23:34 04/10/2010

"Cha đẻ" thụ tinh ống nghiệm đoạt Nobel Y học 2010

Vinh Nguyễn

16h30 chiều nay (4/10), giáo sư người Anh Robert G. Edwards đã được vinh danh là chủ nhân giải Nobel Y học năm 2010

Sơ lược tiểu sử của giáo sư Edwards - Ảnh: Getty.
Sơ lược tiểu sử của giáo sư Edwards - Ảnh: Getty.
32 năm sau ngày sinh của cô bé Louise Brown, đứa trẻ đầu tiên trên thế giới ra đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), vào lúc 16h30 chiều nay (4/10, theo giờ Việt Nam), giáo sư người Anh Robert G. Edwards đã được vinh danh là chủ nhân giải Nobel Y học năm 2010.

IVF là phương pháp thụ tinh, cho trứng và tinh trùng gặp nhau bên ngoài cơ thể. Với quy luật tự nhiên, chỉ có một tinh trùng chui được vào trứng và thụ tinh thành phôi. Tiến trình này được diễn ra trong phòng nuôi cấy. Sau khi thụ tinh, phôi được nuôi một thời gian ngắn trước khi chuyển vào tử cung của người mẹ.

Hội đồng giám khảo giải thưởng Nobel nhấn mạnh, thành tựu mà ông Edwards đạt được đã đặt nền tảng cho sự phát triển y học hiện đại trong điều trị vô sinh, mang lại niềm vui làm cha mẹ cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn, ước tính ảnh hưởng đến hơn 10% số cặp vợ chồng trên thế giới.

"Thành tựu của ông Edwards có tác dụng trong việc điều trị vô sinh, chứng bệnh có ảnh hưởng lớn tới nhân loại, với khoảng 10% số cặp vợ chồng trên toàn thế giới có nguy cơ mắc phải. Khoảng 4 triệu đứa trẻ đã ra đời nhờ phương pháp IVF. Hôm nay, phương pháp của ông đã được kiểm chứng và mang lại niềm vui cho những người vô sinh trên toàn thế giới”, Hội đồng trên nhận xét.

Mặc dù giải thưởng này được trao cho ông Edwards là xứng đáng, nhưng vẫn gây bất ngờ với nhiều người, bởi lẽ trước đó, nhiều nhà phân tích đã cho rằng ứng viên "sáng giá" cho giải thưởng Nobel Y học năm nay là Shinya Yamanaka, nhà nghiên cứu tế bào gốc người Nhật Bản được Quỹ giải thưởng quốc tế Balzan 2010 mới đây trao giải khoa học ngành sinh học với công trình nghiên cứu biến các tế bào trưởng thành thành tế bào gốc mà không cần sử dụng đến phôi người.

Giới khoa học đánh giá đây là một phát hiện rất quan trọng đối với ngành nghiên cứu tế bào gốc thế giới, tạo ra những phương pháp chữa trị tổn thương tủy sống, bệnh Parkinson và các chứng thương khác hiệu quả hơn. Giáo sư hiện công tác tại trường Đại học Kyoto, đã thử nghiệm công trình khoa học này để chữa chứng tổn thương dây thần kinh cột sống ở loài chuột và thu được kết quả rất khả quan.

Cùng với giáo sư Yamanaka, theo hãng tin AP, còn có một số ứng viên nổi tiếng khác, như các nhà nghiên cứu người Canada đã nhận dạng ra tế bào mầm là Ernest McCulloch và James Till, hay nhà tiên phong trong sinh sản vô tính John Gurdon (Anh quốc). Ngoài ra, còn có nhà khoa học người Mỹ Ralph Steinman với công trình nghiên cứu khám phá ra các tế bào có khả năng điều chỉnh phản ứng miễn dịch...

"Cha đẻ" thụ tinh ống nghiệm đoạt Nobel Y học 2010 - Ảnh 1

Phác họa chân dung "cha đẻ" phương pháp IVF

Giáo sư Robert Geoffrey Edwards năm nay 85 tuổi. Ông sinh ngày 29/9/1925 tại thành phố Manchester (Anh quốc). Sau khi tốt nghiệp trường trung học Trung tâm Manchester, ông theo học ngành nông nghiệp ở Đại học Wales, Bangor và Đại học Edinburgh. Edwards nhận bằng Tiến sĩ vào năm 1955. Tới năm 1963, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư trường Đại học Cambridge.

Ngay từ những năm 1950, ông Edwards đã bắt đầu nghiên cứu phương pháp thụ tinh trên cơ thể người. Sau khi trở thành giáo sư trường Cambridge, ông càng có thêm nhiều cơ hội nghiên cứu về phương pháp thụ tinh mới. Ông cùng với bác sỹ Patrick Steptoe (đã qua đời năm 1988), nghiên cứu và phát triển phương pháp IVF.

Từ năm 1968, hai ông đã thử nghiệm phương pháp cho trứng thụ tinh với tinh trùng ở bên ngoài cơ thể và cấy phôi thu được vào tử cung người mẹ. IVF đã vấp phải sự phản đối dữ dội của dư luận, bởi công chúng khi đó cho rằng điều này phá vỡ các chuẩn mực đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, phải đến 11h47 đêm 25/7/1978, khi cô bé Louise Brown chào đời tại bệnh viện Oldham, phương pháp IVF mới chính thức đặt dấu mốc thành công. Tính từ đó tới nay, đã có hơn 4 triệu đứa trẻ trên thế giới ra đời nhờ phương pháp thụ tinh này. Xác suất thụ thai bằng kỹ thuật IVF là 1/5, tương đương xác suất thụ thai tự nhiên.

Ngoài nghiên cứu khoa học, giáo sư Edwards còn biên tập các ấn bản về Y học. Năm 2001, ông đã được trao giải thưởng Albert Lasker về nghiên cứu y học của quỹ Lasker. Năm 2007, ông đã được tạp chí Telegraph của Anh xếp hạng 26 trong 100 thiên tài vĩ đại nhất hiện còn sống.

Theo kế hoạch, giáo sư Edward nhận giải thưởng Nobel Y học cùng số tiền thưởng trị giá 10 triệu Krona Thụy Điển (tương đương 1,4 triệu USD) trong buổi lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển). Y học là giải được công bố đầu tiên trong "mùa Nobel" hàng năm.

Tính đến nay đã có 196 nhà khoa học được trao giải Nobel Y học, trong số đó có 10 phụ nữ. Giải Nobel do nhà công nghiệp và hóa học Thụy Điển Alfred Nobel (1833 - 1896) lập ra và lần trao giải đầu tiên được tổ chức năm 1901.