11:01 10/04/2009

“Tăng lương cũng nằm trong gói giải pháp kích cầu”

Quỳnh Lam

Vụ phó Vụ Tiền lương - Tiền công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nói về việc điều chỉnh lương tối thiểu từ 1/5/2009

Ông Hoàng Minh Hào - Ảnh: QL.
Ông Hoàng Minh Hào - Ảnh: QL.
Ông Hoàng Minh Hào, Vụ phó Vụ Tiền lương - Tiền công, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội vừa có cuộc trao đổi với VnEconomy xung quanh việc Chính phủ quyết định tăng 20% lương tối thiểu cho công chức viên chức từ 1/5 tới.

"Tiền lương cũng là  một loại giá cả, nó chính là giá cả lao động. Vậy, khi giá cả sinh hoạt tăng  mà giá lao động không tăng sẽ gây nhiều khó khăn cho cuộc sống người  lao động. Vì thế, tăng lương thực ra chỉ là điều chỉnh mức lương cho phù hợp với thực tế trượt giá, nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động hưởng lương Nhà nước.

Ngoài ra, tăng lương cũng là một trong 5 gói giải pháp của Chính phủ nhằm kích cầu tiêu dùng, Nhà nước tung ra một lượng tiền để nâng mức tiền lương thực tế của người lao động tăng lên, giúp người tiêu dùng hạn chế việc giảm chi. Tiền lương thực tế tăng lên thì lựa chọn tiêu dùng của người lao động hưởng lương từ ngân sách cũng dễ dàng lựa chọn hơn", ông nói.

Theo ông, việc tăng lương  sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngân sách Nhà nước và nguồn tiền này đã được cân đối ra sao?

Nghị định 33 về việc tăng lương tối thiểu lần này chính là tiếp tục đề án cải cách tiền lương 2008 - 2010, có nghĩa là nó đã nằm trong lộ trình định sẵn đáng ra phải được thực hiện từ năm 2008.

Tuy nhiên, năm 2008 nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nên việc tăng lương mới chỉ thực hiện  với đối tượng hưu trí và người có công.

Đầu năm nay, chúng ta cũng đã thực hiện việc tăng lương với khối doanh nghiệp. Vì thế, tăng lương cho đối tượng đang  hưởng lương ở khu vực Nhà nước là việc phải làm.

Nói như thế để biết rằng ngân sách đã được chuẩn bị trước và đã được tính toán kỹ, từ mức hưởng, thời điểm điều chỉnh tới nguồn trả lương... đều đã có trong dự toán ngân sách, được Quốc hội thông qua.

Cụ thể, khoản tiền tiết kiệm 10% chi thường xuyên được Chính phủ quy định trong toàn bộ hệ thống hành chính là nguồn tiền đầu tiên được huy động cho việc tăng lương.

Chính phủ cũng quy định rõ là những đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính có thu được sử dụng tối thiểu 40% số thu để chi lương.

Tại các địa phương, nơi nào có tăng thu ngân sách thì được sử dụng 50% cho chi lương. Đối với địa phương thu chưa đủ chi thì ngân sách Trung ương sẽ bảo đảm.

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước,  Chính phủ quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm đảm bảo cân đối kinh phí cho việc tăng lương cho người làm công ăn lương. Nguồn kinh phí  mà doanh nghiệp chi trả lương sẽ được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí sản xuất .

Ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến lo ngại rằng tăng lương sẽ làm tăng giá?

Theo tôi, vấn đề giá cả sinh hoạt tăng không phụ thuộc vào việc tăng lương.

Thực tế tăng lương lần này chỉ bù đắp một phần trượt giá và đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Với mứac tăng 20%, cũng  không phải tạo ra sức mua ghê gớm khiến giá cả hàng hóa trên thị trường phải tăng lên.

Ngoài ra,  số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước không nhiều, chỉ khoảng 8 triệu người trong tổng số khoảng 46 triệu lao động trong cả nước, nên sẽ không có tác động, ảnh hưởng gì lớn đến thị trường giá cả.

Vậy, việc tăng lương có ảnh hưởng gì đối với doanh nghiệp Nhà nước trong thời kỳ suy thoái kinh tế hiện nay?

Các công ty Nhà nước hoạt động có tính ổn định tương đối cao, thực tế là tiền lương ở các công ty này đã cao hơn mức lương tối thiếu, vì thế tôi cho rằng cũng không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp.

Mặt khác, như tôi đã nói ở trên, mức tăng 20% không phải là lớn so với thực tế trượt giá hiện nay.

Tuy nhiên, đối với nhiều công ty Nhà nước, các công ty TNHH một thành viên …, vốn phải áp dụng mức lương tối thiểu chung để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp, trong điều kiện khó khăn hiện nay thì cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là các công ty đông lao động như dêt da, may mặc, thủy hải sản…