08:21 08/09/2015

Khủng hoảng nhập cư chia rẽ châu Âu

Diệp Vũ

Giới chức một số nước châu Âu đang tính chuyện trả tiền để không phải đón dòng người di cư đổ tới ngày càng lớn

Trong bối cảnh một phần dư luận châu Âu phải đối dòng người nhập cư gia 
tăng, việc chấp nhận thêm người tị nạn là một vấn đề gây tranh cãi đối 
với nhiều chính phủ ở châu lục này - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Trong bối cảnh một phần dư luận châu Âu phải đối dòng người nhập cư gia tăng, việc chấp nhận thêm người tị nạn là một vấn đề gây tranh cãi đối với nhiều chính phủ ở châu lục này - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Sau khi hàng chục nghìn người di cư được Đức và Áo đón nhận vào cuối tuần vừa rồi, châu Âu có vẻ như đang xuất hiện những vết rạn nứt xung quanh cách thức xử lý cuộc khủng hoảng này.

Thậm chí, giới chức một số nước đang tính chuyện trả tiền để không phải đón dòng người đổ tới ngày càng lớn.

“Một tình huống khẩn cấp”


Hôm thứ Bảy, Áo và Đức quyết định mở cửa biên giới để đón dòng người di cư - trong đó có nhiều người đến từ đất nước Syria bị chiến tranh tàn phá - đi qua Hungary.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, Áo tuyên bố kế hoạch sẽ chấm dứt các biện pháp khẩn cấp này sau “các cuộc trao đổi căng thẳng” với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hungary Viktor Orban - người phản đối kịch liệt việc nới lỏng kiểm soát nhập cư, vì lo ngại làm như vậy sẽ chỉ khuyến khích ngày càng có nhiều người đổ tới Hungary để tìm đường tới các nước Bắc Âu.

“Chúng tôi luôn nói rằng đây là một tình huống khẩn cấp mà chúng tôi phải hành động một cách nhanh chóng và nhân đạo. Chúng tôi đã giúp hơn 12.000 người trong tình cảnh nghiêm trọng”, Thủ tướng Áo Werner Faymann nói. “Giờ đây chúng tôi phải từng bước giảm dần các biện pháp khẩn cấp để trở lại trạng thái bình thường, phù hợp với quy định của luật pháp”.

Trong bối cảnh một phần dư luận châu Âu phải đối dòng người nhập cư gia tăng, việc chấp nhận thêm người tị nạn là một vấn đề gây tranh cãi đối với nhiều chính phủ ở châu lục này.

Theo một quan chức Chính phủ Đức, Thủ tướng Đức Merkel đã chịu áp lực từ các thành viên trong liên minh bảo thủ cầm quyền của bà đòi rút lại quyết định cho phép khoảng 20.000 người tị nạn được vào nước này vào cuối tuần vừa qua.

Bất chấp sự phản kháng đối với chủ trương tiếp nhận thêm người tị nạn bên trong nội bộ liên minh cầm quyền, Chính phủ Đức ngày 7/9 đã nhất trí chi thêm 6 tỷ Euro, tương đương 6,68 tỷ USD để giúp người nhập cư. Tuy vậy, Đức cũng có kế hoạch thắt chặt quy chế xin tị nạn ở nước này.

Cũng trong ngày 7/9, Thủ tướng Merkel nói Đức có khả năng tiếp nhận 800.000 người xin tị nạn trong năm nay, nhưng không thể tiếp tục đón nhận dòng người với tốc độ như vậy. Đồng thời, bà Merkel kêu gọi phần còn lại của châu Âu có sự phối hợp chính sách về quyền tị nạn.

Trên thực tế, việc Đức và Áo mở cửa biên giới cho dòng người di cư chỉ đến khi có những lo ngại về việc cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu đã lên tới đỉnh điểm.

Đặc biệt, bức ảnh cậu bé 3 tuổi người Syria bị chết đuối trong hành trình trên Địa Trung Hải hồi tuần trước - sau sự kiện 71 người di cư chết ngạt trên một chiếc xe tải đi tới Áo - đã cho các chính phủ và dân chúng châu Âu thấy nỗi tuyệt vọng gia tăng của những người di cư tới châu Âu.

“Nhập cư chứ không phải tị nạn”


Thứ Sáu tuần trước, Đức và Pháp hối thúc các nước châu Âu khác tiếp nhận thêm người nhập cư, kêu gọi một “cơ chế dài hạn và bắt buộc” về phân bổ người nhập cư giữa các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU).

Theo đề xuất được đưa ra, châu Âu sẽ tiêu chuẩn hóa việc đăng ký, tiếp nhận và phân bổ hơn 100.000 người nhập cư, đồng thời có một chính sách phối hợp nhịp nhàng hơn để chống nạn buôn người.

Nhưng đến thứ Hai, Thủ tướng Hungary Orban đã phản đối lời kêu gọi phân bổ người nhập cư giữa các nước EU. Ông Orban nói, không có ích lợi gì khi bàn tới một động thái như vậy, chừng nào châu Âu chưa thể bảo vệ được biên giới của mình. Đồng thời, EU nên lập một quỹ để giúp các nước thứ ba như Thổ Nhĩ Kỳ xử lý dòng người khổng lồ đi qua.

Với quan điểm cứng rắn, Thủ tướng Hungary nói rằng số lượng lớn người đổ tới Đức nên được xem là nhập cư thay vì tị nạn, vì họ đang tìm kiếm một “cuộc sống Đức”, và đã từ chối ở lại quốc gia đầu tiên mà họ đặt chân tới.

Cũng trong ngày thứ Hai, tờ Financial Times đưa tin các quan chức Ủy ban Châu Âu (EC) đang thảo luận một đề xuất cho phép một số nước châu Âu trả tiền để không phải tuân thủ hệ thống “hạn ngạch” (quota) về tiếp nhận số người nhập cư có thể lên tới 160.000 người.

Theo bà Tina Fordham, trưởng bộ phận phân tích chính trị toàn cầu của Citigroup, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đang đối mặt với một tình huống khó khăn khi mà dư luận các nước nửa muốn giúp đỡ dòng người di cư, vừa muốn hạn chế nhập cư.

“Đây là một vấn đề rất khó khăn đối với các nhà lãnh đạo... Họ nhận thức rõ người dân châu Âu đang lo ngại về người nhập cư và tâm lý chống nhập cư đang lên cao. Nhưng bức ảnh về cậu bé tị nạn chết đuối đã khiến dư luận thay đổi”, bà Fordham nói.

“Tuy vậy, đến một lúc nào đó, sự cần thiết phải phán ứng trước cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ chuyển thành mối lo về thất nghiệp và những vấn đề lâu dài mà người dân châu Âu phải đối đầu”.