09:46 29/02/2016

Tỷ giá USD/VND đung đưa theo nhịp thế giới

Minh Đức

Mức tăng khá mạnh 15 VND của tỷ giá trung tâm hôm nay không phải là ngẫu nhiên

Trong hai tháng qua, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố gần 
như đi ngang và chỉ tăng nhẹ 0,04% so với ngày đầu tiên áp dụng, trong 
khi tỷ giá giao dịch liên ngân hàng giảm khoảng 0,25%.<br>
Trong hai tháng qua, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố gần như đi ngang và chỉ tăng nhẹ 0,04% so với ngày đầu tiên áp dụng, trong khi tỷ giá giao dịch liên ngân hàng giảm khoảng 0,25%.<br>
Ngân hàng Nhà nước áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm đã hai tháng. Một khoảng thời gian đủ để nhìn lại thực tế thay đổi của nó gắn với những yếu tố tác động, theo hướng mà nhà điều hành nói là linh hoạt và thị trường hơn.

Có ba cấu phần định hình tỷ giá trung tâm. Các cấu phần trong nước tương đối ổn định, ngoại trừ có xuất siêu đáng kể đầu năm, cùng xu hướng tăng lên của lãi suất VND.

Phần còn lại, VND đã biến động như thế nào so với 8 đồng tiền trong rổ tiền tệ tham chiếu?

Bám khá sát

Đó cũng là câu hỏi mà Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank đặt ra khi nhìn lại diễn biến của tỷ giá sau hai tháng đầu tiên áp dụng.

Trong hai tháng qua, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố gần như đi ngang và chỉ tăng nhẹ 0,04% so với ngày đầu tiên áp dụng, trong khi tỷ giá giao dịch liên ngân hàng giảm khoảng 0,25%.

Việc xác định tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước một phần dựa trên rổ 8 đồng tiền khác. Số liệu thống kê cho thấy, trong cùng thời gian, có tới 6 đồng tiền đã tăng giá so với USD, chỉ có KRW và TWD giảm giá.

Với đồng CNY, trong khi tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng 0,97% song tỷ giá giao dịch liên ngân hàng lại giảm nhẹ 0,08%.

“Như vậy, có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước đang bám khá sát với sự biến động của rổ 8 đồng tiền để điều hành thị trường hối đoái trong nước. Điều này phần nào giúp cho doanh nghiệp chủ động dự báo và tính toán cho hoạt động kinh doanh”, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank đánh giá.

Dù thời gian qua và đến nay Ngân hàng Nhà nước không/chưa công bố một cách chi tiết cấu phần tỷ trọng cụ thể của mỗi đồng tiền trong rổ tham chiếu để tính tỷ giá trung tâm, song, về cơ bản thị trường vẫn có thể dự tính nhất định mức độ tác động từ bên ngoài như trên.

Cung - cầu không đột biến

Có một điểm được chú ý sau hai tháng đầu tiên áp dụng cơ chế mới, tỷ giá trung tâm Ngân hàng Nhà nước công bố thường thay đổi “khác” với thực tế diễn biến trên thị trường liên ngân hàng hoặc trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại.

Ví như, trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua, dù tỷ giá trên thị trường có dấu hiệu tăng lên, tỷ giá trung tâm lại giảm. Hay như hôm nay (29/2), tỷ giá trung tâm tăng một bước khá mạnh với 15 VND, dù tỷ giá trên thị trường giảm mạnh cuối tuần qua (giảm 50 VND).

Như ở bài viết gần đây trên VnEconomy, có thể ví von tỷ giá trung tâm như chiếc chuông gió, âm thanh nó phát ra có thể lường định gió đến từ hướng nào.

Ngày 29/2, mức tăng 15 VND được xác định gió đến từ phương Tây với đà lên giá mạnh của đồng đô la Mỹ. Đây là tác động chính yếu.

Vậy vì sao tỷ giá trong nước cuối tuần qua vừa có đà giảm khá mạnh, từ 22.400 VND xuống 22.350 VND?

Tuần qua, cung - cầu ngoại tệ trên thị trường không có đột biến, cũng không có một lượng cung quá lớn và bất thường nào để khiến tỷ giá giảm như trên.

Nhìn sang trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại. Từ sau Tết Nguyên đán, trạng thái của nhiều thành viên cao hơn bình thường. Có thể đây là sự “chờ đợi” tình huống tỷ giá sẽ tăng lên sau kỳ nghỉ lễ - điều mà những năm trước thường xẩy ra?

Tuy nhiên, tuần qua, tỷ giá đã không thể vượt trên mốc 22.400 VND, trong khi nguồn cung ngoại tệ từ dân cư và doanh nghiệp vẫn đều đặn bán ra. Thậm chí một số tổ chức đầu tư ghi nhận nguồn cung dù không quá lớn và đột biến nhưng khá dồi dào.

Trước diễn biến đó, các ngân hàng thương mại có trạng thái ngoại tệ cao hơn bình thường đã bán ra. Tỷ giá đã giảm khá mạnh trong tuần qua.