Thăng trầm GE: Từ biểu tượng công nghiệp Mỹ đến nghi án gian lận 38 tỷ USD
Câu chuyện lịch sử của General Electric (GE), biểu tượng một thời của nền sản xuất công nghiệp Mỹ đang đối mặt ngổn ngang thách thức
Từ ngày ra đời vào năm 1892, tập đoàn General Electric (GE) luôn là cái tên đồng nghĩa với sự sáng tạo Mỹ, một biểu tượng của nền sản xuất công nghiệp Mỹ. Điều này đúng cho đến khoảng 1 thập kỷ trước.
GE là một trong 12 thành viên đầu tiên của chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ, và là cổ phiếu trụ lại lâu nhất trong chỉ số blue-chip này. Các nhà khoa học và kỹ sư của GE đã phát minh hoặc hoàn thiện từ những sản phẩm gắn liền với đời sống hàng ngày như bóng đèn, tia X, tủ lạnh, TV… cho tới động cơ máy bay, nhà máy điện hạt nhân…
Nhưng ánh hào quang dần trở thành quá khứ, GE bước vào một thời kỳ đầy rẫy khó khăn, với những bất ổn nội bộ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, giá trị vốn hóa thị trường sụt giảm thê thảm, và những thương vụ đầu tư sai lầm.
Trong câu chuyện xấu mới nhất xảy ra với GE, vào hôm thứ Năm tuần trước, tập đoàn này bị cáo buộc đang che đậy một vụ gian lận với quy mô lên tới 38 tỷ USD. Người đưa ra cáo buộc này là Harry Markopolos - một chuyên gia kế toán nằm trong số những người đầu tiên phanh phui vụ lừa đảo lịch sử của Bernie Madoff.
"Xuất thân" danh giá của GE
Nền móng của GE bắt đầu hình thành vào năm 1879, khi nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison được cấp phép bằng sáng chế bóng đèn sợi đốt, sau khi phòng thí nghiệm của ông tiến hành thử nghiệm 3.000 thiết kế trong vòng 2 năm.
Nhà phát minh Thomas Edison - Ảnh: Wikimedia Commons.
Năm 1889, Edison thành lập Edison General Electric từ một nhóm công ty điện nhỏ mà ông đã vận hành từ trước đó. Ba năm sau, The General Electric Company, tức GE ngày nay, ra đời sau vụ sáp nhập với một công ty khác có tên Thomson-Houston Electric Company.
Chỉ 4 năm sau ngày thành lập, GE đã trở thành một trong 12 công ty đầu tiên của Dow Jones - chỉ số chứng khoán được thiết lập để đo lường giá trị của các công ty công nghiệp niêm yết ở Phố Wall.
Theo thời gian, 11 công ty khác lần lượt bị xóa tên khỏi Dow Jones, nhưng GE vẫn giữ được vị trí của mình cho tới tháng 6/2018 - khi GE bị loại khỏi danh sách 30 cổ phiếu của chỉ số này và bị thay thế bởi hãng dược Walgreens Boots Alliance.
Trong nhiều thập kỷ, GE đã dành phần lớn thời gian cho việc phát triển các công nghệ mới, từ các ứng dụng trong gia đình cho tới động cơ máy bay thương mại. Trong đó, có nhiều sáng chế là kết quả của việc sáp nhập với những công ty nhỏ hơn. Thứ gì GE không phát minh hay sáng chế được, thì hãng lại là người hoàn thiện.
Theo một số bài báo của tờ New York Times, một trong số những thành tựu đầu tiên cần phải kể đến của GE là vào năm 1906, một kỹ sư người Thụy Điển làm việc cho hãng phát minh ra radio. Trước đó, thế giới mới chỉ biết gửi điện tín bằng mã Morse.
Tiếp đó, vào năm 1922, GE bắt đầu sản xuất thiết bị điện gia dụng, như chiếc lò nướng chạy điện đầu tiên, máy giặt và tủ lạnh. Năm 1927, GE phát triển chiếc TV đầu tiên. Vào năm niên 1930, GE cho ra đời nhựa dẻo, tạo ra một cuộc cách mạng về sản xuất hàng loạt sản phẩm nhựa.
Năm 1941, GE sản xuất động cơ máy bay phản lực đầu tiên của Mỹ. Năm 1957, hãng mở nhà máy điện hạt nhân đầu tiên gần Pittsburgh, và nhà máy này hoạt động cho tới năm 1982.
Thời kỳ GE "không biên giới"
Cho tới khi vị Tổng giám đốc (CEO) nổi tiếng nhất của GE là Jack Welch lên nắm quyền và năm 1981, tập đoàn đã đầu tư vào nhiều công ty nhỏ hơn. Với một chiến lược quyết liệt để tăng lợi nhuận, Welch yêu cầu bất kỳ mảng kinh doanh nào không dẫn đầu thị trường đều phải điều chỉnh, bán lại hoặc đóng cửa. Trong vòng 2 năm cầm quyền đầu tiên của Welch, 71 công ty con của GE lần lượt bị bán.
Jack Welch - vị CEO huyền thoại của GE - Ảnh: Reuters.
Nhưng song song với việc bán công ty con, GE cũng mua thêm nhiều công ty khác. Một trong số những vụ mua lại lớn nhất là cuộc thâu tóm công ty radio RCA vào năm 1986. Đây là công ty sở hữu đài truyền hình NBC.
