13:58 02/02/2024

Tết Việt và mùa lễ hội Hà Nội 2024: Nhiều chương trình đặc sắc phục vụ người dân và du khách

Chu Khôi

Sáng 2/2/2024 (tức 23 tháng Chạp âm lịch), tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã diễn ra nhiều hoạt động: tế cáo trời đất tại Điện Kính Thiên, thả cá chép và dựng cây nêu… “mở màn” cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các Lễ hội Xuân năm 2024…

Nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long.
Nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long.

Sáng 2/2, Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long cùng một số nhà sử học và đông đảo các vị bô lão ở quận Ba Đình đã tề tựu tại nền Điện Kính thiên trong Hoàng thành Thăng long để thực hiện các nghi thức mở đầu Tết Việt.

Sau khi tế cáo trời đất, đoàn hành lễ đã rước cá ra thả tại ao ở khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu để  tiễn Táo quân về trời. Tiếp sau đó, một cây nêu rực rỡ đã được dựng lên trước cổng Đoan môn của di tích Hoàng thành.

ĐẶC SẮC TẾT HOÀNG THÀNH THĂNG LONG

Để phục vụ người dân và du khách vui chơi trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức chương trình chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024) và đón Xuân Giáp Thìn 2024.

Chương trình Tết. Trong đó, chương trình trưng bày Tết Việt chào xuân Giáp Thìn 2024 với nhiều hoạt động tái hiện các nghi lễ truyền thống độc đáo kéo dài từ ngày 2/2 (23 tháng Chạp năm Quý Mão) đến ngày 18-2 (mùng 9 Tết Giáp Thìn) với ý nghĩa "tống cựu, nghênh tân". Chương trình gồm một chuỗi các nghi lễ như: Lễ ông Công ông Táo, lễ ban sóc, phất thức, thướng tiêu, lễ khai Xuân, khai ấn...

Dâng hương tại nền điện Kính Thiên.
Dâng hương tại nền điện Kính Thiên.

Không gian trưng bày Tết Nguyên đán dân gian truyền thống năm nay tái hiện không gian sinh hoạt ngày Tết của một gia đình thị dân ở kinh thành với các phong tục như thờ cúng gia tiên và các vị thần, treo tranh Tết, câu đối Tết, đốt pháo tết, gói bánh chưng, xin chữ đầu năm, chúc tết, mừng tuổi, thú chơi hoa tết...

Không gian trưng bày tết cung đình sẽ giới thiệu tới người dân và du khách lễ Chính đán thời Lê Trung Hưng. Theo truyền thống xưa, lễ Chính đán được tổ chức vào sáng sớm ngày mồng Một với nghi thức đại triều trang trọng, tôn nghiêm, diễn ra tại sân điện Kính Thiên.

Thả cá tiễn Táo quân về trời.
Thả cá tiễn Táo quân về trời.

Năm nay, lần đầu tiên Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội trình chiếu phim 3D "Lễ Chính đán thời Lê". Bộ phim sẽ mang đến cho du khách một trải nghiệm 360 độ, tái hiện không khí tôn nghiêm và độc đáo của lễ Chính đán nơi cung đình xưa với các nghi thức như: Rước Biểu vào sân điện Kính Thiên; rước xa giá vua sang điện Kính Thiên; lễ tuyên biểu mục...

Điểm đặc biệt, để phục vụ người dân và du khách vui chơi trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm, Công ty Cổ phần Ðồng Xuân khai trương dịch vụ "Du lịch Hà Nội bằng xe ô tô điện" vào 9h30 ngày 5/2 (tức 26 tháng Chạp năm Quý Mão).

Tuyến xe điện có lộ trình chiều đi: Đinh Tiên Hoàng (điểm đầu – Bến xe điện Bờ Hồ) – Hàng Đào – Hàng Ngang - Hàng Buồm – Mã Mây – Hàng Bạc – Hàng Ngang – Hàng Đường – Đồng Xuân – Hàng Giấy – Quán Thánh – Nguyễn Biểu – Hoàng Thành Thăng Long (điểm cuối), với giá vé 245.000đ/xe /7 khách. Chiều về: Hoàng Thành Thăng Long (điểm đầu - Cổng số 9 phố Hoàng Diệu) – Hoàng Diệu – Hoàng Văn Thụ - Hùng Vương – Phan Đình Phùng – Hàng Cót – Hàng Lược – Hàng Mã – Hàng Chiếu – Đào Duy Từ - Mã Mây – Hàng Bạc – Hàng Bồ - Lương Văn Can – Lê Thái Tổ - Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng (điểm cuối), với giá vé 245.000đ/xe/7 khách.

