16:40 29/11/2021

Tất cả những gì thế giới đã biết về biến chủng Omicron tính đến thời điểm này

An Huy

Dù mới được phát hiện, biến chủng Omicron đã xuất hiện ở một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới...

Một loạt quốc gia đã áp hạn chế nhập cảnh vì lo ngại sự lây lan của biến chủng Covid mới Omicron - Ảnh: Reuters.
Một loạt quốc gia đã áp hạn chế nhập cảnh vì lo ngại sự lây lan của biến chủng Covid mới Omicron - Ảnh: Reuters.

Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa biến chủng mới phát hiện của Covid-19 là Omicron vào danh sách “biến chủng đáng lo ngại”.

“Biến chủng này có nhiều đột biến, trong đó có một số đột biến gây lo ngại”, WHO nói trong một tuyên bố. “Những bằng chứng ban đầu cho thấy nguy cơ tái nhiễm gia tăng ở biến chủng này so với các biến chủng trước”.

Các ca nhiễm Omicron đã được ghi nhận ở một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm: Australia, Bỉ, Botswana, Anh, Đan Mạch, Đức, Hồng Kông, Israel, Italy, Hà Lan, Pháp, Canada và Nam Phi.

Dưới đây là những gì mà thế giới đã biết về biến chủng Omicron, tính đến hiện tại, theo hãng tin CNBC.

BIẾN CHỦNG CÓ NHIỀU ĐỘT BIẾN

Trong một cuộc họp báo của Bộ Y tế Nam Phi hôm 25/11, nhà khoa học Tulio de Oliveira của nước này nói rằng biến chủng Omicron là một “chòm đặc biệt” gồm hơn 30 đột biến ở gai proten – bộ phận của virus làm nhiệm vụ tấn công tế bào. Con số này lớn hơn nhiều so với ở biến chủng Delta.

Nhiều trong số những đột biến này có mối liên hệ với khả năng gia tăng về chống lại kháng thể. Khả năng này là nhân tố ảnh hưởng tới cách virus ứng phó với vaccine và các phương pháp điều trị, cũng như khả năng lây nhiễm của virus – giới chức y tế cho hay.

Ông Tulio de Olivera nói biến chủng Omicron chưa tất cả hơn 50 đột biến. Miền liên kết thụ thể (RBD), bộ phận của virus giữ vai trò tiếp xúc đầu tiên vào tế bao, có 10 đột biến, so với chỉ 2 đột biến ở Delta – biến chủng Covid-19 đã trở thành loại chủ đạo trên thế giới trong năm nay.

Mức độ đột biến như vậy đồng nghĩa biến chủng Omicron có thể đã đến từ một bệnh nhân Covid-19 không thể sạch virus, khiến virus có cơ hội biến đổi gen. Giả thiết tương tự cũng đã được đưa ra với biến chủng Alpha.

Bà Maria Van Kerkhove, Giám đốc kỹ thuật của WHO về Covid, hôm 25/11 nói rằng các nhà khoa học “còn chưa biết nhiều” về Omicron và sẽ phải mất vài tuần để đưa ra một bức tranh đầy đủ về khả năng kháng vaccine của biến chủng này.

“BIẾN CHỦNG QUAN TRỌNG NHẤT” TÍNH ĐẾN HIỆN TẠI

Một loạt quốc gia đã ngay lập tức cấm các chuyến bay từ các nước khu vực miền Nam châu Phi, nơi biến chủng Omicron được phát hiện đầu tiên. “Đây là biến chủng quan trọng nhất mà chúng ta từng gặp phải tính đến thời điểm này”, Giám đốc Cơ quan An ninh y tế Anh (HSA) Jenny Harries nhấn mạnh.

Tuy nhiên, WHO vào hôm 26/11 kêu gọi các quốc gia không nên quá vội vã áp các hạn chế đi lại.

Tại một cuộc họp của Liên hiệp quốc tại Geneva, người phát ngôn Christian Lindmeier của WHO nói rằng các chính phủ nên áp dụng phương pháp “dựa trên mức độ rủi ro và có căn cứ khoa học”, đồng thời nhấn mạnh các nhà khoa học sẽ phải mất vài tuần để hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của biến chủng mới.

BIẾN CHỦNG OMICRON SẼ DỄ BỊ KHỐNG CHẾ?

