10:36 02/07/2010

Tỷ giá USD/VND tăng bất thường?

Nguyễn Hoài - Minh Đức

3 ngày liên tiếp, nhiều ngân hàng thương mại yết giá USD bán ra kịch trần biên độ cho phép

Diễn biến của tỷ giá những ngày qua được cho là bất thường - Ảnh: Reuters.
Diễn biến của tỷ giá những ngày qua được cho là bất thường - Ảnh: Reuters.
3 ngày liên tiếp, nhiều ngân hàng thương mại yết giá USD bán ra kịch trần biên độ cho phép. Đây là diễn biến bất thường sau khi tỷ giá đã có sự ổn định trong gần ba tháng qua. Cầu ngoại tệ có dấu hiệu tăng lên, cộng hưởng với yếu tố tâm lý là nguyên nhân chính.

Mới diễn ra trong những ngày qua, chưa thể khẳng định về một đợt biến động dài hạn, nhất là khi vẫn có rào cản về biên độ và tỷ giá bình quân liên ngân hàng được “neo” suốt từ ngày 11/2/2010, nhưng phía sau những diễn biến mới đó có những chuyển động đáng chú ý.

Cung dồi dào, tỷ giá bất ngờ tăng

Diễn biến của tỷ giá những ngày qua được cho là bất thường. Sự bất thường được đặt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra những thông tin thuận lợi đối với thị trường ngoại hối. Và diễn biến tăng mạnh “qua một đêm” tới 80 VND cũng ít thấy kể từ đầu năm.

Cụ thể, ngày 29/6, một loạt ngân hàng thương mại cùng nâng giá USD bán ra từ 19.020 VND trước đó lên 19.100 VND, kịch trần biên độ 3% theo quy định hiện hành theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra của các ngân hàng cũng rút ngắn còn khoảng 50 VND, thay vì chênh trên dưới 100 VND có từ suốt từ đầu tháng 4/2010. Sự rút ngắn đó cũng một phần phản ánh cầu ngoại tệ của chính các ngân hàng thương mại.

Như vậy, sau “sự kiện ngày 7/4”, khi tỷ giá USD/VND lần đầu tiên sau những năm gần đây bất ngờ giảm mạnh và duy trì ổn định tương đối cho đến ngày 28/6 vừa qua, đây là đợt biến động mạnh nhất của tỷ giá theo hướng tăng trở lại.

Trong khi đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn được cố định ở mức 18.544 VND, có từ quyết định tăng trực tiếp 3% của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 11/2/2010 cho đến nay.

Phản ứng đầu tiên của các dòng thông tin bình luận những ngày qua cho rằng tỷ giá đang phản ứng với thực trạng nhập siêu có dấu hiệu gia tăng. Ước tính nhập siêu trong 6 tháng đầu năm có thể lên tới 6,7 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra là 20%. Thế nhưng, thông tin mới nhất từ lãnh đạo chức năng của Ngân hàng Nhà nước lại là những thông điệp lạc quan.

Trả lời báo chí cuối tuần qua, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) nhấn mạnh rằng: “Thanh khoản của hoạt động mua bán ngoại tệ từ tháng 3 đến nay không còn là mối lo ngại của các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Thị trường ngoại tệ đang trong trạng thái dư cung và các ngân hàng thương mại đã tăng cường bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước. Đối với thanh khoản của hoạt động huy động và cho vay bằng ngoại tệ, chỉ tính riêng ngoại tệ dư thừa đã được các ngân hàng thương mại thực hiện giao dịch hoán đổi với Ngân hàng Nhà nước là khoảng 600 triệu USD, đã có thể thấy nguồn ngoại tệ “nhàn rỗi” của các ngân hàng thương mại tương đối dồi dào”.

Thêm vào đó, ngày 28/6, website nhà điều hành chính sách tỷ giá cũng phát đi thông điệp rằng: Sự gia tăng của kiều hối và FII vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2010 đã góp phần cải thiện đáng kể nguồn cung ngoại tệ trên thị trường.

Cụ thể, dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2010, lượng kiều hối chuyển về nước đạt khoảng 3,6 tỷ USD; và tính đến nay, lượng ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài chuyển vào ròng đạt khoảng 350 triệu USD.

3 yếu tố cộng hưởng

Loại trừ yếu tố cung mà Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, ở đợt biến động này có thể xét đến một số yếu tố sau.

Thứ nhất, trong thời gian gần đây và xu hướng đang thể hiện, lãi suất USD tăng lên, lãi suất VND dự kiến sẽ giảm dần. Diễn biến này củng cố thêm tâm lý của những người lựa chọn nắm giữ USD. Tâm lý – một yếu tố khó đong đếm nhưng từng thể hiện ảnh hưởng lớn ở những đợt biến động mạnh trong quá khứ.

Thứ hai, từ trung tuần tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đưa ra yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt tín dụng ngoại tệ (sau khi đã tăng đột biến 5 tháng đầu năm), hạn chế cấp ngoại tệ dùng để nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu mà trong nước đã sản xuất được.

Từ đây, một phản ứng không thể loại trừ là những nhà nhập khẩu thuộc diện bị hạn chế sẽ lựa chọn giải pháp mua đứt ngoại tệ để tránh khó khăn khi tiếp cận vốn trong tương lai theo chủ trương “siết” của Ngân hàng Nhà nước. Cầu theo đó tăng lên.

Thứ ba, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đột biến từ đầu năm và nay là thời điểm nhiều khoản vay dần đáo hạn. Nhu cầu mua ngoại tệ để trả nợ là một thực tế bắt đầu “nóng” thời điểm này và dự báo sẽ gia tăng trong những tháng cuối năm, chủ yếu tập trung ở các nhà nhập khẩu. Với tín dụng ngoại tệ, có đặc thù của rủi ro tỷ giá nên các khoản vay chủ yếu là ngắn hạn.

Những yếu tố trên đang cộng hưởng, tạo sự gia tăng của sức cầu và phản ánh ở chuyển động của tỷ giá. Nhưng, định hướng của nhà điều hành vẫn là nỗ lực duy trì một sự ổn định tương đối.

Hiện nguồn cung được khẳng định là “dồi dào”; tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tháng 6 đã xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm; những biện pháp kìm cung ngoại tệ cho nhập khẩu cũng sẽ góp phần kiềm chế nhập siêu… Theo đó, trước mắt, biến động của tỷ giá USD/VND những ngày qua sẽ khó tiếp tục quá đà.