14:32 24/07/2017

Việt Nam trước "nghịch cảnh" vay nợ

Minh Đức

Tháng 7/2017 chính là thời điểm “nghịch cảnh” vay vốn của Việt Nam trở nên nổi bật

Nguồn lực ở vốn vàng đã tự chuyển hóa những năm gần đây, khi không còn cảnh vác bao tải trong mua bán vàng và vốn vàng "chôn" dày lên với hàng tỷ USD nhập khẩu về như những năm trước đây.<br>
Nguồn lực ở vốn vàng đã tự chuyển hóa những năm gần đây, khi không còn cảnh vác bao tải trong mua bán vàng và vốn vàng "chôn" dày lên với hàng tỷ USD nhập khẩu về như những năm trước đây.<br>
Từ năm 2012, trong một dịp trao đổi bên lề với một số phóng viên, cán bộ chuyên trách Vụ Hợp tác Quốc tế (Ngân hàng Nhà nước) từng nói trước: dăm năm nữa, áp lực vay nợ của Việt Nam sẽ lớn hơn.

Khi đó, nguyên do chính được đưa ra: Việt Nam từng bước vượt qua các bậc xóa đói giảm nghèo, rồi đến kỳ “tốt nghiệp”, bước vào ngưỡng cửa của một quốc gia có thu nhập trung bình; ưu đãi vốn vay nước ngoài giảm bớt, chi phí vay tăng lên với lãi suất sẽ thị trường hơn.

Nghịch cảnh?

Đến tháng 10/2015, một lần nữa, cũng trong một cuộc trao đổi với báo chí, ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng cục Quản lý nợ (Bộ Tài chính) cũng đề cập đến tương lai - thử thách gần đó.

Mốc dự kiến được xác định: từ tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường.

Trên một số diễn đàn chuyên đề, tháng 7/2017 cũng được nêu lên một cách chính thức, như dấu mốc bắt đầu giai đoạn mới của áp lực vay nợ và chi phí cao hơn nói trên.

Về tầm nhìn, những người trong cuộc và các nhà hoạch định chính sách đã thấy trước, lường định trước khó khăn và thử thách. Nhưng, tại chính thời điểm mốc 7/2017, câu chuyện vay nợ của Việt Nam một lần nữa được đặt ra gián tiếp, như một “nghịch cảnh”.

Sáng 18/7 vừa qua, tại buổi làm việc giữa tổ công tác của Thủ tướng với Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu nghiên cứu việc huy động nguồn lực vàng, đô trong dân một lần nữa được đặt ra.

Một dẫn chứng từ đại diện tổ công tác so sánh, trong khi Chính phủ phải đi vay qua phát hành trái phiếu ngoại tệ trên thị trường quốc tế với lãi suất trên 4%/năm, thì tiền gửi USD vào hệ thống ngân hàng trong nước 0%/năm. Bên cạnh đó còn là nguồn lực vàng gửi ở ngân hàng dưới dạng giữ hộ…

So sánh đó cho thấy “nghịch cảnh” về chi phi vay vốn, càng trở nên nổi bật với mốc tháng 7/2017 nói trên - thời điểm các khoản vay ưu đãi bên ngoài dành cho Việt Nam sẽ hạn chế dần đi, chi phí vay ngoài phải thương mại dần và nặng gánh dần…

Vậy tại sao vẫn không và vẫn chưa vay được nguồn lực vàng, đô trong dân để có thể có chi phí thấp hơn, bớt đi “nghịch cảnh”?

Ngân hàng không thiếu tiền

“Đúng là Chính phủ phải đi vay qua trái phiếu quốc tế lãi suất cao với 4,8%/năm, trong khi nguồn lực vàng và đô trong nước như vậy. Nếu đặt vấn đề huy động nguồn lực này để Chính phủ vay, thì đó lại là vấn đề của ngân sách. Ngân sách thì lại do Quốc hội phê duyệt, đâu phải cứ muốn vay ở đâu, nguồn nào, bao nhiêu cũng được. Mà huy động liên quan đến ngân sách thì đầu mối xây dựng và triển khai là Bộ Tài chính, chứ không phải Ngân hàng Nhà nước”, một chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước băn khoăn.

