11:49 28/07/2016

Donald Trump “mời” Nga tìm e-mail nhạy cảm của Hillary Clinton

An Huy

“Hỡi nước Nga, nếu các bạn đang nghe tôi nói, thì tôi hy vọng các bạn có thể tìm ra 30.000 e-mail đang bị thất lạc”

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Scranton, Pennsylvania ngày 27/7 - Ảnh: Reuters.<br>
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Scranton, Pennsylvania ngày 27/7 - Ảnh: Reuters.<br>
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/7 đã lên tiếng “mời” Nga tìm hàng chục nghìn e-mail “bị thất lạc” của bà Hillary Clinton - đối thủ của ông trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Theo hãng tin Reuters, động thái này của Trump đã khiến các chuyên gia an ninh lo ngại và các đối thủ chính trị của Trump ngay lập tức cáo buộc ông đang làm một việc nguy hiểm là khuyến khích một cường quốc khác do thám nước Mỹ.

“Hỡi nước Nga, nếu các bạn đang nghe tôi nói, thì tôi hy vọng các bạn có thể tìm ra 30.000 e-mail đang bị thất lạc”, Trump - người đại diện cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử ngày 8/11 - nói trước báo giới.

Bà Clinton - ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ - đáp trả bằng một tuyên bố nói rằng Trump đang đặt ra một nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ. “Vấn đề này giờ đã trở thành vấn đề an ninh quốc gia”, nhà quản lý chiến dịch tranh cử của bà Clinton Robby Mook nói với các nhà báo.

Phát ngôn viên Jason Miller của Trump sau đó đã phải cố gắng “chữa cháy” bằng cách nói rằng Trump không hề kêu gọi người Nga tấn công e-mail của bà Clinton, mà chỉ kêu gọi ai đang giữ những e-mail này hay giao nộp cho nhà chức trách Mỹ.

Trong phát biểu trên, Trump đề cập đến hệ thống e-mail cá nhân mà bà Clinton sử dụng khi còn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ trong thời gian từ năm 2009-2013. Vào năm 2015, bà Clinton đã giao hàng nghìn e-mail cho giới chức Mỹ thực hiện điều tra vụ bà dùng hộp e-mail cá nhân cho công việc.

Tuy nhiên, bà đã không giao khoảng 30.000 e-mail mà bà nói là thư từ cá nhân và không liên quan đến công việc.

Một cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) kết luận không có cơ sở để buộc tội hình sự trong vụ e-mail của bà Clinton, nhưng mới đây, Giám đốc FBI James Comey nói có nhưng bằng chứng cho thấy bà “cực kỳ bất cẩn” trong việc xử lý thông tin mật.

Bằng cách nhấn mạnh vào vụ bê bối e-mail của đối thủ, Trump đã lôi kéo sự chú ý khỏi đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ đang diễn ra ở Philadephila, nơi các diễn giả của đảng này kịch liệt chỉ trích ông.

Cũng trong cuộc họp báo này, Trump bác bỏ những ý kiến cho rằng việc trang WikiLeaks công bố những bức e-mail bị rò rỉ của Đảng Dân chủ hồi đầu tuần này là do người Nga “đạo diễn” nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, Chủ tịch Đảng Dân chủ Debbie Wasserman Schultz đã từ chức sau khi những e-mail bị WikiLeaks tung ra cho thấy đảng này “thiên vị” bà Clinton so với thượng nghị sỹ Bernie Sanders trong cuộc đua giành vị trí ứng cử viên đại diện đảng.

Các chuyên gia an ninh và giới chức Mỹ nói có bằng chứng cho thấy Nga đứng sau việc tung ra những bức e-mail nhạy cảm của Đảng Dân chủ nhằm gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho Trump - người từng trao đổi những lời ca ngợi với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Chuyện này đã bị đẩy đi quá xa, thật nực cười”, Trump nói về những cáo buộc trên. Ông nói rằng Trung Quốc hoặc một bên nào đó có liên quan, thay vì Nga.

Tại cuộc họp báo, Trump cũng gọi Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama, một người Dân chủ, là vị Tổng thống “dốt” nhất từ trước đến nay.

“Bản thân tôi không thích dùng e-mail. Tôi nghĩ e-mail dễ bị tấn công”, Trump nói.