Tháo "gông" cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành
Dự kiến, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ vào ngày 2/2 tới, Nghị định về kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được Thủ tướng ký ban hành, tháo "gông" hàng loạt và tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp này.
Dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với nhiều bộ, ngành về kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhiều lần phải kêu lên, "kiểm tra chuyên ngành hay hành doanh nghiệp?".
Thông tin tại các cuộc làm việc của Bộ trưởng Dũng về nội dung này năm 2017, cho thấy, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 50% thời gian thông quan, nhiều lô hàng Hải quan kiểm tra rồi nhưng không thông quan được, thậm chí 3 tháng sau Bộ chuyên ngành mới tới kiểm tra, nay một thủ tục, mai một thủ tục và như miêu tả của ông Dũng là xe chở người đến kiểm tra của bộ này đi rồi thì xe của bộ khác mới đến chứ cũng không chịu đi cùng nhau.
Hiện nay có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Tỉ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan lên tới 30-35% Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành.
Vì thế, tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Chính phủ đã xác định phải cải cách toàn diện hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành, giao 3 nhiệm vụ chung cho các bộ, ngành và giao 8 nhiệm vụ cho từng bộ. Tại Quyết định 2026, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao các bộ sửa đổi, bổ sung 87 văn bản. Hiện nay đã có 60 văn bản được rà soát, trong đó đã sửa đổi, bổ sung 56 văn bản, có 4 văn bản thấy không cần sửa đổi, bổ sung.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thủ tục chồng chéo, trong số các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 58% phải thực hiện 2-3 lần thủ tục kiểm tra, tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, nhiều bộ vẫn còn độc quyền trong đánh giá sự phù hợp. Việc kiểm tra vẫn bằng hình thức thủ công là chính, kết nối công nghệ thông tin giữa các cơ quan còn hạn chế, chưa áp dụng quản lý rủi ro. Kiểm tra rất nhiều nhưng tỉ lệ phát hiện vi phạm rất thấp, chỉ 0,1%...
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn chứng: "Một mặt hàng chocolate cần 13 loại giấy phép, 12 nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng phải xác nhận công bố thành phẩm. Mặt hàng sữa chua vừa phải kiểm dịch theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo Bộ Y tế. Kén tằm, hạt hướng dương cũng phải 2 bộ. Điện thoại Iphone 7, 8 vẫn bị kiểm tra chuyên ngành trong khi Việt Nam không đủ trình độ, không có phương tiện để kiểm tra mặt hàng này. Vậy thì bới ra để kiểm tra làm gì, khi ta không sản xuất được như họ, cũng không có cách gì để kiểm tra được chất lượng?"...
Ông Dũng cũng cho rằng kiểm tra chuyên ngành trong nhiều trường hợp chính là giấy phép con hành doanh nghiệp.
Nêu lên nỗi khổ trần ai của doanh nghiệp vì kiểm tra chuyên ngành, TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho hay trong 30 năm nghiên cứu về thủ tục hành chính, thì sự thật ông thấy là chỉ một dấu phẩy, một chữ viết hoa sai hồ sơ của doanh nghiệp cũng có thể bị trả lại.
Văn bản quy phạm pháp luật quy định về kiểm tra chuyên ngành đang tồn tại 3 vấn đề. Thứ nhất, danh mục hàng hóa kiểm tra kiểm tra chuyên ngành quá nhiều; Thứ hai, các thủ tục về kiểm tra chuyên ngành nhìn chung phức tạp và chồng chéo nhau; Thứ ba, chồng chéo trong quản lý, một sản phẩm do hai, ba, thậm chí là bốn bộ cùng quản lý, không phải bằng một quy trình thủ tục giống nhau, bằng một tiêu chí chất lượng giống nhau mà thường khác nhau.
Phó tổng thư ký VASEP, ông Nguyễn Hoài Nam cũng than phiền, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đang tạo ra gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp. Việt Nam đang dàn hàng ngang kiểm tra 100% lô hàng thực phẩm nhập khẩu, gây tốn kém quá mức cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, các nước nhập khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ kiểm tra từ 2% như Mỹ, 5%-10% như EU, còn Nhật Bản chỉ làm ngẫu nhiên, khi có cảnh báo mới kiểm tra 30%.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp muốn nhập khẩu sản phẩm mới để kinh doanh phục vụ nhu cầu nội địa nhằm tận dụng thuế 0% nhưng không đơn giản. Đặc biệt, các sản phẩm thuộc 2 bộ quản lý doanh nghiệp phải thực hiện cùng lúc 2 thủ tục từ 2 bộ này.