19:49 06/12/2022

Thanh Hóa khởi động chiến dịch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Nguyễn Thuấn

Thanh Hóa không phải là địa bàn “nóng” về tập kết hàng lậu hay sản xuất hàng giả, nhưng với địa hình rộng, phức tạp và có nhiều hình thức trung chuyển hàng hóa, nên số vụ vận chuyển hàng hóa vi phạm pháp luật qua địa bàn còn nhiều...

Thời điểm cuối cuối năm, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung phạm vi kiểm soát trọng điểm trên địa bàn
Thời điểm cuối cuối năm, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung phạm vi kiểm soát trọng điểm trên địa bàn

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong 11 tháng năm 2022, chỉ tính riêng lực lượng quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã xử lý tới gần 570 vụ vi phạm, trong đó có hơn 230 vụ vi phạm về buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hơn 130 vụ vi phạm về hàng giả và sở hữu trí tuệ, gần 260 vụ vi phạm về giá.

XỬ LÝ NHIỀU VỤ VIỆC NỔI CỘM

Một số vụ việc điển hình như ngày 27/4, khi lực lượng tiến hành kiểm tra shop Ngọc Thảo cùng 4 kho chứa hàng của bà Trương Thị Liên là chủ sở hữu tại phường Ngọc Trạo (thị xã Bỉm Sơn) đã phát hiện gần 28.000 sản phẩm hàng hóa bao gồm đồng hồ, mỹ phẩm, thực phẩm, giày, dép... không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu lớn.

Vụ việc có tính chất phức tạp này đang được các lực lượng chức năng phối hợp với các chủ sở hữu thương hiệu làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Tiếp đến, ngày 01/11 lượng lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa cùng lúc kiểm tra 03 kho hàng của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính trên địa bàn.

Kết quả kiểm tra phát hiện hơn 1.300 sản phẩm là giày dép, quần áo, mỹ phẩm thiết bị điện tử đã qua sử dụng… có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Những tháng cuối năm, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn mới. Mặt khác, nhu cầu phát triển sản xuất, tiêu dùng tăng cao, biến động, chênh lệch giá hàng hoá giữa các khu vực, vùng miền trong tỉnh, trong nước còn lớn, đặc biệt là xuất hiện sự khan hiếm cục bộ và tăng giá đột biến một số mặt hàng trọng điểm, thiết yếu là động cơ, nguyên nhân dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn phức tạp.

Để bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa, tạo thuận lợi cho lưu thông và bảo vệ các doanh nghiệp, thương hiệu uy tín, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường thực hiện kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hùng - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa, cho biết: “Thanh Hóa không lại là địa bàn “nóng” tập kết hàng lậu hay sản xuất hàng giả, vì khu vực biên giới biển và đất liền lực lượng chức năng kiểm soát rất tốt từ nhiều năm nay. Nhưng hiện nay, thương mại điện tử phát triển nhanh nên quản lý trong lĩnh vực này vẫn chưa đồng bộ, chặt chẽ, chưa lường trước được hết các tình huống diễn ra khi kiểm tra thực tế, vì thế nhiều đối tượng lợi dụng vào lỗ hổng pháp lý để thực hiện hành vi vi phạm. Tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa các đối tượng chỉ nhập hàng lậu, hàng giả với số lượng ít để trưng bày, quảng cáo chỉ khi có khách đặt hàng, các đối tượng này mới liên hệ tới đơn vị bán sỉ để nhập về, sau đó thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính vận chuyển về địa bàn. Vừa qua, chúng tôi vừa tiến hành kiểm tra nhiều doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát nhanh trên địa bàn, nhằm ngăn chặn tốt hơn tình trạng trên”.

TẬP TRUNG KIỂM SOÁT TẠI CÁC KHU VỰC TRỌNG ĐIỂM

Thời điểm hiện tại, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão - 2023.

Cụ thể, từ ngày 15/11/2022 đến ngày 15/2/2023, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường, kiểm tra cơ sở sản xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực khác mà lực lượng quản lý thị trường được Chính phủ giao thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính.

Trong “chiến dịch” cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lần này, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung phạm vi kiểm soát tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, làng nghề, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không... nhất là các địa bàn trọng điểm tại các huyện biên giới đất liền, vùng biển, các đô thị, Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, các khu vực thương mại tập trung.

Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đạt hiệu quả cao, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa yêu cầu xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm tra, kiểm soát trên tất cả các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường chuyển phát nhanh... nhằm ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 như: Ma túy, vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, thuốc lá, xăng dầu, gia súc, gia cầm, thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp.