Thế giới sẽ thừa dầu trong cả 2019 và 2020
Thế giới sẽ ở trong tình trạng dư thừa nguồn cung dầu trong năm nay và năm tới, cho dù OPEC+ tiếp tục hạn chế khai thác
Thế giới sẽ ở trong tình trạng dư thừa nguồn cung dầu trong năm nay và năm tới, cho dù nhóm OPEC+ tiếp tục hạn chế khai thác dầu.
Đây là dự báo được đưa ra trong bản báo cáo hàng tháng công bố ngày 12/7 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Báo cáo nói thông điệp chính của IEA là nguồn cung dầu trong 6 tháng đầu năm 2019 đã vượt quá 0,9 triệu thùng/ngày so với nhu cầu. Tình trạng thừa dầu này được cho là sẽ tiếp diễn trong 6 tháng cuối năm và kéo dài sang năm sau.
"Lượng dầu thừa của năm nay mà gia tăng mức tồn kho dầu khổng lồ phát sinh trong nửa cuối của năm 2018, khi sản lượng dầu toàn cầu tăng mạnh và nhu cầu tiêu thụ bắt đầu yếu đi", hãng tin CNBC dẫn báo cáo của IEA, cơ quan có trụ sở ở Paris, Pháp.
"Rõ ràng, thị trường dầu không hề bị thắt chặt ở thời điểm hiện tại, và bất kỳ sự tái cân bằng cung cầu nào cũng có vẻ như bị đẩy lùi lại xa hơn trong tương lai", báo cáo viết.
Từ đầu năm đến nay, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga, tức nhóm OPEC+, thực thi thỏa thuận hạn chế sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày. Đầu tháng 7, OPEC+ đã nhất trí kéo dài thỏa thuận này đến tháng 3/2020 để tránh tình trạng tồn kho dầu ngày càng tăng - yếu tố có thể gây áp lực giảm giá dầu.
Theo IEA, quyết định này của OPEC+ "không hề thay đổi được triển vọng của một thị trường dầu bị dư cung".
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London hiện dao động quanh ngưỡng 67 USD/thùng, còn giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York dao động trên 60 USD/thùng.
Nỗi lo về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu yếu đi đã khiến giá dầu Brent giảm 10% trong tháng 6, bất chấp căng thẳng địa chính trị leo thang ở vùng Vịnh - báo cáo của IEA nhấn mạnh.
Theo báo cáo, sản lượng dầu ngoài OPEC có thể tăng 2,1 triệu thùng/ngày trong 2020, chủ yếu do sản lượng khai thác tăng mạnh của Mỹ. Năm nay, sản lượng dầu ngoài OPEC được dự báo tăng 2 triệu thùng/ngày, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ dầu của OPEC giảm xuống.
IEA cho rằng nhu cầu đối với dầu của OPEC suy giảm có thể khiến sản lượng của khối này giảm xuống 28 triệu thùng/ngày trong quý 1/2020, mức thấp nhất kể từ quý 3/2003.
Điều này cho thấy chính sách hạn chế sản lượng của OPEC đang khiến khối này mất thị phần vào tay các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ và các đối thủ khác. Cũng vì thế mà Tổng thống Donald Trump có thể càng cứng rắn hơn trong việc trừng phạt kinh tế Iran và Venezuela, hai nước thành viên OPEC.
Năm nay, Mỹ đã vượt qua Saudi Arabia và Nga để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Một số nhà phân tích cho rằng OPEC sẽ phải hành động để giành lại thị phần từ Mỹ trước khi quá muộn.
IEA cho biết nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới chỉ tăng 310.000 thùng/ngày trong quý 1/2019 và 800.000 thùng/ngày trong quý 2. Mức tăng trưởng nhu cầu của 6 tháng cuối năm nay được IEA dự báo đạt 1,8 triệu thùng/ngày.
Về năm 2020, IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tăng bình quân 1,4 triệu thùng/ngày, so với mức tăng 1,2 triệu thùng/ngày của 2019.