09:29 29/01/2011

Doanh nghiệp Trung Quốc tìm cơ hội trên đất Mỹ

An Huy

Nhiều công ty hàng đầu của Trung Quốc đang tính chuyện đẩy mạnh đầu tư vào Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm cơ hội trên đất Mỹ.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm cơ hội trên đất Mỹ.
Nhiều công ty hàng đầu của Trung Quốc đang tính chuyện đẩy mạnh đầu tư vào Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, và Nhà Trắng rất khuyến khích những ý tưởng như vậy, tờ Wall Street Journal cho biết.

Triển vọng về những khoản đầu tư mới của Trung Quốc vào Mỹ đã được bàn bạc trong một cuộc gặp hồi tuần trước giữa giới lãnh đạo doanh nghiệp Trung-Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân chuyến thăm cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Washington.

Một trong những đại diện doanh nghiệp tham dự cuộc gặp gỡ này - ông Liu Chuan Zhi, Chủ tịch hãng máy tính lớn thứ tư thế giới về doanh thu Lenovo - tiết lộ với tờ Wall Street Journal rằng, công ty của ông cùng với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khác đang muốn tăng cường đầu tư vào Mỹ. Thông tin này được ông Liu đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ.

Theo lời kể của ông Liu, tại cuộc gặp mặt với cộng đồng doanh nghiệp Trung-Mỹ, Tổng thống Obama và Chủ tịch Lou Jiwei của China Investment Corp (CIC) - quỹ lợi ích quốc gia quản lý 300 tỷ USD của Trung Quốc - đã nói về việc Trung Quốc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng của Mỹ.

Ông Lou nói với ông Obama rằng, ông “rất quan tâm và đang xem xét cơ hội” để đầu tư vào Mỹ, còn Tổng thống Mỹ thì tuyên bố “nước Mỹ mở cửa cho hoạt động đầu tư”. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng cam kết rằng, Chính phủ nước này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào Mỹ.

“Việc Trung Quốc đầu tư vào Mỹ là bổ sung cho nhau và tốt cho cả hai, vậy tại sao lại không chứ?”, ông Liu - một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp có uy tín nhất tại Trung Quốc - nói.

Câu chuyện các doanh nghiệp Trung Quốc tính tăng cường đầu tư vào Mỹ xuất hiện trong bối cảnh luồng vốn quốc tế đang di chuyển theo chiều ngược lại: từ các nước phát triển như Mỹ chảy sang những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc nhằm tìm kiếm mức tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, ông Liu cho rằng, các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm ra những cơ hội đầu tư vào Mỹ, vì điều này đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường bên ngoài của các công ty Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy mục tiêu tạo việc làm của nước Mỹ. “Tôi gọi đây là sự tiến hóa của doanh nghiệp Trung Quốc”, ông Liu phát biểu.

Về phần nước Mỹ, quan điểm của Washington là đầu tư nước ngoài giúp tạo thêm việc làm. Các quan chức Chính phủ nước này cũng cho rằng, việc các công ty nước ngoài xây dựng nhà máy sản xuất tại Mỹ, bất chấp chi phí nhân công cao hơn ở đây, sẽ đem hàng hóa tới gần hơn với người tiêu dùng Mỹ.

“Việc Trung Quốc đầu tư vào Mỹ cũng tương tự như những gì người Nhật đã làm vào thập niên 1990 và sau đó nhằm tạo ra việc làm và sản phẩm ở đây. Hoạt động đó sẽ có ý nghĩa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ và mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước. Chúng tôi coi đầu tư nước ngoài là một phần then chốt trong nỗ lực tạo việc làm và tăng trưởng”, một quan chức Nhà Trắng phát biểu.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của các doanh nghiệp Trung Quốc đối với lĩnh vực cơ sở hạ tầng cũng phù hợp với mục tiêu của Washington đẩy mạnh đầu tư vào các dự án đường xá, sân bay… Mục tiêu này đã được Tổng thống Obama nhấn mạnh trong Thông điệp liên bang hôm 25/1.

Tuy nhiên, để vào được đất Mỹ, các dự án đầu tư nước ngoài bao gồm cả các dự án của Trung Quốc phải vượt qua một số rào cản về pháp lý, đặc biệt khi dự án đó có liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia Mỹ. Cũng chính vì lý do an ninh, tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc năm ngoái đã không thể đầu tư vào một đối tác Mỹ. Vào năm 2006, một doanh nghiệp của Dubai tìm cách thâu tóm quyền điều hành 5 cảng biển của Mỹ nhưng thất bại.

Chính quyền Tổng thống Obama nhận thức rõ những rào cản chính trị có thể ngăn cản quyền sở hữu của các doanh nghiệp Trung Quốc đối với những dự án cơ sở hạ tần quan trọng như sân bay hoặc đường bộ. Bởi vậy, các quan chức Mỹ đã khuyến cáo các công ty Trung Quốc thận trọng và cân nhắc nắm giữ cổ phần nhỏ trong những dự án lớn.

Cho tới thời điểm này đã có nhiều công ty lớn của Trung Quốc tham gia đầu tư tại Mỹ. Tháng 3/2010, quỹ lợi ích quốc gia CIC của Trung Quốc đã hoàn tất thỏa thuận trị giá 1,58 tỷ USD mua lại cổ phần 15% trong AES Corp - một công ty phát điện lớn của Mỹ. Cuối năm ngoái, CIC tuyên bố muốn đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng của Mỹ với tư cách nhà đầu tư nắm giữ cổ phần thiểu số.

Lenovo là một trong những nhà đầu tư Trung Quốc tích cực nhất tại Mỹ, với khoảng 2.000 nhân viên tại thị trường này. Lenovo đã đặt cột mốc cho hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ khi mua lại mảng máy tính cá nhân của hãng IBM vào năm 2005. Vào quý 3/2010, Lenovo chiếm thị phần 5,6% trên thị trường máy tính cá nhân của Mỹ.

Tập đoàn Legend Holdings - hãng mẹ của Lenovo - đang muốn mua lại một công ty sản xuất thiết bị y tế của Mỹ và thực hiện một số vụ thâu tóm khác trong lĩnh vực lưu trú nhằm đáp ứng nhu cầu của lượng khách du lịch Trung Quốc tới Mỹ ngày càng tăng.