Từ 1/2 đến 9/2 (tức từ 22 đến 30 tháng Chạp), các đơn vị triển khai chương trình khuyến mại miễn phí chiều đi từ hồ Hoàn Kiếm đến Hoàng thành Thăng Long, với số lượng 10 xe hoạt động liên tục trong ngày.

CÁC ĐỊA PHƯƠNG TẠI HÀ NỘI CHUẨN BỊ MÙA LỄ HỘI

Mùa Lễ hội Xuân 2024 sắp bắt đầu. Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thành phố có hơn 1.200 lễ hội truyền thống với quy mô tổ chức khác nhau, trong đó phần lớn tập trung vào đầu năm mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Trong đó, nhiều lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội bắt đầu vào mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng: Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (quận Đống Đa); lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức); lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh)... Nhiều địa phương đã lên kế hoạch tổ chức với các nội dung hấp dẫn.

Dựng cây nêu trước cổng Đoan môn ở Hoàng thành Thăng Long.
Dựng cây nêu trước cổng Đoan môn ở Hoàng thành Thăng Long.

Nhằm bảo đảm cho mùa lễ hội 2024 diễn ra an toàn, văn minh, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo số 4367/UBND-KGVX và Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 15/1/2024 về quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2024.

Theo đó, năm nay lễ hội sẽ được tổ chức theo tinh thần tiết kiệm, trang trọng, hiệu quả, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu; phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và du lịch trên địa bàn thành phố.

Các địa phương của Hà Nội đã lên kế hoạch chuẩn bị tổ chức lễ hội truyền thống với nhiều điểm mới, hấp dẫn hơn. Tại quận Đống Đa, công tác tổ chức Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra vào mùng 5 tháng Giêng đã sẵn sàng. Điểm mới của lễ hội năm nay là Ban tổ chức sắp xếp bãi đỗ xe riêng không thu phí, đồng thời không cho phép các hàng quán bán hàng để bảo đảm an toàn, văn minh, vệ sinh môi trường.

Lễ hội Gióng đền Sóc của huyện Sóc Sơn năm nay, Ban tổ chức sẽ lùi thời gian hành lễ muộn hơn một tiếng so với mọi năm, đồng thời mở rộng không gian trải nghiệm với hoạt động biểu diễn nghệ thuật do nhân dân các thôn thực hiện.

Là một trong những lễ hội thu hút hàng vạn khách tham gia ngay những ngày đầu năm mới, công tác tổ chức Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) đã được xây dựng từ sớm. Trưởng ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển, cho biết lễ hội năm nay có chủ đề: “An toàn - Văn minh - Thân thiện”. Ban tổ chức đã thành lập 5 tiểu ban tổ chức lễ hội và tổ kiểm tra liên ngành túc trực thường xuyên trong những ngày diễn ra lễ hội.

Theo đại diện huyện Mê Linh, lễ khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng xuân 2024 sẽ diễn ra vào buổi tối thay vì buổi sáng như mọi năm. Sau đó sẽ có một bộ phim 3D mapping trình chiếu để ca ngợi, tưởng nhớ công lao của Hai Bà. Đại diện huyện Sóc Sơn cho biết đơn vị sẽ đảm bảo việc "tất lộc" tại Hội Gióng được đảm bảo đúng như truyền thống và không xảy ra việc tranh cướp lộn xộn.

Triển lãm Tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long.
Triển lãm Tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long.

Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết mùa lễ hội 2023 vẫn còn một số hiện tượng gây phản cảm, như chèo kéo khách ở chùa Hương, hay xuất hiện “sới gà” tại một lễ hội ở huyện Phú Xuyên.

Năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã gửi công văn đề nghị các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý nghiêm những hiện tượng phản cảm, trục lợi trong lễ hội; khuyến khích các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng hạn chế đốt vàng mã; không đặt tiền lẻ tại các ban thờ.

“Một trong những nội dung mới của việc triển khai công tác lễ hội năm 2024 tại Hà Nội, đó là ngành Văn hóa đã ban hành bộ Tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2024, 70% các lễ hội bảo đảm các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thành phố đã công bố đường dây nóng (0965.404.557) tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh về lễ hội”, bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.