14:12 04/10/2008

Khóc, cười với chuyện tiền ở Zimbabwe

Mai Phương

Do vỡ nợ, Chính phủ Zimbabwe in mỗi lúc thêm nhiều tiền, khiến lạm phát tăng tới mức không thể nào kiểm soát nổi

Quang cảnh người dân chờ rút tiền trước cửa một ngân hàng ở Zimbabwe - Ảnh: AP.
Quang cảnh người dân chờ rút tiền trước cửa một ngân hàng ở Zimbabwe - Ảnh: AP.
Mới 2h20 sáng, tiếng chuông báo thức trên điện thoại di động của cô Rose Moyo, một phụ nữ ở Zimbabwe, đã rung lên. Hai vợ chồng cô nhanh chóng bật dậy, rồi nhẹ nhàng đi ra phía cửa, tránh không để hai đứa con nhỏ thức giấc.

Ra khỏi nhà, họ đi như chạy về phía ngân hàng. Tới nơi, họ nhận được một ticket mang số 29 và bắt đầu quãng thời gian chờ đợi với hy vọng được rút số tiền tương đương với 1 - 2 USD. Đó là mức trần rút tiền tối đa hàng ngày của người dân Zimbabwe từ ngân hàng mà Chính phủ nước này mới công bố hồi cuối tháng trước.

Tiền mặt thiếu trầm trọng

Hiện Zimbabwe đang phải đương đầu với tình trạng siêu lạm phát có thể nói là tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Người dân ở quốc gia từng có thời hưng thịnh này đang phải vật lộn để có được bữa ăn hàng ngày. Những khuôn mặt gầy hóp má cho biết việc họ thường xuyên phải nhịn đói.

Như hầu hết những người Zimbabwe khác, cô Moyo phải sắp xếp chi tiêu theo kiểu như sau: số tiền rút được hôm nay dùng để mua một bánh xà phòng, ngày mai mua một túi muối, ngày kia mua một túi bột ngô…  Cuối tháng 9, mức trần rút tiền được tăng lên, nhưng với tỷ lệ lạm phát lên tới mức khó tưởng tượng nổi là 40 triệu %, số tiền này nhanh chóng teo lại. “Nếu không thích nghi nổi với cuộc sống này, người ta sẽ chết đói ngay lập tức”, cô Moyo nói.

Các nhà kinh tế học cho biết, tình hình kinh tế Zimbabwe đang trở nên mỗi lúc thêm tồi tệ và khiến cả khu vực trung tâm miền Nam châu Phi bất ổn theo. Do vỡ nợ, Chính phủ Zimbabwe in mỗi lúc thêm nhiều tiền, khiến lạm phát tăng tới mức không thể nào kiểm soát nổi. Năm 2006, tỷ lệ lạm phát ở đây là 1.000%, tới năm 2007 là 12.000, đến nay đã lên tới 40 triệu %. Để đối phó tình hình, Chính phủ Zimbabwe vào tháng 8 vừa qua đã bỏ 10 chữ số 0 trên đồng tiền của nước này, nếu không, hiện 1 USD sẽ đổi được 10.000 tỷ Đô la Zimbabwe.

Theo nhà kinh tế học Jeffrey Sachs của Đại học Columbia, tỷ lệ siêu lạm phát ở Zimbabwe hiện nay nằm trong số những mức lạm phát tệ hại nhất trong lịch sử thế giới, cùng với tốc độ mất giá ở Đức thập niên 1920, ở Hy Lạp và Hungary những năm 1940, và ở Nam Tư năm 1933.

Tình hình tệ hơn khi hiện nay, tiền mặt ngày càng khan hiếm. Các đại diện doanh nghiệp và nhà ngoại giao cho biết, do rất cần ngoại tệ cho cỗ máy bảo trợ của chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Zimbabwe là Gideon Gono đã sai người mang hàng va li Đô la Zimbabwe ra chợ đen để mua USD và đồng Rand của Nam Phi. Do đó, lượng tiền Đô la Zimbabwe lẽ ra phải chảy vào các ngân hàng đã giảm mạnh.

Chính vì lý do thiếu tiền mặt này mà Chính phủ đã hạn chế số tiền mà người dân có thể rút mỗi lần ở ngân hàng. Người dân cho biết, họ phải chờ nhiều giờ đồng hồ trước cửa ngân hàng, nhưng nhiều khi vẫn ra về tay trắng. Ông Gono cho rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Zimbabwe đã gây ra tình trạng khó khăn hiện nay cho nước này và tuyên bố sẽ tiếp tục còn in tiền cho tới khi nào các biện pháp trừng phạt trên chấm dứt.