Cũng theo người trong cuộc trên, suốt những năm qua và cho đến nay, hệ thống ngân hàng vẫn gánh một tỷ trọng rất lớn nhu cầu vốn vay trung dài hạn của nền kinh tế; tỷ trọng tín dụng trung dài hạn hai năm gần đây lên tới 54-55% tổng tín dụng.

Tỷ lệ này càng cao càng dễ rủi ro, đặc biệt về rủi ro thanh khoản và lãi suất. Trong khi đó, ở “nghịch cảnh” trên, nguồn Chính phủ đi vay thời gian qua và hiện nay chủ yếu là dài hạn, từ 3-5 năm, thậm chí 15-20 năm…

Ở một hướng khác, ngân hàng huy động vàng, đô để đưa vào cho vay tạo nguồn thúc đẩy tín dụng. Xét ở khía cạnh này, hệ thống các tổ chức tín dụng những năm qua và hiện nay không thiếu tiền.

Từ năm 2012 đến nay, hàng năm Ngân hàng Nhà nước phải theo cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cụ thể tới từng thành viên; chỉ tiêu tăng trưởng chung cũng kiểm soát chặt. Phải kiểm soát chặt để chặn tình trạng cho vay quá mức, chứ không phải do thiếu tiền. Nửa đầu năm nay, mức tăng tín dụng 9,06% đã bắt đầu gây quan ngại ở tốc độ đẩy vốn ra nhanh và nhiều, như ở báo cáo của một số tổ chức quốc tế bình luận và cảnh báo trong tháng 7 này.

Ngay như tuần vừa qua, hệ thống có dấu hiệu thừa tiền, Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tiếp hút bớt về lượng lớn qua phát hành tín phiếu. Theo tìm hiểu của VnEconomy, trạng thái này gắn với quy mô khoảng 130.000 tỷ đồng tiền gửi của ngân sách ứ đọng trong hệ thống. Điều này có từ thực tế giải ngân đầu tư công chậm mà Chính phủ đã phải họp bàn quyết liệt đầu tháng qua.

Còn ở góc độ của nhà điều hành chính sách tiền tệ, nếu để ý, trong các báo cáo định kỳ giữa năm và cuối năm công bố, ứng xử với nguồn lực vàng đô được dẫn giải ở khái niệm “chuyển hóa” thay vì “huy động”.

Lâu nay, yêu cầu “huy động” được hiểu trực diện là huy động rồi cho vay qua hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, nhiều lần lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước giải thích, đó thực ra là “chuyển hóa” nguồn lực đó thành VND để đi vào sản xuất kinh doanh.

Như bài viết VnEconomy vừa đề cập, chuyển hóa ở vàng là thay vì dùng hàng tỷ USD nhập vàng về như nhiều năm trước, người dân xếp hàng mua và nhồi vốn vào vàng, thì nguồn tiền này hơn ba năm qua không bị “chôn” vào kênh này nữa; lượng nắm giữ trong dân cư đã tự chuyển hóa, bán ra để đáp ứng nhu cầu thị trường vàng, mà không phải bỏ tiền ra nhập khẩu.

Còn ở đô, chuyển hóa rõ nhất là ở quy mô dự trữ ngoại tệ quốc gia gia tăng rất mạnh hai năm qua. Như trong năm 2016, thặng dư cán cân tổng thể ở mức thấp nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn mua được khoảng 10 tỷ USD, chủ yếu do nguồn đô trong dân cư chuyển hóa, bán lại.

Hay từ đầu năm đến nay, nhập siêu quay trở lại, nhưng lượng mua vào vẫn đạt hơn 1 tỷ USD, cũng từ sự chuyển hóa đó. Và tổng quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay với hơn 42 tỷ USD.