Tăng xuất khẩu xi măng: Mừng ít, lo nhiều!
Xuất khẩu xi măng của Việt Nam tăng trở lại đang đặt ra mối lo ngại về vấn đề môi trường, tiết kiệm điện và sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế
Khi Trung Quốc chuyển từ xuất khẩu sang nhập khẩu xi măng hay nhiều nước trong khu vực cũng giảm công suất hoặc dừng xuất khẩu thì Việt Nam lại đang có xu hướng tăng xuất khẩu xi măng trở lại. Điều này đang đặt ra mối lo ngại về vấn đề môi trường, tiết kiệm điện và sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, sau khi tiếp nhận báo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) về tình hình ngành xi măng Việt Nam năm 2017, vừa có chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu ý kiến của Hiệp hội Xi măng, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng và năng suất lao động của cả ngành xi măng và hạn chế xuất khẩu xi măng.
Các nước giảm, Việt Nam tăng
Báo cáo của Hiệp hội Xi măng, tiêu thụ xi măng nội địa từ năm 2014 đến hết 2016 diễn ra bình thường với đà tăng trưởng hàng năm. Cụ thể, năm 2015 tiêu thụ 55,3 triệu tấn, tăng 5,5 triệu tấn so với 2014, tương đương 11%; năm 2016 tiêu thụ 59,3 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với 2015, tương đương 7,2%.
Nhưng năm 2017, ngành xi măng Việt Nam như "cô gái đỏng đảnh, sớm nắng chiều mưa". Trong khi tháng 1,2,3 năm 2017 vẫn giữ được đà tăng trưởng 28%, 12% và 5% so với cùng kỳ 2016, thì từ tháng 4 đến hết tháng 10, tiêu thụ nội địa đột ngột giảm 2% đến 11% so với các tháng cùng kỳ, và từ tháng 11, 12 có sự tăng trở lại, 5-8%. Cả năm 2017 tiêu thụ nội địa đạt 60,27 triệu tấn, tăng 1% so với 2016. Do vậy, theo VNCA, thị trường tiêu thụ xi măng nội địa năm 2017 là… không bình thường.
Điểm chú ý thứ hai là về xuất khẩu. Từ 2014 đến hết 2016, xuất khẩu xi măng clinker của Việt Nam có xu hướng giảm. Năm 2014 xuất khẩu 20 triệu tấn; 2015: 15,8 triệu tấn; 2016: 15,5 triệu tấn. Giá xuất khẩu FOB cũng giảm từ 35-40 USD/tấn clinker xuống 27-28 USD/tấn năm 2016 và đầu 2017, giảm tương đương 30%.
Giá xi măng xuất khẩu cũng giảm từ hơn 55USSD/tấn (2014) xuống còn 50USSD/tấn, tương đương giảm 9%.
Năm 2017, xuất khẩu xi măng clinker Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng từ những tháng đầu năm, riêng 3 tháng 10, 11, 12/2017 xuất khẩu đột ngột tăng mạnh, đạt 165%, 198% và 223% so với các tháng cùng kỳ năm 2016, đưa tổng lượng xuất khẩu năm 2017 đạt hơn 21 triệu tấn, tăng 36%. Cuối năm 2017, giá xuất khẩu xi măng clinker đều đã tăng khoảng 5USSD/tấn.
Trong khi ngành xi măng của Việt Nam diễn ra theo chiều hướng tăng cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, thì tình hình xi măng khu vực ASEAN (không tính Lào, Campuchia, Myanmar và Đôngtimo), được VNCA dẫn số liệu của Hiệp hội Xi măng ASEAN – AFCM, thì nhu cầu tiêu thụ đội địa tăng hàng năm gồm Indonesia, Philippines, Việt Nam, riêng Thái Lan tăng không đáng kể, Brunei, Malaysia không tăng, không giảm; Singapore giảm nhẹ. Tổng nhu cầu 7 nước là 204,95 triệu tấn, trong đó Việt Nam và Indonesia chiếm xấp xỉ 60%.
Về công suất đầu tư, hai nước Brunei và Singapore chỉ đầu tư trạm nghiền xi măng và công suất không thay đổi. Các nước đang tiếp tục đầu tư dự án mới là Indonesia, Việt Nam, Philippines và Malaysia. Thái Lan đã dừng đầu tư dự án mới ở trong nước từ hàng chục năm về trước. Tổng công suất đã đầu tư (cả Việt Nam) hết 2016 là 330,3 triệu tấn, dự báo đến 2020 là 374,7 triệu tấn, tăng gần 45 triệu tấn.
Xét chung về xuất nhập khẩu thì các nước xuất khẩu xi măng clinker chủ yếu là Việt Nam và Thái Lan, các nước không xuất khẩu là Brunei và Philippines, tổng xuất khẩu năm 2016 là 29,8 triệu tấn. Các nước nhập khẩu thì trừ hai nước Việt Nam và Thái Lan, còn lại đều nhập, với tổng nhập khẩu 2016 là 14 triệu tấn.
