07:08 06/10/2010

Kinh tế 24h qua: Mối đe dọa thực sự

Vinh Nguyễn

Thâm hụt ngân sách liên bang có thể lên tới 1.470 tỷ USD đang là mối đe dọa thực sự và ngày một tăng đối với kinh tế Mỹ

Kinh tế Mỹ đang đối mặt với mối đe dọa thâm hụt ngân sách.
Kinh tế Mỹ đang đối mặt với mối đe dọa thâm hụt ngân sách.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke thừa nhận, thâm hụt ngân sách liên bang, có thể lên tới 1.470 tỷ USD trong năm tài chính (kết thúc hôm 30/9), đang là mối đe dọa thực sự và ngày một tăng đối với kinh tế Mỹ.

Ông Bernanke cho rằng chỉ các luật mới về tài chính của Quốc hội, trong đó có việc cải cách luật thuế mới có thể "làm đầy lại" ngân sách Mỹ, song cần sự hỗ trợ về mặt chính trị. Theo ông, hầu hết mọi người đều thấy luật thuế của Mỹ còn phức tạp và không hợp lý, do đó, nếu hệ thống này được cải cách hiệu quả hơn, nó có thể thúc đẩy kinh tế phát triển cũng như mang lại những chính sách tài chính hữu hiệu.

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc gặp với ban cố vấn về phục hồi kinh tế tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng thừa nhận Washington đang phải đối mặt với "tình hình tài chính nghiêm trọng" và chính quyền do ông lãnh đạo cần đối phó nghiêm túc với tình trạng thâm hụt ngân sách liên bang.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick vừa lên tiếng phủ nhận nguy cơ chiến tranh tiền tệ. Theo ông, mặc dù cẳng thẳng đang tăng lên do các nước chạy đua giảm giá nội tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng điều đó sẽ không bùng phát thành cuộc chiến tranh tiền tệ như nhiều nhà kinh tế các nước cảnh báo.

Ông Zoellick cho rằng tăng trưởng chậm chạp ở các nền kinh tế phát triển và tăng trưởng nhanh ở các nền kinh tế mới nổi đã tạo ra sự lệch lạc trong các thị trường tài chính tiền tệ nhưng thế giới "không có dấu hiệu tiến tới kỷ nguyên chiến tranh tiền tệ."

Theo ông, tiền tệ không tìm được lợi nhuận ở các nước phát triển nên nó không chỉ làm tăng giá trị tiền tệ ở các nước đang phát triển và mới nổi mà còn làm tăng giá một số tài sản với nguy cơ các bong bóng bất động sản và nhiều hàng hóa khác.

Chủ tịch WB cũng nhận định, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng chậm lại từ tháng 5 và cũng sẽ không tăng đủ mạnh để có thể giải quyết dứt điểm nạn thất nghiệp nhưng sẽ không rơi vào suy thoái kép. Trong dự báo mới nhất, WB cho rằng nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,5% năm 2010 và 3,3% năm 2011.

Trong khi đó, Viện tài chính quốc tế (IIF), đại diện cho hơn 420 tổ chức tài chính trên thế giới, kêu gọi các nước lớn đạt thỏa thuận tiền tệ toàn cầu mới để khôi phục sự cân bằng của nền kinh tế toàn cầu.

Viện này cảnh báo, nếu không có sự phối hợp để cân đối trở lại có thể sẽ dẫn đến bảo hộ nhiều hơn. Giám đốc điều hành IIF Charles Dallara, người từng tham gia Hiệp định Plaza để Nhật Bản tăng giá đồng yen vào năm 1985, kêu gọi các nước lớn đạt được phiên bản nâng cấp tương tự.

Nhật Bản và Australia hôm qua đã khiến thế giới sửng sốt khi ra quyết định về lãi suất. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định hạ lãi suất cơ bản từ mức 0,1% hiện nay xuống mức dao động trong khoảng 0 - 0,1%.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2008, BoJ hạ lãi suất cơ bản. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp hai ngày của Hội đồng chính sách BoJ với nhận định các rủi ro suy thoái kinh tế đối với nền kinh tế Nhật Bản đang gia tăng do sự suy giảm kinh tế toàn cầu và đồng Yên liên tục tăng giá.

Tại cuộc họp này, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng quyết định cân nhắc khả năng thành lập một quỹ đặc biệt để mua các tài sản tài chính và coi đây là một trong các biện pháp để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Quỹ này có thể có tổng trị giá lên tới 35.000 tỷ Yên (tương đương 418 tỷ USD).

BoJ sẽ dành ra khoảng 5.000 tỷ Yên để mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu công ty, quỹ giao dịch ngoại hối, thương phiếu và tín thác đầu tư bất động sản, đồng thời sẽ bổ sung khoảng 30.000 tỷ Yên cho quỹ này để cấp tín dụng cho các ngân hàng trên cơ sở ký quỹ ở mức lãi suất cố định.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 4,5%, một động thái khá bất ngờ khi giới phân tích đều cho rằng RBA sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% lên 4,75% để giảm bớt gánh nặng lạm phát.

Tổ chức Moody’s lại vừa cảnh báo nguy cơ hạ bậc tín nhiệm nợ của Ireland, do những quan ngại về viễn cảnh tăng trưởng của nền kinh tế châu Âu này. Moody’s cho biết đã đặt mức xếp hạng Aa2 của Ireland lên bàn xem xét. Nếu nguy cơ này xảy ra, Ireland có thể chỉ bị đánh tụt một bậc, bằng với mức xếp hạng của Standard &Poor’s và Fitch Ratings dành cho nước này trước đó .
 
Gói cứu trợ tài chính lên tới 50 tỷ Euro của Chính phủ Ireland cho hệ thống ngân hàng nước này đã khiến cộng đồng quốc tế lo lắng về tình trạng “sức khỏe” của nền kinh tế này, cũng như tác động của nó đối với toàn bộ châu Âu.

Moody’s tỏ ra lo ngại về nhu cầu nội địa của Ireland sẽ sụt giảm do sự xuống dốc tồi tệ của khu vực dịch vụ tài chính và bất động sản, cũng như sự thu nhỏ của khu vực tín dụng tư nhân. Chi phí vay đã tăng cao ở thị trường trái phiếu kể từ tháng 7, thời điểm giảm bậc xếp hạng gần đây nhất của Moody’s đối với Ireland.

Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 8 (ASEM 8) đã bế mạc chiều qua tại thủ đô Brussel (Bỉ). Hội nghị đã thông qua hai văn kiện quan trọng là “Tuyên bố Chủ tịch ASEM 8 về hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân” và “Tuyên bố Hội nghị ASEM 8 về tăng cường hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu.”

Hội nghị đã thông qua 16 sáng kiến mới về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh lương thực, giao thông vận tải, quản lý rừng, nghiên cứu và phát triển nguồn nước, giáo dục… và nhất trí sẽ tiếp tục cải tiến cách thức điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEM.