09:53 19/10/2016

Thực chất, 313.742 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý

Minh Đức

Sau bốn năm, một lượng lớn nợ xấu đã được xử lý một cách thực chất qua siết chặt cơ chế

Tính từ cuối 2012 đến 31/8/2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử 
lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức 
tín dụng tự xử lý (chiếm 57,2%).
Tính từ cuối 2012 đến 31/8/2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm 57,2%).
Đầu tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình kinh tế xã hội 2016, kế hoạch 2017. Báo cáo thẩm tra từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề cập đến số liệu nợ xấu.

Báo cáo thẩm tra cho biết, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu đến tháng 9/2016 khoảng 2,62% tổng dư nợ. Nếu tính các khoản nợ xấu chuyển sang công ty VAMC (khoảng 4,8%) và các khoản nợ đã cơ cấu lại thì tỷ lệ xấu sẽ lớn hơn nhiều.

Đó cũng là đánh giá tại một số diễn đàn gần đây, nhìn nợ xấu tổng thể hơn là theo con số báo cáo của các tổ chức tín dụng. Điểm chung, phần lớn nợ xấu thời gian qua được chuyển sang VAMC và vẫn “nằm kho” ở đây; việc xử lý theo đó chưa thực chất.

Tuy nhiên, theo một báo cáo khác của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, trong bốn năm qua, một lượng lớn nợ xấu đã được xử lý một cách thực chất bởi chính các tổ chức tín dụng, trong điều kiện chưa có và quan điểm không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Từ tháng 9/2012, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam mới chính thức được xác định và công bố ở mức độ lớn, sát thực hơn so với trước đó. Ngân hàng Nhà nước lần lượt áp dụng các khuôn khổ pháp lý mới, chặt chẽ và quyết liệt hơn trong phân loại và trích lập dự phòng rủi ro. Đó là việc áp dụng các chuẩn mực cao hơn bằng Thông tư 02, Thông tư 09, Thông tư 36…

Cùng đó, từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước áp cơ chế giám sát chặt chẽ, xét cụ thể chỉ tiêu cổ tức của từng tổ chức tín dụng, để hạn chế tình huống các tổ chức tín dụng chưa phân loại nợ đúng, chưa trích lập dự phòng đầy đủ dẫn tới lợi nhuận ảo và chia hết. Cơ chế này cũng nhằm dồn nguồn lực trong hệ thống để chủ động hơn cho xử lý nợ xấu.

Và từ thời điểm đó, từ tháng 9/2012 đến cập nhật mới nhất là tháng 8/2016, một lượng lớn nợ xấu đã được các tổ chức tín dụng tự xử lý, chiếm chủ yếu trong tổng lượng nợ xấu đã xử lý bốn năm qua (bao gồm cả bán lại cho VAMC).

Cụ thể, báo cáo của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến thời điểm 31/8/2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 42,8%.

Theo đó, trong bốn năm qua, đã có 313.742 tỷ đồng nợ xấu được xử lý thực chất bằng nguồn lực của hệ thống các tổ chức tín dụng, qua sử dụng nguồn trích lập dự phòng, tập trung thu hồi nợ, bán tài sản…

Song song đó, theo số liệu tập hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng lượng dự phòng rủi ro đến giữa năm nay cũng đã chủ động khoảng trên 90.000 tỷ đồng.

Như trên, bên cạnh kết quả tự xử lý, lượng nợ xấu bán lại cho VAMC còn lớn. Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là trọng tâm tập trung các giải pháp để tiếp tục xử lý, trong đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.