chi nhánh duy nhất ở Tp.HCM, phát triển 250 máy ATM và tuyển dụng 500 lao động phục vụ cho hoạt động của ngân hàng bán lẻ.

Phương châm của chúng tôi không phải là cung cấp nhiều dịch vụ mà là cung cấp dịch vụ tốt hơn. Và để làm được điều này, tôi nghĩ vấn đề con người là quan trọng nhất.