11:17 18/02/2018

Techcombank, lợi nhuận lò xo nén và một cấu phần danh dự

Minh Đức

Kế hoạch 10.000 tỷ đồng lợi nhuận Techcombank năm nay cũng… bình thường thôi

“Ngân hàng bán lẻ”, “ngân hàng số”, “dịch vụ tiện ích” đang được lượng hóa giá trị rất cụ thể bằng những con số gia tăng từng năm, cũng như ngày càng thể hiện vị trí danh dự trong cấu phần lợi nhuận cho mỗi ngân hàng Việt.
“Ngân hàng bán lẻ”, “ngân hàng số”, “dịch vụ tiện ích” đang được lượng hóa giá trị rất cụ thể bằng những con số gia tăng từng năm, cũng như ngày càng thể hiện vị trí danh dự trong cấu phần lợi nhuận cho mỗi ngân hàng Việt.

Những năm 2012 - 2014, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) rơi vào khó khăn, kết quả kinh doanh suy giảm mạnh, nợ xấu tăng cao, và cả những đồn đoán trên thị trường…

Có đồn đoán, nguyên do vướng mắc lớn trong cho vay lĩnh vực bất động sản. Giai đoạn đó, hầu như ngân hàng nào chẳng vậy, khi lĩnh vực này đóng băng và gần như khủng hoảng, cũng là một phần chính dồn đẩy nợ xấu chung.

Có suy đoán, do Techcombank xáo trộn thượng tầng, vì liên tiếp thay đổi nhân sự Tổng giám đốc mà chưa củng cố được, khá nhiều nhân sự cao cấp cũng ra đi.

Nhưng, lõi và sức mạnh của đầu tàu khối ngân hàng thương mại tư nhân Việt Nam một thời vẫn còn đó.

2016 rồi 2017, Techcombank bật mạnh trở lại, hai năm liền lợi nhuận đều gấp đôi năm liền trước. Đặc biệt năm 2017, với ROE lên tới 30,7%, ROA 2,69%, đây là thành viên có chỉ số hiệu quả cao nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam (ngoại trừ khối ngân hàng nước ngoài không có dữ liệu công bố cụ thể).

Và 2018, lần đầu tiên một ngân hàng tư nhân Việt Nam đặt chỉ tiêu lợi nhuận lên tới 10.000 tỷ đồng, ngang ngửa với nhóm "Big 4" ngân hàng thương mại Nhà nước dù quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản chỉ bằng cỡ khoảng một phần tư.

Nhưng với Techcombank, quy mô lợi nhuận kế hoạch dự kiến đó không quá bất ngờ.

Sức nâng về gần với thể lực

Nhắc lại quá khứ 2012 - 2014 nói trên để góp phần lý giải cho hiện tại và tương lai gần.

Quá khứ, nợ xấu Techcombank từng gắn với từ "leo thang" mà truyền thông phản ánh trong năm 2013; cao điểm như từ 2,7% vọt lên 5,93% quý 3/2013.

Sức nâng lợi nhuận của một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có thể lực mạnh trước đó bị nợ xấu đè xuống. Nói một cách hình ảnh, cái lò xo lợi nhuận nhún xuống, chỉ bật lên và bật mạnh hay không tùy thuộc lớn vào mức độ gỡ bỏ được gánh nặng đang đè.

Cũng với nguyên lý trên, khi VnEconomy hỏi ông Nguyễn Lê Quốc Anh - Tổng giám đốc Techcombank, câu trả lời khá thản nhiên về áp lực lợi nhuận năm 2018, cũng như khi lý giải về lợi nhuận đột biến 8.036 tỷ đồng năm 2017 (vượt 60% kế hoạch năm).

Như trên, lõi và sức mạnh của đầu tàu một thời vẫn còn đó. Theo cách dẫn giải của Tổng giám đốc Techcombank, kỷ lục lợi nhuận năm qua cũng… bình thường, khi lò xo bớt lực đè để bật. Vì doanh thu vẫn lớn và tăng trưởng đều hơn 20% mỗi năm, bớt lực đè thì lợi nhuận bật lên và tiến gần hơn với doanh thu thôi.

"Nhìn vào con số, lợi nhuận có vẻ tăng lẹ hơn. Nhưng xem lại, bản chất 2017 chúng tôi tất toán được hết tất cả các khoản nợ xấu tồn đọng từ năm 2008 đến 2012; ngay cả phần nợ xấu đã bán cho VAMC chúng tôi cũng đã mua lại hết, đưa ra khỏi bảng cân đối.