“Có vẻ như biến chủng mới có một bộ đột biến rất đang lo ngại, nhất là ở gai protein, điều quyết định khả năng lây nhiễm và khác vaccine. Bởi vậy, dựa trên những thông tin về gen hiện có, chúng tôi khá lo ngại về biến chủng này”, ông Pasi Penttinen, Giám đốc phụ trách phản ứng khẩn cấp y tế cộng đồng thuộc Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) châu Âu, nói hôm 26/11.

“Chúng tôi vẫn cần biết rõ hơn về tình hình ở Nam Phi và các nước khác ở khu vực miền Nam châu Phi để có mức bức tranh đầy đủ về đột biến này”, ông Penttinen nói.

Tuy nhiên, nhà dịch tễ học Francois Balloux thuộc Viện Công nghệ gen, Đại học Hoàng gia London, nói với hãng tin BBC vào hôm 26/11 rằng những phát hiện ban đầu về Omicron cho thấy biến chủng này có thể dễ bị khống chế.

Theo nhà khoa học này, ngay cả khi dễ lây hơn các biến chủng trước, Omicron cũng sẽ không đặt ra nhiều thách thức cho thế giới. Ông cho rằng biến chủng mới có thể chỉ gây ra một số trở ngại thay vì đưa đại dịch “tái sinh”.

CHƯA RÕ BIẾN CHỦNG OMICRON LAN RỘNG ĐẾN MỨC ĐỘ NÀO

Như đã nói ở trên, dù mới được phát hiện, biến chủng Omicron đã xuất hiện ở một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nhà chức trách Hà Lan tuyên bố đã phát hiện 13 ca nhiễm biến chủng Omicron trên hai chuyến bay từ Nam Phi đến Amsterdam vào hôm thứ Sáu. Hà Lan đã xét nghiệm toàn bộ hơn 600 hành khách trên hai chuyến bay này và phát hiện 61 ca Covid-19, tiếp đó họ xét nghiệm các ca Covid-19 này để xác định những người mắc biến chủng Omicron.

“Đây có thể mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Y tế Hà Lan Hugo de Jonge nói với các nhà báo.

Hai ca nhiễm biến chủng Omicron được phát hiện trong một khách sạn dùng để cách ly người nhập cảnh, trong đó có một người nhập cảnh từ Nam Phi bị nghi đã lây bệnh sang một người ở phòng bên cạnh.

Biến chủng Omicron xuất hiện trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu đang đương đầu với một làn sóng lây nhiễm mới và một số nước đã phải hạn chế các hoạt động xã hội để chống lại sự lây lan của Sars-CoV2. Biến chủng mới cũng làm dấy lên lo ngại về chênh lệch lớn về tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu. Một số nước phát triển đã triển khai mũi tiêm thứ ba, trong khi chưa đầy 7% dân số của các nước nghèo đã được tiêm mũi đầu tiên.

Giáo sư William Schaffner thuộc Đại học Vanderbilt nói với Reuters rằng nếu biến chủng Omicron dễ lây hơn và có khả năng kháng virus, thì đó là một điều rất đáng lo ngại.

“Biến chủng Delta đã rất dễ lây, nên khó có thể hình dung về một biến chủng khác dễ lây hơn”, ông Schaffner nói. “Nếu có một biến chủng lây dễ hơn Delta, đó sẽ là một thách thức đối với thế giới. Khi biến chủng Delta xuất hiện vào mùa hè này, nó đã làm đảo lộn tất cả”.

BIẾN CHỦNG OMICRON KHIẾN THỊ TRƯỜNG CHAO ĐẢO

Thị trường tài chính toàn cầu bán tháo trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi giới đầu tư lo ngại biến chủng mới đặt ra trở ngại đối với sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ giảm 2,5%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Chỉ số S&P 500 mất 2,3%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm.

Giá dầu thô giảm hơn 12% trong phiên ngày thứ Sáu và giá Bitcoin mất 8%. Giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, khiến lợi suất của kỳ hạn 10 năm sụt về 1,47%, từ mức cao thiết lập hôm thứ Tư là 1,69%.

Phiên ngày thứ Hai (29/11), sắc đỏ bao phủ khắp các thị trường chứng khoán chủ chốt ở châu Á.

Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật sụt hơn 1,6%. Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc giảm 0,9%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,9%, xuống mức thấp nhất từ tháng 10/2020, sau khi giảm 2,7% trong phiên ngày thứ Sáu.