03:18 02/10/2009

Tỷ giá USD/VND sẽ không nhiều biến động?

Minh Đức

Sau năm 2008 và năm 2009, tỷ giá USD/VND dự báo sẽ tăng chậm lại và sẽ không có nhiều biến động mạnh

Dự báo về chính sách được đưa ra là Việt Nam sẽ duy trì tỷ giá VND yếu để duy trì sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu và đảm bảo rằng hàng nhập khẩu sẽ tương đối đắt, qua đó hạn chế tăng trưởng nhập khẩu - Ảnh: Quang Liên.
Dự báo về chính sách được đưa ra là Việt Nam sẽ duy trì tỷ giá VND yếu để duy trì sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu và đảm bảo rằng hàng nhập khẩu sẽ tương đối đắt, qua đó hạn chế tăng trưởng nhập khẩu - Ảnh: Quang Liên.
Sau năm 2008 và năm 2009, tỷ giá USD/VND dự báo sẽ tăng chậm lại và sẽ không có nhiều biến động mạnh trong những năm tới.

Tháng 9, tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng mạnh, từ mức 16.976 VND = 1 USD lên mức 16.994 VND, cao nhất từ trước tới nay. Giá USD mua vào - bán ra của các ngân hàng cũng lên mức cao nhất 17.844 VND trong ngày 28/9.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá đô la Mỹ (USD) đã tăng 6,12% kể từ đầu năm. Năm 2008, tỷ giá USD/VND cũng đã tăng khoảng 9,1%. Sau hai năm này (2008 và 2009), dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng chậm lại và sẽ không có nhiều biến động mạnh.
 
Đó là dự báo của cơ quan thông tin kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc tập đoàn báo chí The Economist của Anh quốc, có trong bản phân tích tình hình kinh tế Việt Nam vừa công bố.

“Chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND sẽ ở mức bình quân 17.761 VND trong năm 2009, 18.200 VND vào năm 2010. Mức tỷ giá hối đoái này sẽ không thay đổi nhiều trong kỳ dự báo sau đó, bình quân ở mức 18.287 VND trong thời kỳ 2011 – 2013”, EIU nhận định.

Và trong năm 2009, tỷ giá thực tế USD/VND được dự báo sẽ tăng khoảng 7,4% và chỉ tăng khoảng 2,4% trong năm 2010.

Tỷ giá USD/VND dự báo tiếp tục tăng, nhưng EIU cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cũng sẽ tìm cách ngăn chặn sự mất giá mạnh của VND so với USD, vì điều này có thể làm tăng giá trị tính theo VND của các khoản nợ bằng USD mà các công ty trong nước đang có nghĩa vụ phải trả (nhiều công ty của Việt Nam dựa vào nguồn tài chính thương mại bằng USD).

Bên cạnh đó, dự báo về chính sách được đưa ra là Việt Nam sẽ duy trì tỷ giá VND yếu để duy trì sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu và đảm bảo rằng hàng nhập khẩu sẽ tương đối đắt, qua đó hạn chế tăng trưởng nhập khẩu.

Xét theo hướng dự báo trên, trong thời gian qua, một số nhận định cho rằng tỷ giá USD/VND tăng dần từ đầu năm đến nay đã có những hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu, đặc biệt là khi hoạt động này gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Sự hỗ trợ này có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy trong những tháng cuối năm.

Nhưng, một vấn đề mà EIU đề cập tới là cần có một cơ chế mang tính thể chế để đảm bảo rằng lạm phát sẽ duy trì ở mức thấp tương đối. Sự leo thang của giá cả tại thị trường trong nước nếu xẩy ra sẽ ảnh hưởng đến giá trị của VND, đà tăng nhanh của tỷ giá nếu xẩy ra có thể làm gia tăng niềm tin VND giảm giá và tạo tâm lý nắm giữ đồng USD.

Tác động thời điểm từ vốn gián tiếp không lớn

Liên quan đến biến động của tỷ giá USD/VND, một diễn biến được quan tâm hiện nay là mối liên hệ với diễn biến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong dòng vốn đầu tư gián tiếp.

Việc Indochina Capital Vietnam (ICV) thoái vốn và tháng bán ròng kỷ lục của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn chứng khoán vừa qua có tạo ảnh hưởng mang tính thời điểm đến tỷ giá USD/VND?

Trước hết, việc ICV thoái vốn, theo thông tin công bố, dự kiến được thực hiện có lộ trình trong khoảng 12 – 18 tháng, mức vốn hóa giá trị thị trường của danh mục cổ phiếu niêm yết chưa đến 100 triệu USD nên tác động mang tính thời điểm đối với tỷ giá của hoạt động rút vốn là không lớn.

Về hoạt động bán ròng trong suốt tháng 9 vừa qua của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn, một số nhà môi giới nhận định đó có thể đơn thuần là hoạt động chốt lời, cơ cấu danh mục và dòng tiền đó không hoàn toàn rút khỏi thị trường.

Diễn biến bán ròng trong tháng 9 cũng được đặt trong bối cảnh khác với diễn biến cuối năm 2008. Và ngay cả ở thời điểm cuối năm 2008, được xem là do ảnh hưởng của khủng hoảng, theo thông tin từ lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, dòng tiền khối ngoại chuyển ra khỏi Việt Nam cũng chỉ chiếm một tỷ trọng rất thấp so với giá trị danh mục giải ngân.

Mặt khác, 2.000 tỷ đồng bán ròng trên HOSE tháng 9 vừa qua, chưa đầy 120 triệu USD, trong trường hợp xấu nhất cũng không phải là con số quá lớn.