21:26 01/05/2019

Tập trung cao độ cho giáo dục nghề nghiệp

Lý Hà

Trong giáo dục nghề nghiệp, cần phải đẩy mạnh việc hợp tác 3 bên: nhà trường - doanh nghiệp - Nhà nước, đa dạng hóa các hình thức hợp tác

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Con người được xem là yếu tố quan trọng mang tính quyết định trong mọi việc. Vì thế, cần tập trung cao độ cho giáo dục nghề nghiệp, coi đây là khâu đặc biệt quan trọng và tập trung vào những ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang cần, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết.

Thưa Bộ trưởng, kết thúc năm 2018, ngành Lao động Thương binh và Xã hội đã đạt những kết quả khá ấn tượng trong hai lĩnh vực việc làm và giáo dục nghề nghiệp. Xin Bộ trưởng điểm qua các con số thể hiện thành quả này?

Ngành Lao động Thương binh và Xã hội đã có một kết quả khá tích cực trong lĩnh vực việc làm và nhất là lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp khi kết thúc năm 2018. Đó là Bộ đã hoàn thành các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao. Cụ thể như tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đạt 3,1%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 58,6%, trong đó, tỷ lệ có bằng cấp chứng chỉ đạt 23-23,5%...

Năm vừa qua đã tạo việc làm cho 1.643.000 người, đạt 102,7%, đưa hơn 142.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở các cấp trình độ đạt 2,2 triệu người, đạt 100,5% kế hoạch.

Ngoài ra, chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ ban hành và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong tổng số 46 văn bản, gồm: 5 nghị định, 7 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 30 thông tư và 4 thông tư liên tịch liên quan đến giáo dục nghề nghiệp. 

Rà soát, sắp xếp tinh gọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giảm 329 trung tâm cấp huyện, 36 trường trung cấp. Thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu thị trường, kết nối doanh nghiệp; chuyển mạnh sang đào tạo theo đơn đặt hàng, theo đầu ra. Từng bước thực hiện chuẩn hóa giáo dục nghề nghiệp đổi mới các chương trình đào tạo để thu hút người học, đặc biệt là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với nước ngoài - công nhận văn bằng chứng chỉ. Chuyển giao các bộ chương trình, giáo trình từ nước ngoài (Đức, Australia...) qua đó giúp giáo viên và học sinh được tiếp cận công nghệ đào tạo tiên tiến trên thế giới đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Quan trọng nhất là nhận thức của xã hội, của thanh niên về giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã có chuyển biến. Ngày càng có nhiều người lựa chọn học nghề là con đường lập thân, lập nghiệp cho mình trong tương lai.

Nhiều ý kiến cho rằng, quan tâm giáo dục nghề nghiệp chính là quan tâm tới doanh nghiệp bởi nó đã tạo ra nguồn nhân lực có khả năng đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp phát triển. Bộ trưởng nhận xét gì về điều này?

Có thể nói, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh. Có nhiều yếu tố quyết định năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, như sự quan tâm của lãnh đạo, năng lực sáng tạo của đội ngũ, khả năng nắm bắt và xử lý thông tin, sự đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Theo tôi, để đổi mới sáng tạo cần có 3 yếu tố cơ bản, đó là: con người, công nghệ, thị trường. Song quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, nên tôi đồng tình với ý kiến trên.

Tham khảo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam, chỉ số này đang tiếp tục được cải thiện về vị trí - đứng thứ 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng trong năm 2018, đã cải thiện tăng 2 bậc so với năm 2017, tăng 14 bậc so với năm 2016. 

Dù vậy, chúng ta bị đánh giá là còn yếu ở các chỉ số thuộc nhóm đầu vào của đổi mới sáng tạo, như: môi trường kinh doanh, xếp hạng các trường đại học, việc làm thâm dụng tri thức, tỷ lệ lao động nữ có trình độ, số lượng đăng ký sáng chế quốc tế theo hệ thống Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT), xuất/nhập khẩu dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)... cũng còn nhiều điều phải bàn đến.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, chiến lược tăng cường đầu tư cho công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), liên kết với các trung tâm nghiên cứu như các trường đại học, các viện nghiên cứu có ý nghĩa quyết định trong đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Để tận dụng cơ hội cơ cấu dân số vàng, có rất nhiều việc cần làm ngay là tập trung để tạo ra một lực lượng lao động có chất lượng cao hơn, cũng như kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ này. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng. Chúng ta cần đào tạo và nâng cấp kỹ năng làm việc số hóa tương thích với các thay đổi trong doanh nghiệp cho toàn bộ nhân viên, nhất là các cấp quản lý của doanh nghiệp.

