10:21 27/09/2017

Cuối cùng, phụ nữ Saudi Arabia cũng được phép lái xe

Diệp Vũ

Saudi Arabia là quốc gia duy nhất trên thế giới không cho phép phụ nữ lái xe

Một phụ nữ bị bắt gặp lái xe ở Saudi Arabia hồi năm 2013. Nhiều nhà hoạt động là phụ nữ ở nước này đã liều mình lái xe ra đường để phản đối lệnh cấm - Ảnh: Reuters.<br>
Một phụ nữ bị bắt gặp lái xe ở Saudi Arabia hồi năm 2013. Nhiều nhà hoạt động là phụ nữ ở nước này đã liều mình lái xe ra đường để phản đối lệnh cấm - Ảnh: Reuters.<br>
Nhà vua Salman của Saudi Arabia ngày 26/7 đã ban một sắc lệnh cho phép phụ nữ nước này được lái ôtô, xóa bỏ một truyền thống lâu đời mà các nhà hoạt động nhân quyền xem là biểu tượng cho tư tưởng trọng nam khinh nữ ở vương quốc Hồi giáo này.

Theo hãng tin Reuters, Saudi Arabia - nơi khai sinh của đạo Hồi - từ lâu bị chỉ trích vì là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm phụ nữ lái xe, cho dù nước này đã có những cải thiện đối với một số vấn đề phụ nữ trong những năm gần đây và đặt mục tiêu tăng cường vai trò của phụ nữ trong xã hội, nhất là trong lực lượng lao động.

Mấy năm qua Saudi Arabia đã cố gắng tạo dựng hình ảnh một đất nước hiện đại hơn, nhưng quy định cấm phụ nữ lái xe vẫn để lại trong mắt cộng đồng quốc tế một ấn tượng không mấy tích cực.

Sắc lệnh hoàng gia do nhà vua Salman ban bố yêu cầu thành lập một cơ quan tư vấn trong vòng 30 ngày, và tiếp đó sắc lệnh sẽ được thực thi từ ngày 24/6/2018.

Một giờ sau khi sắc lệnh được công bố, đại sứ Saudi Arabia tại Washington, hoàng tử Khaled bin Salman, vui mừng nói rằng “đây là một ngày lịch sử, đáng nhớ của vương quốc chúng tôi”. “Tôi cho rằng các nhà lãnh đạo của chúng tôi hiểu rằng xã hội Saudi Arabia đã sẵn sàng cho điều này. Đây là một quyết định đúng đắn được đưa ra vào một thời điểm đúng đắn”, vị đại sứ nói.

Dư luận Saudi Arabia và thế giới nhanh chóng có phản ứng tích cực trước quyết định của vua Salman. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi động thái này là “một bước tiến lớn theo hướng đi đúng”.

Suốt 25 năm qua, các nhà hoạt động nữ quyền ở Saudi Arabia đã đấu tranh để được phép lái xe. Họ đã liều mình lái xe ra đường, viết đơn đề nghị gửi lên nhà vua, và đăng lên mạng xã hội những đoạn video quay cảnh họ lái xe. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động đã bị bắt vì những hoạt động như vậy.

Nhà hoạt động Manal al-Sherif, người từng bị bắt vào năm 2011 sau khi lái xe, viết trên mạng xã hội Twitter: “Hôm nay, quốc gia cuối cùng trên thế giới cũng đã cho phép phụ nữ lái xe… Chúng tôi đã làm được điều đó”.

Ở Saudi Arabia, quốc gia đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong thế giới Arab, phụ nữ được pháp luật quy định là đối tượng bảo vệ của nam giới. Trong gia đình, nam giới sẽ là người đưa ra những quyết định đối với phụ nữ trong những lĩnh vực như giáo dục, việc làm, hôn nhân, đi lại, và thậm chí là thăm khám bác sỹ.

Vị trí của người phụ nữ trong xã hội Saudi Arabia đã được nâng dần dưới thời nhà vua quá cố Abdullah và kể từ khi vua Salman lên cầm quyền vào năm 2015, nước này đã mở cửa thêm nhiều lĩnh vực cho phụ nữ thông qua các chương trình cải cách hiện đại hóa của Chínhphủ.

Vị thái tử 32 tuổi của Saudi Arabia, ông Mohammed, đã đẩy mạnh những nỗ lực cải cách ở nước này trong những năm gần đây, trong đó có những nỗ lực thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ.

“Điều này thật tuyệt vời. Từ khi thái tử Mohammed được giao trọng trách, ông ấy đã đẩy nhanh tất cả những thay đổi cần thiết ở đất nước chúng tôi”, Marwa Afandi, một phụ nữ 35 tuổi làm nghề tổ chức sự kiện ở Jeddah, phát biểu. “Chúc mừng tất cả các chị em. Đây là một chiến thắng thực sự”.