11:12 09/02/2012

Vàng giảm giá mạnh, USD tự do tiếp tục xuống giá

Kiều Oanh

Giá vàng trong nước lại để mất mốc 45 triệu đồng/lượng do giá vàng quốc tế và giá USD tự do cùng suy giảm

Diễn biến giá vàng SJC trong 7 phiên gần nhất, tính đến 11h hôm nay, 9/2/2012 (đơn vị: nghìn đồng/lượng) - Ảnh: SJC.
Diễn biến giá vàng SJC trong 7 phiên gần nhất, tính đến 11h hôm nay, 9/2/2012 (đơn vị: nghìn đồng/lượng) - Ảnh: SJC.
Giá vàng trong nước sáng nay tụt về 44,8 triệu đồng/lượng từ mức trên 45 triệu đồng/lượng của ngày hôm qua do giá vàng thế giới điều chỉnh giảm khá mạnh. Giá USD tự do cũng tiếp tục đi xuống và vẫn đang thấp hơn giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại.

Lúc gần 11h trưa nay, vàng SJC tại Tp.HCM được Công ty SJC giao dịch ở mức 44,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,9 triệu đồng/lượng (bán ra), thấp hơn 250.000 đồng/lượng ở chiều mua và 150.000 đồng/lượng ở chiều bán so với cuối giờ chiều qua.

Đầu giờ, SJC hạ giá vàng bán ra xuống còn 44,8 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó vàng lại chuyển sang tăng giá theo vàng quốc tế. Khoảng cách giữa giá mua và bán vàng đang được SJC kéo rộng ra 300.000 đồng/lượng, từ mức 200.000 đồng/lượng của ngày hôm qua.

Tại Hà Nội lúc gần 11h, Công ty Phú Quý mua vào và bán ra vàng SJC ở các mức tương ứng là 44,78 triệu đồng/lượng và 44,9 triệu đồng/lượng. Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cùng thời điểm có giá 43,85 triệu đồng/lượng và 44,1 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng miếng giao dịch chậm trong mấy ngày gần đây, xu hướng mua-bán không thể hiện rõ ràng. Khối lượng giao dịch của các công ty kim hoàn lớn nhìn chung ở mức thấp, trong đó người dân bán ra nhiều hơn khi giá tăng và nghiêng về mua khi giá giảm.

Giá vàng trong nước đang chịu sức ép giảm do USD tự do mất giá mạnh mấy ngày qua. Đến sáng nay, đà đi xuống của ngoại tệ này vẫn chưa kết thúc. Tại Hà Nội, giá USD tự do phổ biến ở mức 20.870 đồng (mua vào) và 20.900 đồng (bán ra), giảm thêm 10 đồng mỗi USD so với sáng qua.

Trên thị trường ngân hàng, giá USD niêm yết cũng được hạ xuống thêm trong sáng nay. Eximbank báo giá USD ở mức 20.850 đồng (mua vào) và 20.930 đồng (bán ra), giảm 10 đồng ở chiều mua và 20 đồng ở chiều bán so với sáng qua. Vietcombank hạ giá mua USD 15 đồng, còn 20.860 đồng, và giảm giá mua ngoại tệ này 105 đồng, còn 20.930 đồng, thấp hơn trần biên độ 106 đồng.

Ở thời điểm hiện tại, giá USD tại hầu hết các ngân hàng thương mại đều cao hơn giá USD ngoài thị trường tự do. Xu hướng giảm mạnh từ sau Tết nguyên đán tới nay của ngoại tệ này diễn ra khi tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước đưa ra không thay đổi ở ngưỡng 20.828 đồng.

Vàng quốc tế giảm giá trong phiên đêm qua tại Mỹ và đầu giờ sáng nay tại châu Á, trước khi tăng trở lại. Việc Hy Lạp vẫn chưa đạt được một thỏa thuận cải cách nhằm đổi lấy gói cứu trợ quốc tế gây sức ép giảm giá cho vàng. Hiện Athens đã nhất trí cắt giảm lương tối thiểu 22%, nhưng còn nhiều vấn đề mà các nhà chức trách chưa thể đi đến thống nhất.

Tuy nhiên, vàng đã được hỗ trợ tích cực sau khi Trung Quốc công bố thống kê cho thấy, lạm phát tháng 1 ở nước này tăng lên 4,5%, cao nhất trong 3 tháng, vượt kỳ vọng của giới phân tích. Vàng được các nhà đầu tư Trung Quốc xem là một công cụ chống lạm phát hữu hiệu.

Lúc 10h30 giờ Việt Nam, vàng giao ngay tại châu Á có giá 1.734 USD/oz, cao hơn 1 USD/oz so với đóng cửa hôm qua tại New York. Đầu giờ, giá vàng giảm dưới 1.730 USD/oz. Đêm qua, giá vàng chốt phiên giảm 12,9 USD/oz, tương đương giảm 0,7%, còn 1.733 USD/oz.

Quy đổi theo giá USD tự do, giá vàng thế giới hiện tương đương chừng 43,7 triệu đồng/lượng, chưa tính các chi phí khác. Như vậy, giá vàng SJC bán lẻ trong nước đang cao hơn giá vàng quốc tế 1,2 triệu đồng/lượng.

Hôm nay, thị trường sẽ dành sự chú ý cho cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để xem cơ quan này sẵn lòng hỗ trợ Hy Lạp tới mức nào. Nếu không được bơm vốn, Athens sẽ vỡ nợ vào tháng 3.

Tỷ giá Euro/USD tại Tokyo sáng nay phổ biến ở mức hơn 1,32 USD/Euro, giảm so với mức gần 1,33 USD/Euro vào sáng qua. Tình trạng bế tắc trong cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp vẫn đang là nhân tố quan trọng nhất khiến Euro mất giá, tạo rào cản đối với sự đi lên của giá vàng.