09:52 22/04/2009

Thị trường tự do: Yếu tố tâm lý đẩy tỷ giá tăng?

Dương Ngọc

Trên thị trường ngoại tệ gần đây lại xuất hiện một số đặc điểm đáng lưu ý, khi tỷ giá trên thị trường tự do tăng cao

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng khá so với những năm trước kia và tính tới cuối 2008 đã tương đương với 20 tuần nhập khẩu.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng khá so với những năm trước kia và tính tới cuối 2008 đã tương đương với 20 tuần nhập khẩu.
Trên thị trường ngoại tệ gần đây lại xuất hiện một số đặc điểm đáng lưu ý, khi tỷ giá trên thị trường tự do tăng cao.

Các ngân hàng thương mại niêm yết giá mua, bán ở cùng một mức giá và kịch trần so với biên độ giao dịch quy định. Rồi USD tín dụng thì thừa, USD thương mại thì thiếu... Vậy những đặc điểm đó nói lên điều gì?

Trước hết, cần điểm qua về biên độ giao dịch tỷ giá - một trong những công cụ quan trọng để điều hành tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước quy định trong thời gian qua.

Biên độ giao dịch, nếu từ tháng 3/2008 trở về trước chỉ nới thêm +/-0,25 điểm phần trăm và khoảng cách thời gian quyết định dài hơn, thì từ đó đến tháng 3/2009 đã được nới thêm 1 điểm phần trăm và từ tháng 3/2009 đến nay đã được nới thêm +/-2 điểm phần trăm - mức nới thêm rộng hơn, thời gian quyết định ngắn hơn và có mức nới cao hơn.

Còn một điểm chú ý nữa là tỷ giá được dùng để cộng trừ biên độ giao dịch đó là tỷ giá giao dịch liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày về cơ bản ổn định trong quãng thời gian giữa hai lần quy định; chỉ có một lần được điều chỉnh mạnh nhất là 25/12/2008 đã tăng từ 16.494 lên 16.989 VND/USD.

Đây chính là một trong những yếu tố góp phần làm cho nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: quý 1 giảm 45%, trong đó tháng 1 giảm 55%, tháng 2 giảm 31,9%, tháng 3 giảm 45,7% và Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.

Tuy nhiên, tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 17/4 chỉ có 16.940 VND/USD, thấp hơn mức 16.989 VND/USD.

Một yếu tố khác là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu mà lượng ngoại tệ vào nước ta bị sụt giảm so với cùng kỳ từ các nguồn (vốn đầu tư trực tiếp, vốn đầu tư gián tiếp, kiều hối, xuất khẩu, chi tiêu của khách quốc tế,...).

Tuy nhiên, cung - cầu ngoại tệ hiện không quá căng thẳng, thậm chí có mặt còn có sự cải thiện. Cán cân thương mại đã có sự cải thiện đáng kể khi trong quý 1/2009, Việt Nam đã xuất siêu 1,647 triệu USD, trái ngược với mức nhập siêu 8,350 tỷ USD.

Tổng nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ quý 1/2009 tăng 3,6% so với cuối năm trước. Số tiền gửi ngoại tệ của cá nhân khoảng 9 tỷ USD, của các tổ chức là 10 tỷ USD và vẫn có xu hướng tăng lên.

Dự trữ ngoại hối đã tăng khá so với những năm trước kia và tính tới cuối 2008 đã tương đương với 20 tuần nhập khẩu.

Như vậy, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý, lòng tin của doanh nghiệp và người dân và doanh nghiệp đối với đồng tiền quốc gia, làm tăng nhu cầu găm giữ ngoại tệ.

Doanh nghiệp có ngoại tệ không bán cho ngân hàng mà chỉ gửi lấy lãi và chờ tỷ giá lên để kiếm lời. Người dân cũng chỉ gửi và không bán cho ngân hàng. Hoạt động đầu cơ đã xuất hiện, khiến cho cung- cầu ngoại tệ trên thị trường bị “méo mó”, đẩy tỷ giá lên cao.

Trong điều kiện các kênh đầu tư khác như vàng, USD, chứng khoán, bất động sản,... lên xuống do các yếu tố thế giới, trong nước và động thái “lướt sóng” (trong từng kênh, giữa các kênh) diễn ra mạnh, cũng tác động đến tỷ giá. Kinh nghiệm cho thấy, trong các kênh thì tỷ giá biến động ít hơn, thời gian ngắn hơn...