Theo các nhà kinh tế, giải pháp duy nhất có thể đưa Zimbabwe ra khỏi vòng xoáy lạm phát hiện nay là một giải pháp chính trị. Đó là đưa nước này ra khỏi sự kiểm soát của Tổng thống Robert Mugabe, người đã cầm quyền ở nước này 28 năm.

Ông Mugabe đang sống trong một dinh thự sang trọng và được bảo vệ nghiêm ngặt ở thủ đô Harare. Ông và thủ lĩnh phe đối lập Morgan Tsvangirai đã ký một thỏa thuận chia sẻ quyền lực nhưng hai bên vẫn bế tắc trong việc chia sẻ sự kiểm soát đối với các bộ. Hiện ông Mugabe vẫn từ chối từ bỏ quyền kiểm soát đối với hai bộ quan trọng nhất là Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ.

Lương không đủ mua vé xe buýt

Những dịch vụ công cộng cơ bản ở Zimbabwe đã suy yếu trong những năm gần đây và đang bị bỏ bẵng do hàng chục ngàn giáo viên, y tá, người thu gom rác… bỏ việc vì tiền lương của họ không đủ trả tiền vé xe bus để đi làm. Theo bà Tendai Chikowore, Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Zimbabwe, lương tháng của giáo viên ở nước này thậm chí không đủ để mua hai chai dầu ăn. “Đây là sự sụp đổ hệ thống, không chỉ đối với ngành giáo dục. Ở các bệnh viện, chẳng có y tá mà cũng không có thuốc”, bà cho biết.

Những người còn bám trụ với nghề thì làm thêm đủ việc để kiếm sống. Giáo viên thì bán bánh, kẹo cho học sinh, hoặc nhận học phí từ phụ huynh bằng thực phẩm hoặc dầu ăn.

Người Zimbabwe đã chứng tỏ khả năng kỳ diệu trong việc đương đầu với gian khó. Đồng thời, lượng kiều hối của hàng triệu người Zimbabwe ra nước ngoài để làm việc nhằm tránh những áp lực chính trị và tình hình kinh tế suy sụp tiếp tục là một nguồn tài chính quan trọng đối với gia đình họ ở trong nước.

Tuy nhiên, sự hỗn độn kinh tế mỗi lúc tăng thêm đang đẩy mạnh làn sóng bỏ việc. Fortunate Nyabinde, một y tá làm ở bệnh viện công Parirenyatwa Hospital đang tính chuyện thôi việc vì mức lương 3.600 Đô la Zimbabwe mỗi tháng hiện nay của cô (tương đương 36 tỷ đôla Zimbabwe trước khi Chính phủ bỏ 10 chữ số 0 trên đồng tiền vào tháng 8 vừa qua) không đủ để cô mua vé xe bus đi làm trong 4 ngày.

Tại phần lớn các khu vực của thủ đô Harare, thậm chí còn không có nước vì chính quyền không chi trả cho các hóa đơn vận chuyển hóa chất xử lý nước. Rác rưởi chất thành từng đống lớn. Tình trạng thiếu thức ăn, nước sạch và vệ sinh quá tệ đã khiến không ít người dân ở đây chết đói hoặc chết vì bệnh tật.

Nhiều người dân đổ lỗi cho tình trạng kinh tế hiện nay của Zimbabwe lên chương trình cải cách đất đai của Chính phủ nước này. Chương trình nói trên đã trục xuất các chủ nông trại da trắng từng giúp Zimbabwe trở thành một quốc gia sản xuất nhiều lương thực ở châu Phi, cũng như các nhà tài trợ phương Tây từng giúp cứu sống hàng triệu người Zimbabwe khỏi cảnh chết đói trong nhiều năm.

Trên thực tế, kinh tế của Zimbabwe xấu đi nhanh chóng kể từ năm 2000, khi những người ủng hộ Tổng thống Mugabe dùng bạo lực để tấn công vào các trang trại của người da trắng ở nước này và đuổi họ đi. Các trang trại lớn ở Zimbabwe hiện chỉ có sản lượng ngô - loại lương thực chính ở Zimbabwe - bằng 1/10 so với thời kỳ 1990.

(Theo IHT)