12:16 23/08/2016

1.800 người thiệt mạng trong chiến dịch chống ma túy của Philippines

Bình Minh

Mỹ, một đồng minh thân cận của Philippines, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước thông tin trên

Tổng thống Philippines Rodrigo Dutert - Ảnh: Reuters.<b> </b>
Tổng thống Philippines Rodrigo Dutert - Ảnh: Reuters.<b> </b>
Philippines đã ghi nhận khoảng 1.800 người thiệt mạng trong chiến dịch chống ma túy kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền ở nước này cách đây 7 tuần. Con số này vừa được cảnh sát Philippines đưa ra ngày 22/8 và cao hơn nhiều so với nhận định trước đó.

Theo tin từ Reuters, cảnh sát trưởng quốc gia Philippines Ronald Dela Rosa phát biểu trước một ủy ban Thượng viên nói rằng 712 kẻ buôn lậu và sử dụng ma túy đã bị cảnh sát tiêu diệt trong chiến dịch bắt đầu vào ngày 1/7.

Ngoài ra, cảnh sát cũng đang điều tra cái chết có liên quan đến ma túy của 1.067 người khác, ông Dela Rosa cho hay, nhưng không cho biết chi tiết cụ thể.

Trước đó, vào hôm Chủ Nhật, Tổng thống Duterte đã lên tiếng phản đối việc Liên hiệp quốc chỉ trích làn sóng giết chóc trong chiến dịch chống ma túy của Philippines.

Mỹ, một đồng minh thân cận của Philippines, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước thông tin trên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner hối thúc Chính phủ của Tổng thống Duterte đảm bảo rằng lực lượng chấp pháp Philippines tuân thủ các quy định về quyền con người.

Chiến dịch chống ma túy và một số lời chỉ trích mạnh mẽ mà ông Duterte nhằm vào Washington kể từ khi lên cầm quyền đã đặt ra một thế tiến thoái lưỡng nan cho Mỹ, quốc gia vốn đang tìm cách thắt chặt sự đoàn kết giữa các đồng minh và đối tác ở châu Á trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng, đặc biệt là trong vấn đề biển Đông.

Phát ngôn viên Toner  đã cho thấy rõ thế tiến thoái lưỡng nan này khi trả lời câu hỏi của báo giới tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington ngày 22/8: “Chúng tôi tiếp tục làm rõ với Chính phủ Philippines về mối lo ngại của chúng tôi về nhân quyền và việc giết người không qua xét xử, nhưng chúng tôi cũng cam kết đối với mối quan hệ song phương của hai nước và với việc tăng cường mối quan hệ song phương đó”.

Ông Toner nói Mỹ không thể làm ngơ trước việc lạm dụng nhân quyền, và mối quan hệ Washington-Manila, dù tốt đẹp, là một mối quan hệ “trung thực và thẳng thắn”.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, Philippines nói số kẻ buôn ma túy bị tiêu diệt trong chiến dịch của ông Duterte là 900. Tuy nhiên, con số này bao gồm cả những kẻ buôn ma túy bị cảnh sát giết kể từ khi ông Duterte giành chiến thắng trong cuộc bầu Tổng thống hôm 9/5.

Cũng vào hôm Chủ nhật, ông Duterte tuyên bố Philippines có thể rút khỏi Liên hiệp quốc và mời Mỹ cùng các quốc gia khác thành lập một diễn đàn toàn cầu mới. Ông cáo buộc Liên hiệp quốc không hoàn thành sứ mệnh trong khi lên án việc ông tấn công tội phạm ma túy. Tuần trước, hai chuyên gia nhân quyền của Liên hiệp quốc hối thúc Manila dừng việc tử hình và giết người không thông qua xét xử.

Phát biểu ngày 22/8, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói nước này sẽ tiếp tục là một thành viên của Liên hiệp quốc, và nói rằng những tuyên bố của ông Duterte chỉ là một cách bày tỏ “sự thất vọng và giận dữ sâu sắc”.

“Chúng tôi cam kết gắn bó với Liên hiệp quốc, cho dù có một vài bất bình và thất vọng đối với tổ chức quốc tế này”, ông Yasay nói tại một cuộc họp báo.

Ông Yasay cũng nói Tổng thống Duterte đã cam kết đảm bảo nhân quyền trong cuộc chiến chống ma túy và đã ra lệnh cảnh sát điều tra và truy tố các nghi phạm. Phát ngôn viên này chỉ trích các chuyên gia nhân quyền của Liên hiệp quốc vội “đi đến kết luận cho rằng chúng tôi vi phạm nhân quyền”.

“Họ thật bất cẩn khi chỉ dựa vào những cáo buộc xuất phát từ thông tin không có nguồn rõ ràng, mà không cần có sự chứng minh cụ thể nào”, ông Yasay nói về Liên hiệp quốc.