12:30 14/12/2010

Ba vật cản có thể kéo lùi kinh tế Trung Quốc

Diệp Anh

Cỗ máy tăng trưởng nhanh nhất thế giới có thể bị đình trệ trong năm tới, do lạm phát, nợ công và bong bóng tài sản

Lương công nhân tại Trung Quốc tăng khá nhiều trong năm nay - Ảnh: Nytimes.
Lương công nhân tại Trung Quốc tăng khá nhiều trong năm nay - Ảnh: Nytimes.
Hai năm gần đây, nền kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc vẫn tiến về phía trước, nhờ sự hỗ trợ từ chương trình kích thích khổng lồ của chính phủ trung ương cùng hoạt động cho vay nóng bỏng của các ngân hàng quốc doanh.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều các chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại rằng, cỗ máy tăng trưởng nhanh nhất thế giới này, có thể bị đình trệ trong năm tới, do lạm phát bùng nổ, nợ công tăng vọt và bong bóng tài sản phì đại.

Hai tổ chức xếp hạng tín dụng, Moody's và Fitch Ratings, vốn tin tưởng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng mới đây, họ cũng đã phải lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng của nước này.

Thậm chí, Fitch Ratings còn bóng gió về khả năng xảy ra thêm một làn sóng nợ xấu dính liền với thị trường địa ốc Trung Quốc.

Vào cuối thập niên 1990 và đầu thập kỷ này, Chính phủ Trung Quốc đã buộc phải cứu trợ và tái cấu trúc vốn ở một số ngân hàng quốc doanh, khi lượng nợ xấu tăng mạnh khiến các tổ chức tài chính này ngấp nghé bờ vực vỡ nợ.

Những định chế đó, giờ đã mạnh mẽ hơn, sau một loạt vụ phát hành cổ phiếu ra công chúng đạt mức kỷ lục trong vài năm trở lại đây, thu về hàng tỷ đôla từ các nhà đầu tư trên toàn cầu.

Tuy nhiên, tuần trước, một nhà phân tích thuộc Ngân hàng hoàng gia Scotland đã khuyến cáo khách hàng cảnh giác với rủi ro. Theo nhà phân tích này, dòng tiền nóng ồ ạt chảy vào Trung Quốc, cùng với tỷ lệ lạm phát tăng cao, có thể sẽ dẫn tới "một ngày trả giá”.

Sự suy giảm mạnh ở Trung Quốc, nơi có tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 10%, sẽ là một đòn đau đối với nền kinh tế toàn cầu, do lượng tiêu thụ tài nguyên của Trung Quốc đang hỗ trợ đà tăng trưởng ở châu Á và Nam Mỹ, thậm chí là Mỹ và châu Âu.

Thêm vào đó, Trung Quốc còn là nước nắm giữ chủ yếu trái phiếu kho bạc Mỹ và là điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư Mỹ trong vài năm trở lại đây. Do vậy, bất cứ sự suy sụp nào của Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Mỹ.

Nắm biết được những rủi ro đó, Bắc Kinh đã cố kiểm soát tăng trưởng trong nước, ổn định giá lương thực, thị trường địa ốc bằng cách tăng lãi suất, thắt chặt các quy định về buôn bán bất động sản và kiềm chế hoạt động cho vay.

Tại hội nghị thường niên về đường lối chính sách kinh tế của Trung Quốc dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kết thúc hôm 12/12, Bắc Kinh đã cam kết ưu tiên chống lạm phát và ổn định nền kinh tế.

Những cam kết này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) yêu cầu các ngân hàng nước này tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ 6 trong năm nay và Chính phủ Trung Quốc công bố CPI tháng 11 tăng 5,1%, mức cao nhất trong gần 3 năm qua.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, trong vài tháng tới, Trung Quốc có khả năng sẽ đưa ra thêm nhiều biện pháp hơn nữa, nhưng những thách thức như vậy vẫn đang tăng lên.

"Có quá nhiều yếu tố đang chuyển động",Qu Hongbin, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng HSBC tại Hồng Kông nói. "Sẽ không thành thực nếu nói rằng, mọi việc không phức tạp".

Những người lạc quan cho rằng, Trung Quốc đã trở nên thành thục trong việc kích thích kinh tế đúng lúc trong suốt một thập niên qua, lấy lại sự tăng trưởng khi cần thiết hay giảm nhiệt nó khi mọi thứ trở nên quá nóng.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, thời điểm này, Bắc Kinh không chỉ đang vật lộn với nạn lạm phát, mà còn đang cố gắng tái cấu trúc kinh tế giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, với hy vọng sẽ có được sự tăng trưởng cân bằng và bền vững hơn.

Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những áp lực quốc tế đang tăng lên về việc để đồng Nhân dân tệ tăng giá. Một số đối tác thương mại cáo buộc, Trung Quốc đang cố tình định giá thấp đồng nội tệ để hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu nước này được lợi bất hợp lý.

