06:00 10/04/2024

Tạo môi trường thuận lợi thu hút FDI vào nông nghiệp

Chương Phượng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, vốn FDI đăng ký trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 25 tỷ USD. Trong đó, tập trung vào các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường; các ngành hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh…

48% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ thuộc về khối doanh nghiệp FDI
48% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ thuộc về khối doanh nghiệp FDI

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo việc làm cho nông dân, hiện đại hóa nông nghiệp, góp phần tích cực trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.

KHỐI FDI CHIẾM 48% KIM NGẠCH XUẤT KHẨU ĐỒ GỖ

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ cấu vốn FDI hiện chưa phù hợp theo định hướng phát triển các lĩnh vực trong nông nghiệp, đầu tư FDI tập trung nhiều vào các lĩnh vực chế biến và xuất khẩu đồ gỗ, chăn nuôi, thu mua và xuất khẩu cà phê, hồ tiêu... Trong khi đó, các lĩnh vực trồng lúa và xuất khẩu gạo, chế biến thủy sản, chế biến nông sản, thực phẩm... vẫn rất ít doanh nghiệp FDI.

Tạo môi trường thuận lợi thu hút FDI vào nông nghiệp - Ảnh 1

Theo Báo cáo “Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam: Thực trạng và xu hướng phát triển giai đoạn 2020 tới tháng 9/2023” được Tổ chức Forest Trends phối hợp với các Hiệp hội gỗ thực hiện, vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ đã tăng trở lại.

Trong ba quý đầu năm 2023, số dự án mới đăng ký đầu tư vào ngành chế biến gỗ tăng trên 1,25 lần và số vốn góp mới trên 2,5 lần so với cả năm 2022. Cụ thể, có 33 dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ, với tổng vốn đầu tư 217,56 triệu USD. Trong đó: các dự án tập trung vào chế biến gỗ là 19 dự án, tổng vốn đầu tư 119,54 triệu USD, chiếm 57,6% về số dự án và 54,9% về số vốn đầu tư; lĩnh vực sản xuất ván nhân tạo có 7 dự án, với tổng vốn đầu tư 50,91 triệu USD, chiếm 21,2% về số dự án và 23,4% về vốn đầu tư; viên nén gỗ với 2 dự án với tổng vốn đầu tư 40,8 triệu USD.

HƠN 2 TỶ USD FDI VÀO CHĂN NUÔI

Đối với ngành chăn nuôi, ba năm gần đây (2021-2023) là giai đoạn khó khăn, nhưng cũng chính là giai đoạn đặc biệt thăng hoa về thu hút FDI. Theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến thời điểm hiện tại, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam lên tới 2,2 tỷ USD, với 81 dự án tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau, như: thức ăn, chăn nuôi heo, gà, bò, chế biến thịt...

Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào chăn nuôi thời gian qua đều là các thương hiệu toàn cầu, họ không chỉ phát triển một ngành hay một chuỗi giá trị mà là cả một hệ sinh thái ngành chăn nuôi từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, chăn nuôi, chế biến sản phẩm. Điển hình như các tập đoàn C.P, Japfa, New Hope, Emivest, De Heus, IFC...

Mặc dù, số lượng các doanh nghiệp FDI so với tổng số doanh nghiệp chăn nuôi chiếm tỷ lệ khiêm tốn, nhưng với quy mô lớn, các doanh nghiệp này vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo về sản lượng sản phẩm. Điển hình trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong 237 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam chỉ có 61 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 25,7%), nhưng sản lượng bán ra thị trường chiếm gần 60%. Riêng Công ty C.P (Thái Lan) xuất bán mỗi năm hơn 5 triệu con lợn thịt, hơn 200 triệu quả trứng và hơn 80 ngàn tấn gà thịt, chiếm 19,5% tổng sản lượng lợn thịt và 4% tổng sản lượng thịt gà của cả nước.

GS.TS. Nguyễn Duy Hoan, Giảng viên cao cấp của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, cho rằng nhờ làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp FDI nên chăn nuôi quy mô trang trại lớn, công nghiệp ngày càng tăng, đưa ngành chăn nuôi Việt Nam tiếp cận dần với ngành chăn nuôi tiên tiến trên thế giới.

Hiện, số cơ sở chăn nuôi quy mô từ 1.500 con lợn trở lên chiếm gần 30% tổng đàn lợn của cả nước, đặc biệt có 16 doanh nghiệp lớn, có quy mô tới gần 6,0 triệu con, chiếm 23,5 % tổng đàn. Một lợi ích khác đó là các doanh nghiệp FDI đưa công nghệ mới, tiên tiến vào Việt Nam, ngoài việc giúp các doanh nghiệp nội tiếp cận công nghệ mới, còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm chế biến sâu, tăng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm.

THU HÚT VỐN FDI CÒN NHIỀU HẠN CHẾ

TS. Nguyễn Anh Phong, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nhận định: dù đã có những kết quả tích cực, song việc thu hút vốn FDI vào ngành nông nghiệp nói chung còn nhiều hạn chế, chưa phát huy tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam. So với các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp nước ta chiếm tỷ trọng rất thấp và không ổn định. Bên cạnh đó, chất lượng các dự án FDI trong nông nghiệp chưa cao, phần lớn là các dự án quy mô nhỏ...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2024 phát hành ngày 08/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tạo môi trường thuận lợi thu hút FDI vào nông nghiệp - Ảnh 2