Thưa Bộ trưởng, là một trong những ngành quản lý nguồn nhân lực, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ về chính sách cũng như cách thực hiện thế nào để tạo ra nguồn nhân lực đổi mới, sáng tạo đồng hành cùng doanh nghiệp?

Về chính sách, thời gian qua, rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề này, nhất là các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, khởi nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo được ban hành...

Chúng ta đang đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); các chỉ số đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) đạt trung bình của nhóm ASEAN 5.

Vì thế, trong thời gian tới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhân lực sẽ tiếp tục đồng hành cùng với doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo. Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh. Đặc biệt coi trọng phát triển thị trường, tạo ra thị trường theo đúng nghĩa "thị trường lao động". Tạo sự chuyển động thực sự đồng bộ và lành mạnh trong thị trường lao động. Trong đó chú ý đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hiện nay, với 14,5 triệu người lao động trong doanh nghiệp nhưng tổng số lao động được đào tạo có chứng chỉ có tỷ lệ dưới 23%. Chúng ta thuộc nhóm có chứng chỉ thấp trong ASEAN. Đây là vấn đề rất cần suy nghĩ trong thời gian tới. Vì vậy, việc cần làm ngay là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Chúng tôi cũng thấy là trong giáo dục nghề nghiệp, cần phải đẩy mạnh việc hợp tác 3 bên: nhà trường - doanh nghiệp - Nhà nước. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đi đối với ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường quản lý, chỉ đạo, điều hành, lĩnh vực lao động, để làm cơ sở cho đổi mới sáng tạo.

Thưa Bộ trưởng, năm 2019 cũng là năm chuẩn bị hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Với tầm quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ làm gì để cụ thể hóa giáo dục nghề nghiệp là khâu trọng tâm đột phá?

Năm 2019, với phương châm hành động mà Chính phủ đã đề ra là: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", toàn ngành Lao động Thương binh và Xã hội với quyết tâm cao nhất, nỗ lực, bứt phá sáng tạo quyết liệt thực hiện 14 nhóm nhiệm vụ đã được thống nhất tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội năm 2019.

Mục tiêu tổng thể là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đồng bộ thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Bộ đã và đang triển khai, tập trung tạo bước đột phá đồng bộ trên một số nhóm vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, tập trung xây dựng thể chế, trong đó quan tâm hoàn thành Chiến lược phát triển ngành, Chiến lược an sinh xã hội cho 10 năm tới với tư duy đột phá và hướng tới một xã hội mọi người đều hưởng được quyền an sinh theo đúng tinh thần Điều 34 Hiến pháp và các quy định của Đảng và Nhà nước. Tập trung cao độ cho việc sửa đổi và trình Bộ luật Lao động sửa đổi với những nội dung đã trình xin ý kiến Chính phủ. Trình Quốc hội sửa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Trình, sửa đổi Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Thứ hai, tiếp tục đột phá mạnh mẽ, tạo ra sự chuyển động thực sự trong thị trường lao động, tạo nên thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh ở 3 khía cạnh: tạo việc làm mới phấn đấu cao hơn mức năm 2018 đạt 1,65 triệu người. Tạo sự dịch chuyển lớn lao động từ phi chính thức sang chính thức với tỷ lệ cao hơn năm 2018. Giảm tỷ lệ người có trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp xuống thấp hơn.

Thứ ba, tiếp tục tập trung cao độ cho giáo dục nghề nghiệp, coi đây là khâu đặc biệt quan trọng, với cách làm mới, phấn đấu đạt mục tiêu tổng quát là: số người học, đặc biệt là cao đẳng, trung cấp nghề tăng lên; ra trường phải có việc làm, có thu nhập và ứng dụng, tập trung vào những ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang cần. Do đó, cung và cầu phải kết nối rất hợp lý, phải dự báo được ngành nghề mà xã hội đang cần.

Đây là ba nhóm vấn đề rất cần được triển khai và thực hiện đồng bộ. Tất cả đều hướng tới đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.