Bắc Kinh cho rằng, việc tăng giá đồng Nhân dân tệ có thể gây nguy hại cho các nhà máy vùng duyên hải vốn hoạt động với lợi nhuận rất nhỏ, buộc họ phải sa thải hàng triệu công nhân.

Tuy nhiên, thách thức tức thì lớn nhất rõ ràng là lạm phát. Theo một số nhà phân tích, nạn lạm phát của Trung Quốc có thể còn nghiêm trọng hơn những số liệu mới nhất vừa được nước này công bố. Giá bất động sản của nước này tăng cao ngất, trong khi giá sữa, rau quả và các loại thực phẩm khác cũng vọt mạnh trong năm nay.

"Lượng cung tiền quá lớn", Andy Xie, một nhà kinh tế học tại Thượng Hải từng công tác ở ngân hàng Morgan Stanley, nói. “Họ tăng cung tiền để kích thích nền kinh tế. Hiện giá đất tại một số nơi tăng 20 lần, thậm chí có những khu vực còn tăng cả 100 lần. Lạm phát hiển hiện trên diện rộng. Cứ thử đi vào một siêu thị mà xem, giá sữa ở Trung Quốc còn đắt hơn cả ở Mỹ”.

Tại Thượng Hải, nơi lương tháng trung bình của người lao động vào khoảng 350 USD, giá một gallon sữa hiện vào khoảng 5,50 USD.

Thu nhập trong năm nay tại các tỉnh duyên hải cũng tăng mạnh do lao động thiếu hụt và công nhân đòi tăng lương. Nhiều nhà phân tích dự đoán năm tới, thu nhập sẽ còn tăng thêm.

Điều đó có thể có lợi cho người lao động, giới phân tích cho hay, nhưng nó sẽ thay đổi động lực của nền kinh tế Trung Quốc và khu vực xuất khẩu của nước này, trong khi đẩy lạm phát tăng cao hơn.

Bắc Kinh hiện đang chịu áp lực phải hạn chế thanh khoản, sau khi các ngân hàng quốc doanh cho vay thoải mái trong suốt chương trình kích cầu được thực hiện hồi đầu năm 2009. Giới phân tích cho rằng, một phần không nhỏ số tiền cho vay này đã bị chuyển sang đầu cơ vào thị trường bất động sản.

Ngoại việc hạn chế cho vay ở các ngân hàng quốc doanh lớn, Bắc Kinh gần đây đã chuyển sự chú ý sang hàng trăm ngân hàng nhỏ hơn và cố gắng kiềm chế các chính quyền địa phương trong việc cho vay vốn xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, mà trong đó, một vài dự án có thể quá lãng phí, giới phân tích cho hay.

Theo một số chuyên gia kinh tế, giải pháp thực tế cho Bắc Kinh là tư nhân hóa thêm nhiều ngành công nghiệp và để thị trường đóng vai trò lớn hơn. Sau cú sốc khủng hoảng tài chính, nhà nước nắm quản lý nhiều hơn đối với nền kinh tế. Trong khi, các ngân hàng quốc doanh và các công ty quốc doanh lớn hiện không sẵn lòng nhượng bộ quyền kiểm soát đối với những ngành công nghiệp mà họ đã giữ thế độc quyền.

Xu Xiaonian, giáo sư kinh tế trường kinh doanh quốc tế Trung Quốc-châu Âu tại Thượng Hải, nói. "Vấn đề cơ bản nhất chúng ta phải giải quyết là cơ cấu. Cần mở cửa và đổi mới chính sách nhiều hơn nữa. Cần tạo thêm việc làm và khiến cho nền kinh tế trở nên sáng tạo hơn".

Mặc dù không có nhà kinh tế nào dự đoán khả năng chấm dứt thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc, nhưng nhiều người đã tỏ ra thận trọng hơn. Tổ chức xếp hạng Fitch mới đây đã công bố một kết quả nghiên cứu chung với hãng tư vấn dự báo Oxford Economics cho thấy, sự suy giảm ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới.

Fitch dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,6% trong năm tới, giảm từ mức 9,7% trong năm nay. Nhưng theo báo cáo này, nếu nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng có 5%, thì nhiều nước châu Á sẽ điêu đứng. Các ngành công nghiệp sắt thép, năng lượng và chế tạo trên khắp thế giới cũng sẽ bị tác động mạnh.

Các nhà phân tích của Fitch đã thận trọng, không dự báo về sự suy giảm mạnh mẽ ở Trung Quốc. Nhưng nếu điều đó xảy ra, theo họ, "nhiều khả năng sẽ bắt nguồn từ sự đổ vỡ của thị trường địa ốc và khủng hoảng ngân hàng".