16:05 10/08/2015

“Khủng hoảng sữa” New Zealand làm chậm TPP

Thu An

Tình trạng dư cung đã xảy ra, giá sữa toàn cầu bị đẩy xuống mức thấp nhất trong 13 năm

Cho đến nay, ngành sữa là tâm điểm của các cuộc tranh luận gay gắt giữa New Zealand, Canada, Nhật và Mỹ. Một phần vì lý do này mà vòng đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không thể kết thúc trong tuần trước - Ảnh: ODT.
Cho đến nay, ngành sữa là tâm điểm của các cuộc tranh luận gay gắt giữa New Zealand, Canada, Nhật và Mỹ. Một phần vì lý do này mà vòng đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không thể kết thúc trong tuần trước - Ảnh: ODT.
Đóng góp 30% tổng sản lượng xuất khẩu, ngành sữa có tầm quan trọng rất lớn đối với kinh tế New Zealand.

Song theo tuyên bố mới đây của Thủ tướng New Zealand John Key, ngành sữa nước này hiện đang trong tình trạng khó khăn. Thủ tướng New Zealand tuyên bố: “Thật không may mắn, ngành sữa của New Zealand đang cực kỳ chật vật. Tình trạng dư cung hiện khá căng thẳng”.

Ông chỉ ra những thách thức đối với thị trường sữa thế giới hiện nay, bao gồm nguồn cung từ Mỹ và New Zealand dư thừa, và sản phẩm sữa châu Âu đang được bán tràn ngập thị trường sau lệnh vấn vận từ thị trường Nga.

Fonterra, tập đoàn sản xuất sữa lớn nhất của New Zealand, mới đây đã thông báo cắt giảm giá thu mua sữa khô đã tách bơ từ nông dân xuống mức 3,85 đô la New Zealand/kg trong mùa vụ 2015 - 2016, mức thấp nhất trong 10 năm.

Mới chỉ một năm trước, trong mùa vụ 2013 - 2014, giá sữa khô đã tách bơ còn được Fonterra trả giá kỷ lục 8,4 đô la New Zealand/kg.

Khi đó, mức giá cao kỷ lục khiến các nông dân chạy đua tăng cường mở rộng sản xuất. Tình trạng dư cung đã xảy ra, giá sữa toàn cầu bị đẩy xuống mức thấp nhất trong 13 năm.

Những khó khăn trong ngành sản xuất sữa đã khiến đồng đôla New Zealand sụt giảm mạnh xuống mức thấp chưa từng thấy trong 6 năm. Tính từ mức đỉnh thiết lập giữa năm 2014, hiện đồng đôla New Zealand đã mất đến 25% giá trị.

Tuy nhiên, theo dự báo của giới chuyên gia, hiện tại có thể vẫn chưa phải thời điểm khó khăn nhất của ngành sữa New Zealand.

Cho đến nay, ngành sữa là tâm điểm của các cuộc tranh luận gay gắt giữa New Zealand, Canada, Nhật và Mỹ. Một phần vì lý do này mà vòng đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không thể kết thúc trong tuần trước.

New Zealand muốn Canada, Nhật mở cửa thị trường sữa, bởi với nước này, việc tiếp cận được với các thị trường đông dân sẽ giúp New Zealand giải quyết vấn đề dư cung hiện đang rất căng thẳng.

Thủ tướng New Zealand cho biết ông khá thất vọng với kết quả vòng đàm phán TPP mới đây, nhưng sẽ tiếp tục vận động để các nước đi đến được một thỏa thuận cuối cùng. “Sẽ chẳng có nước nào giành được tất cả những gì họ muốn. Rồi cuối cùng chúng ta cũng sẽ vẫn phải nhượng bộ để đi đến sự thống nhất cuối cùng thôi”.

Tuy nhiên, sự lạc quan của Thủ tướng New Zealand có lẽ chưa có nhiều cơ sở, bởi hiện tại, một nước thành viên chủ chốt trong TPP là Canada đang có cuộc tổng tuyển cử. Trong khi đó, Mỹ cũng chuẩn bị bước vào năm bầu cử Tổng thống 2016.

Vấn đề trợ cấp thương mại và nông nghiệp thường rất dễ gây tranh cãi nên chính quyền Canada và Mỹ có thể chưa dễ đưa vấn đề TPP vào chương trình nghị sự.

Trước đó, các nhà đàm phán TPP đã hy vọng sẽ tiếp tục tổ chức được vòng đàm phán cuối cùng trong tháng 8, tuy nhiên Bộ trưởng Chính sách kinh tế và tài khóa Nhật khẳng định sẽ không thể nối lại các vòng đàm phán ngay trong tháng 8 này.