Điểm thú vị nhất có lẽ là Trung Quốc. Đây là nước có tổng công suất thiết kế, khối lượng sản xuất, tiêu thụ xi măng hàng năm lớn nhất thế giới, chiếm tương đương trên 50%. Những năm gần đây, Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu clinker đứng hàng đầu thế giới.
Nhưng, theo VNCA, cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc có một số chính sách thay đổi vừa để tăng cường bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện, chuyển đổi mục đích ưu tiên trong phát triển kinh tế, do vậy, nhiều nhà máy xi măng đã buộc phải tạm thời đóng cửa, làm cho Trung Quốc từ một nước xuất khẩu clinker hàng đầu thế giới sang nước nhập khẩu, trong đó nguồn cung từ Việt Nam mà theo VNCA có lẽ là lớn nhất.
Đề nghị giãn tiến độ đầu tư các dự án mới
Sở dĩ nhu cầu xuất khẩu xi măng của Việt Nam tăng trở lại, trước hết, năm 2017, hàng loạt dự án xi măng đã đưa vào vận hành. Như dự án xi măng Long Sơn 2 tại Bỉm Sơn (Thanh Hóa), công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm; dự án 2 xi măng Thành Thắng (Thanh Liêm, Hà Nam) công suất 2,3 triệu tấn/năm; dự án 2 xi măng Xuân Thành (Thanh Liêm, Hà Nam) công suất 4,5 triệu tấn/năm.
Với việc đưa vào vận hành 3 dự án trên, hiện nay, Việt Nam có 82 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay, phương pháp thô, với tổng công suất thiết kế 99 triệu tấn xi măng theo cách tính 80% clinker 20% phụ gia. Thực tế hiện nay năng lực sản xuất xi măng của các nhà máy xi măng có thể đạt 113 triệu tấn xi măng với 70% clinker 30% phụ gia (tỷ lệ các nhà máy đang thực hiện).
Các dự án được phép đầu tư, gồm Xi măng Sông Lam dây chuyền 3,4 (giai đoạn 2) của Tập đoàn The Vissai, công suất 3,8 triệu tấn/năm; xi măng Kaitô Hà Tiên tại Bình Phước của ThaiGroup, công suất 4,5 triệu tấn/năm; Xi măng Tân Thắng tại Hoàng Mai (Nghệ An), công suất 1,8 triệu tấn/năm. Các dự án này dự kiến đưa vào sản xuất sau năm 2018.
Các dự án đầu tư mới có công suất lớn, hiện đại, thời gian triển khai nhanh, hiệu quả. Tổng công suất đầu tư và đưa vào vận hành năm 2017 là 9 triệu tấn, đây là khối lượng xi măng lớn và sẽ có ảnh hưởng đến thị trường, tăng áp lực cạnh tranh trong năm nay và những năm tiếp theo.
Nhìn theo khoảng thời gian vài năm, xuất khẩu xi măng clinker của Việt Nam tăng mạnh từ năm 2014, còn do thị trường tiêu thụ nội địa không đạt như kỳ vọng, các doanh nghiệp phải cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu, để bù đắp lại sự sụt giảm của thị trường nội địa. Và đặc biệt là cuối năm 2017, do chính sách của Trung Quốc thay đổi, từ nước xuất hẩu chuyển sang nhập khẩu clinker, nhất là nhập từ Việt Nam nên về số lượng xuất khẩu tăng đột biến và giá xuất khẩu được điều chỉnh cao lên.
Ngoài ra, sự điều chỉnh trong chính sách thuế xuất khẩu của Chính phủ, Bộ Tài chính, cũng là niềm động viên đối với các nhà xuất khẩu xi măng.
Phát triển mạnh như vậy (công suất) nhưng ngành xi măng Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, theo VNCA, đó là năng suất lao động rất thấp, không đồng đều, dao động từ 1.000 tấn/người/năm đến 8.000 tấn xi măng/người/năm, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Năng suất lao động của doanh nghiệp xi măng trong nước cũng thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. Kế đến là công nghệ khai thác mỏ đa số còn lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, chưa sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản…
Trước thực tế trên, VNCA đã đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo giãn tiến độ đầu tư các dự án xi măng mới từ nay đến 2025, đồng thời cho đẩy mạnh đầu tư cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng các công nghệ mới nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản nhiên liệu, sử dụng nhiều phế thải công nghiệp thay thế, năng lượng tái tạo, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường theo hướng phát triển bển vững.
Theo VNCA, Chính phủ cần tiếp tục có đề xuất đề nghị Quốc hội điều chỉnh lại Luật xuất khẩu với các nội dung liên quan đến các sản phẩm xuất khẩu có nguồn gốc từ tài nguyên khoáng sản, mà clinker xi măng là sản phẩm của ngành thuộc điều chỉnh của luật này. "Việc áp dụng các quy định của luật này đối với clinker xi măng còn nhiều bất cập mà ngành xi măng trước đây đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính và các Bộ ngành", VNCA cho biết.