Welch không cho GE là một công ty sản xuất đơn thuần. Ông nghĩ rằng GE là một doanh nghiệp "không có biên giới". Cho tới khi Welch rời ghế CEO GE vào năm 2001, tập đoàn đã đạt mức doanh thu hàng năm 130 tỷ USD, từ mức 25 tỷ USD khi ông mới lên cầm quyền.
Sau 20 năm dưới sự lãnh đạo của Welch, GE đón một vị CEO mới là Jeffery Immelt. Nếu như Welch được nhân viên của GE và các nhà phân tích ca ngợi nhiều bao nhiêu, thì Immelt lại nhận sự chê trách nhiều bấy nhiêu.
Chính Immelt là người được Welch chọn để kế nhiệm mình trên cương vị "thuyền trưởng" GE. Tuy nhiên, về sau này, Welch thừa nhận rằng việc chọn Immelt là một trong những sai lầm lớn nhất của ông.
Có nhiều chuyện đã xảy ra trong 16 năm Immelt chèo lái GE. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 là một đòn khủng khiếp giáng vào tập đoàn này, tương tự như đối với nhiều doanh nghiệp khác của Mỹ. Giá cổ phiếu GE sụt 42% trong năm 2008, buộc tập đoàn phải nghĩ lại về hoạt động kinh doanh.
Trong bối cảnh như vậy, GE quyết định quay trở lại tập trung vào lĩnh vực sản xuất - hoạt động chính của tập đoàn trước thời Welch. GE nhanh chóng bán đi một số công ty con từng làm ăn rất tốt trước đây, gồm NBC Universal, GE Plastics, GE Water, và GE Appliances. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett vào cuộc, rót 3 tỷ USD tiền vốn để giúp GE đứng vững trong sóng gió.
Trong phần lớn thời gian làm CEO tại GE, Immelt sở hữu hay máy bay tư nhân, một để dùng thường xuyên, một để dự phòng. Tuy nhiên, ông không nói với Hội đồng Quản trị GE về sự xa xỉ này. Hội đồng Quản trị chỉ biết chuyện khi tờ Wall Street Journal đưa tin vào tháng 10/2017.
Immelt từ chức chỉ 7 tuần sau khi thông báo về quyết định thôi việc. Ngày ông tuyên bố từ chức, ngày 12/6/2018, giá cổ phiếu GE tăng 4%.
Theo một bài báo năm 2018 của tờ The Economist, thị trường cho rằng những khó khăn mà GE đương đầu hiện nay xuất phát từ việc Immelt không chuẩn bị sẵn sàng cho mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường năng lượng toàn cầu. Sự chậm trễ này khiến mảng năng lượng, bộ phận lớn nhất của GE, rơi vào thế bị động.
Jefferey Immelt, vị CEO bị chỉ trích nhiều nhất của GE - Ảnh: AP.
Ngoài ra, Immelt cũng mắc sai lầm khi thực hiện một số vụ thâu tóm đắt đỏ ngay vào thời điểm giá dầu thế giới xuống thấp. Trong đó phải kể tới vụ GE chi 10,1 tỷ USD để mua Alsstom, một công ty Pháp chuyên về máy phát điện, và chi 7,4 tỷ USD, để nắm quyền kiểm soát công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes của Mỹ. Cả hai thương vụ này đều không mang lại kết quả tốt đẹp cho GE.
"Một vụ gian lận còn lớn hơn cả Enron"
Nhưng dù giới đầu tư có hoan nghênh sự ra đi của Immelt - vị CEO mà họ đánh giá là phá hỏng GE - thì tình hình của GE từ đó đến nay cũng chẳng tốt thêm, nếu không muốn nói là tiếp tục đi xuống.
Thay thế Immelt là John Flannery, người trước đó đứng đầu mảng y tế của GE và đã có 30 năm làm việc tại tập đoàn này. Flannery chỉ giữ ghế CEO GE 14 tháng trước khi bị cách chức vào tháng 10/2018 trong một cuộc bỏ phiếu với 100% phiếu nhất trí sa thải ông của Hội đồng Quản trị.
Flannery nhận được gói thôi việc trị giá 10 triệu USD. Trong nhiệm kỳ CEO ngắn ngủi của ông, GE chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường "bốc hơi" 100 tỷ USD - trang Business Insider cho hay.
Diễn biến giá cổ phiếu GE 10 năm qua - Nguồn: Business Insider.
Cú sốc mới đây nhất của GE là khi chuyên gia Markopolos cáo buộc tập đoàn gian lận kế toán, che đậy một vụ bê bối 38 tỷ USD, tương đương 40% giá trị vốn hóa thị trường của GE. Trong một báo cáo dài 170 trang tung lên mạng hôm 15/8, ông Markopolos cho rằng GE đã đưa ra những báo cáo tài chính giả mạo để che đậy những khoản nợ khổng lồ của tập đoàn.
Theo một số nhận định, Markopolos có thể đang hợp tác với một quỹ đầu cơ nào đó muốn bán khống cổ phiếu GE.
"Rõ ràng và đơn giản, đây là hành vi thao túng thị trường", CEO hiện tại của GE, Larry Culp, nói trong một tuyên bố.
Markopolos nói GE là "một vụ gian lận còn lớn hơn cả Enron" - công ty năng lượng khổng lồ sụp đổ vào năm 2007 sau khi bị phát hiện gian lận.
Hiện chưa rõ mọi chuyện trắng đen thế nào, nhưng cáo buộc này là sự nối tiếp những điều đáng tiếc liên tục xảy đến với GE - biểu tượng một thời của năng lực sáng tạo và nền sản xuất công nghiệp Mỹ.