Thâu tóm Uber, Grab sẽ độc quyền ở Đông Nam Á như thế nào?
Những chương trình khuyến mại sâu và liên tiếp của Grab sẽ thành chuyện quá khứ
Ngày 26/3, Uber chính thức đồng ý bán mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab, kết thúc cuộc chiến cạnh tranh "đốt tiền" từ năm 2013 và rút khỏi khu vực này.
Theo thỏa thuận, Grab, có trụ sở tại Singapore, sẽ thâu tóm toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường với 620 triệu dân này, bao gồm cả dịch vụ giao đồ ăn UberEats. Đổi lại, Uber sẽ có 27,5% cổ phần tại Grab và giám đốc điều hành của công ty này sẽ gia nhập hội đồng quản trị của Grab.
Việc Uber về tay Grab tại Đông Nam Á - thị trường gọi xe dự kiến đạt giá trị 20,1 tỷ USD vào năm 2025, cho thấy viễn cảnh độc quyền của Grab tại khu vực này - startup Singapore đang nắm giữ hơn 2/3 thị phần. Trong dài hạn, sẽ có những thay đổi lớn ảnh hưởng tới lợi ích mà khách hàng và lái xe Uber, Grab đang được hưởng ở khu vực này.
Thị phần của Grab so với các đối thủ tại Đông Nam Á năm 2017 (đo bằng tỷ lệ khách hàng dùng ứng dụng gọi xe cho biết họ thường xuyên sử dụng Grab) - Nguồn: Bloomberg/Grab.
Tác động tới khách hàng và lái xe
Giới chức Singapore quan ngại về mức độ minh bạch trong cơ chế tính giá của Grab thời gian tới. Trong một cuộc tranh luận tại nghị viện, Thứ trưởng Bộ Giao thông Singapore - Ng Chee Meng nói rằng cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự độc quyền của bất cứ công ty nào.
"Rõ ràng rằng trong tương lai Grab hoàn toàn có thể tính những mức giá khác nhau cho những khách hàng khác nhau", nhà kinh tế vận tải Walter Theseira của Đại học Khoa học Xã hội Singapore nói.
Ông cũng nói thêm rằng để xác định tính công bằng trong chính sách tính giá, các chính phủ cần phải nắm được thêm nhiều thông tin hơn về hoạt động kinh doanh của Grab để có cơ chế giám sát tốt hơn.
Những khách hàng sử dụng dịch vụ của Uber và Grab có lẽ là những người chịu thiệt nhất sau khi Uber rút khỏi thị trường. Những chương trình khuyến mại sâu và liên tiếp sẽ thành chuyện quá khứ.
Trước đây, sau khi Uber về tay Didi Chuxing, khách hàng gọi xe Trung Quốc cũng chịu tình cảnh tương tự. Didi Chuxing không chỉ cắt khuyến mãi cho khách hàng mà còn bỏ luôn các khoản thưởng thêm dành cho lái xe.
Trong khi đó, ông Darshan Singh Dhillon - Chủ tịch Hội người tiêu dùng Malaysia (MCM) cho biết sau khi Grab thâu tóm Uber, "những dịch vụ giá tương đối rẻ mà người Malaysia đang được hưởng sẽ trở nên đắt đỏ, đặc biệt là khi dịch vụ taxi truyền thống của chúng tôi đã bị 'hất cẳng' khỏi thị trường".
Tại Malaysia, trong vài năm qua, hàng nghìn lái xe đã bỏ taxi truyền thống để lái cho Uber và Grab khi không thể cạnh tranh được về giá với hai startup này. Chưa kể, các quy định pháp lý đối với Uber và Grab cũng ít hơn nhiều so với taxi truyền thống.
Giới lái xe trước đó thường chuyển qua lại giữa Uber và Grab tuỳ vào mức hoa hồng mà mỗi bên đưa ra. Tuy nhiên, nếu chỉ còn một công ty, họ sẽ phải chấp nhận con số bất kể nó là bao nhiêu mà không có lựa chọn thay thế.
Dư địa nào cho các ứng dụng taxi truyền thống?
Ông Darshan cho rằng MCM khuyến nghị chính phủ Malaysia khuyến khích thêm các công ty chia sẻ xe tham gia thị trường thông qua các chính sách ưu đãi hoặc loại bỏ các rào cản pháp lý không cần thiết.
"Chính phủ cũng có thể hỗ trợ các hãng taxi và lái xe truyền thống bằng cách đào tạo họ thích nghi với những thay đổi và thúc đẩy phát triển công nghệ để cải thiện dịch vụ", ông Darshan nói.
Theo nhà kinh tế Firdaos Rosli của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (ISIS), hiện tại nhiều hãng taxi Đông Nam Á đã tung ra ứng dụng gọi xe để bắt kịp xu thế, tuy nhiên, việc những ứng dụng này có bắt kịp với Grab - công ty gần như chiếm lĩnh thị phần khu vực này - hay không lại là một câu hỏi lớn.
"Nếu muốn cạnh tranh với Grab, họ cần phải làm nhiều hơn, hoặc ít nhất là cung cấp những dịch vụ như Grab đang có".
Theo ông Firdaos, sau khi thâu tóm Uber, Grab sẽ trở thành chuẩn mới cho tất cả các dịch vụ taxi, bất kể đó là taxi truyền thống hay dịch vụ chia sẻ ôtô tại khu vực Đông Nam Á.
Sau thoả thuận mới công bố ngày 26/3, ứng dụng gọi xe của Uber tại Đông Nam Á sẽ tiếp tục hoạt động trong 2 tuần nữa trước khi sáp nhập vào Grab ngày 8/4, còn Uber Eats sẽ nhập vào GrabFood từ cuối tháng 5.
Ra đời năm 2012, Grab, có trụ sở tại Singapore, đã nhận được tổng cộng 4 tỷ USD vốn đầu tư trong những năm qua. Theo CB Insights, startup này được định giá 6 tỷ USD và đã có hơn 90 triệu lượt tải ứng dụng với hơn 5 triệu lái xe và đại lý dịch vụ công nghệ tài chính khác.
Grab hiện cung cấp dịch vụ tại 191 thành phố ở Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt nam, Myanmar và Campuchia và đã mở rộng sang nhiều dịch vụ khác nhau, bao gồm chia sẻ xe đạp, giao đồ ăn, thanh toán điện tử và thậm chí chuẩn bị có dịch vụ cho vay và bảo hiểm.