Như vậy có nghĩa, miễn là chúng tôi đạt được mức doanh thu tổng thể, lợi nhuận sẽ đi theo song song. Sau khi tất toán nợ xấu thì phần còn lại càng ngày càng nhỏ, thành thử con số về lợi nhuận có vẻ như càng ngày nó càng tăng nhiều", ông Nguyễn Lê Quốc Anh trả lời VnEconomy.

Theo đó, Tổng giám đốc Techcombank cho rằng không có nhiều áp lực trong chỉ tiêu lợi nhuận 2018, khi mà sức nâng đã về gần với thể lực thực sự, sau khi đã giảm được nợ xấu về 1,6%, cũng như đã xử lý được những tồn đọng giai đoạn trước.

Cú nảy của dịch vụ

Đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước chính thức chấp thuận nguyên tắc cho Techcombank bán toàn bộ công ty tài chính trực thuộc (TechcomFinance).

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh giải thích, tài chính tiêu dùng không phải là điểm mạnh của Techcombank. Vậy nên, ngân hàng quyết định bán công ty trên để tập trung cho các sở trường khác, như về ngân hàng số và dịch vụ.

Ở những sở trường đó, giá trị đóng góp vào lợi nhuận cho Techcombank hẳn đáng để các ngân hàng khác nhìn vào, với những cú nảy cụ thể.

Tháng 9/2016, ngân hàng này bắt đầu triển khai chiến dịch 0 đồng (Zero Fee), miễn phí hoàn toàn các giao dịch trực tuyến E-banking. Tưởng như đây chỉ là một chương trình khuyến mại, "PR" đơn thuần, nhưng nó nhanh chóng góp phần tạo nên khác biệt.

Cuối 2016, Techcombank có 8,9 triệu giao dịch qua E-banking, thì năm 2017 đã nhảy vọt lên tới 22,7 triệu giao dịch, với nhân tố đòn bẩy miễn phí nói trên.

Miễn phí không có nghĩa là chỉ cho đi. Lượng giao dịch nhảy vọt trên đồng nghĩa dòng tiền chảy qua ngân hàng bội lên rất lớn, và chỉ cần một phần trong đó đọng lại trên tài khoản dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn cũng đã phát huy nhiều giá trị.

Nếu năm 2013 - 2014, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank chỉ chiếm khoảng quanh 16% trong cơ cấu, thì đến 2016 - 2017 tăng mạnh lên trên 24%. Chính nguồn vốn đọng lại này gia tăng giúp ngân hàng giảm thiểu chi phí huy động đầu vào, duy trì được biên thu nhập lãi thuần (NIM) ở mức khá cao với 3,9%, trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm những năm qua.

Đẩy mạnh ngân hàng số, cộng với chính sách miễn phí dịch vụ, ngân hàng thêm sức thu hút khách hàng. Nền tảng khách hàng càng lớn, tài nguyên khai thác các dịch vụ khác càng lớn. Đơn cử như giá trị kết nối sang kênh bảo hiểm, nền tảng khác hàng thu hút được chính là cơ sở để Techcombank dẫn đầu thị trường năm qua về thị phần doanh số.

Chính phí hoa hồng bảo hiểm thu được năm 2017 đã góp phần thúc tỷ trọng thu nhập phi thuần của Techcombank tăng rất mạnh, từ 16,41% lên 23,32%...

Những chuyển động trên cũng là con đường mà hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay đang nỗ lực thực hiện, rủi ro giảm thiểu và lợi nhuận bền vững hơn.

Tức là, ngân hàng giảm bớt lệ thuộc vào thu tín dụng và liên tục mở rộng tín dụng như cách truyền thống mà tiềm ẩn rủi ro nợ xấu, dịch chuyển và tạo gia tăng ở dịch vụ để có nguồn thu bền vững hơn theo cách của một ngân hàng hiện đại, thị trường hiện đại.

Ở con đường và xu hướng trên, Techcombank cũng đã tạo được cú nảy đáng chú ý trong năm vừa qua, khi có thu nhập ngoài lãi tăng mạnh, tỷ trọng trên tổng thu nhập tăng từ 31,7% lên tới 45%.

Qua trường hợp của Techcombank, hoạt động ngân hàng tại Việt Nam không còn chung chung ở những khẩu hiệu "ngân hàng bán lẻ", "ngân hàng số", "dịch vụ tiện ích" trong các dòng chảy thông tin nữa, mà được lượng hóa giá trị rất cụ thể bằng những con số gia tăng từng năm, cũng như ngày càng thể hiện vị trí danh dự trong cấu phần lợi nhuận cho mỗi nhà băng.