Thanh Hóa chuyển điều tra, khởi tố gần 900 vụ buôn lậu, gian lận thương mại
Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, năm 2023, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã xử lý 1.232 vụ vi phạm. Trong đó, đã chuyển khởi tố 898 vụ, xử lý vi phạm hành chính 334 vụ, phạt tiền trên 2,25 tỷ đồng.
Với số hàng hóa vi phạm gồm: hơn 66 kg heroin; hơn 79.500 viên ma túy tổng hợp; hơn 60 kg thuốc nổ; hơn 648,3 kg pháo hoa; 1.460 kg sản phẩm động vật; 13.771 kg lâm sản; 6.691 món đồ chơi trẻ em; 13.521 hộp hóa mỹ phẩm; 3.489 bộ quần áo các loại; 23.996 linh kiện điện thoại; 4.000 thùng thực phẩm chức năng; 4.985 túi thực phẩm chức năng; 9.509 lít dầu Do; 36.200 kg đường cát; hơn 12.000 bao thuốc lá các loại....
Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về gian lận thương mại như: sử dụng hoá đơn khống, hợp thức hóa hàng lậu bằng hóa đơn bán hàng không đúng thực tế; gian lận trong công bố tiêu chuẩn áp dụng, hợp chuẩn, hợp quy, đo lường chất lượng; hành vi vi phạm về giá, nhãn hàng hóa, vi phạm an toàn thực phẩm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm các điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện xử lý 4.132 vụ, phạt vi phạm hành chính hơn 54 tỷ đồng.
Tiếp đến, đối với công tác chống sản xuất, kinh doanh hàng giả được Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh, buôn bán vận chuyển hàng kém chất lượng, hàng giả mạo nguồn gốc xuất xứ, hàng giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ Nhân dân.
Qua đó, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã xử lý 216 vụ, phạt vi phạm hành chính gần 1,9 tỷ đồng; hàng hóa vi phạm chủ yếu gồm: 1.871 phụ tùng xe máy, 2.661 hộp hóa mỹ phẩm các loại, 2.127 bộ quần áo các loại, 5.597 đôi giày dép các loại, 170 tem xe máy....
Tiếp đến, lực lượng quản lý thị trường Thanh Hóa trong năm 2023 đã tuyên truyền, vận động 4.599 cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết thực hiện “Không sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”; lồng ghép công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật đến người kinh doanh, người dân thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường…
Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, một số ngành, địa phương tại Thanh Hóa chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa thường xuyên...
Để tập trung cho nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước Tết Nguyên đán, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa đang triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh.
Địa bàn kiểm tra được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, bao gồm tuyến biên giới đất liền, tuyến biển, hàng không và thị trường nội địa. Trong đó trên tuyến biên giới đất liền sẽ tập trung kiểm tra các cửa khẩu, hai bên cánh gà cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Tuyến biển sẽ tập trung kiểm tra tại Cảng Nghi Sơn, Cảng Lễ Môn, Cảng Lạch Hới, Cảng dịch vụ Dầu khí tổng hợp (PTSC); các cửa lạch ven biển; các phương tiện vận chuyển trên biển; Cảng Hàng không Thọ Xuân.