07:38 02/07/2010

Đa số người Đức muốn dùng lại đồng D-mark

Dương Lâm

51% số người trả lời tỏ ra ghét cay ghét đắng đồng tiền chung châu Âu và muốn quay lại sử dụng đồng D-mark

Niềm tin của người Đức vào Euro đã giảm mạnh.
Niềm tin của người Đức vào Euro đã giảm mạnh.
Theo báo Daily Mail, hơn một nửa số người Đức muốn trở lại với đồng Mark (D-mark), cho dù họ đã sử dụng đồng Euro suốt 11 năm qua.

Tờ báo trên dẫn kết quả khảo sát mới nhất của Viện nghiên cứu thị trường Ipsos cho hay, khoảng 51% số người trả lời ghét cay ghét đắng đồng tiền chung châu Âu và muốn quay lại sử dụng đồng D-mark.

Đồng Euro ở Đức hiện còn có biệt danh là “Teuro”, một kiểu chơi chữ với từ “Teuer” nghĩa là đắt đỏ.

Cuộc điều tra cho thấy, 30% số người trả lời phản đối ý kiến trên và 18% chưa đưa ra quyết định.

Niềm tin của người Đức dành cho Euro bị lung lay nghiêm trọng trong những tuần gần đây, do khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và gói giải cứu mà khu vực sử dụng đồng Euro dành cho Athens, trong đó Đức phải gánh vác khoản đóng góp lớn nhất.

Đồng D-mark là đơn vị tiền tệ chính thức của Đức cho đến tận năm 1999, và vẫn tiếp tục được lưu hành dưới hai dạng giấy bạc và tiền xu cho đến năm 2002.

Nếu so sánh tương quan với đồng D-mark ở năm 1998, đồng Euro hiện mạnh hơn. Nhưng việc mất giá mạnh gần đây của đồng Euro đã làm dấy lên những lo lắng ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

Tuy nhiên, ý kiến cho rằng muốn quay lại dùng đồng D-mark cũng dao động tùy từng độ tuổi. 56% số người từ 54-60 tuổi nói rằng muốn dùng lại đồng tiền này, trong khi chỉ có 42% số người trong độ tuổi từ 16-29 có cùng quan điểm.

Về hai miền của nước Đức đối với ý kiến này cũng có sự chênh lệch, dù không đáng kể, 52% người ở Đông Đức và 48% ở Tây Đức cho biết họ thích đồng D-mark hơn euro.

Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng cho thấy giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định này. 34% số sinh viên tốt nghiệp từ các trường trung học dự bị đại học cho rằng, họ sẽ dùng đồng D-mark. Trong khi tỷ lệ này ở những người tốt nghiệp các trường dạy nghề là khoảng 70%.

Theo tờ Daily Mail, hiện tại, trong và ngoài nước Đức đang có nhiều lời đồn rằng, ngân hàng nước này đã bí mật in lại đồng D-mark, để phòng trường hợp đồng Euro đổ vỡ.