09:18 23/11/2016

Kinh tế Đài Loan tiếp tục dịch chuyển về Đông Nam Á

Bình Minh

Sự dịch chuyển này diễn ra trong bối cảnh các công ty Đài Loan suy giảm lợi nhuận tại Trung Quốc đại lục

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.<br>
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.<br>
Nhà lãnh đạo mới của Đài Loan, bà Thái Anh Văn, đang nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ kinh tế của vùng lãnh thổ này với các nước Đông Nam Á nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc đại lục. Theo hãng tin Bloomberg, chiến lược dịch chuyển kinh tế về phía Đông Nam Á của Đài Loan đã đạt được những bước tiến đáng kể.

Như một bằng chứng cho thấy mối quan hệ kinh tế tiến nhanh hơn quan hệ chính trị, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các công ty Đài Loan vào 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua - theo dữ liệu của công ty DBS Group Holdings Ltd. có trụ sở ở Singapore.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ lượng vốn FDI từ Đài Loan vào Đông Nam Á thậm chí diễn ra từ trước khi chính quyền Đài Loan khởi động sáng kiến “Nam tiến mới” hướng đến các thị trường thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Sáng kiến này được đưa ra trong bối cảnh các công ty Đài Loan đối mặt với sự suy giảm lợi nhuận tại thị trường Trung Quốc đại lục.

Trái với sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế và tiền lương tăng lên ở Trung Quốc, các nước Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam thuộc hàng những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và hưởng lợi từ dân số gia tăng. Theo chuyên gia kinh tế Ma Tieying thuộc DBS, vốn FDI của Đài Loan còn nhiều dư địa để mở rộng hơn nữa ở khu vực này.

“Sự giảm tốc tăng trưởng, tái cân bằng, và tiền lương gia tăng ở Trung Quốc đang thúc đẩy các công ty Đài Loan điều chỉnh chiến lược ở nước ngoài”, ông Ma nói. “Thị trường ASEAN hấp dẫn nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh, nguồn lao động giá rẻ, các cải cách đang được thực thi, và sự hội nhập kinh tế”.

Chính quyền Đài Loan đã phân bổ 4,2 tỷ Đài Tệ, tương đương 131 triệu USD, cho sáng kiến “Nam tiến mới” trong năm 2017. Khoản ngân sách này bao gồm chi tiêu cho việc mở văn phòng thương mại ở một loạt quốc gia, trao đổi nhân tài, phát triển du lịch, và trao học bổng cho sinh viên nước ngoài.

Bà Thái Anh Văn trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan vào tháng 5 năm nay, với lời hứa giảm sự phụ thuộc về kinh tế của vùng lãnh thổ này vào Trung Quốc đại lục - nơi có nhiều nhà máy của doanh nghiệp Đài Loan, như nhà máy lắp ráp điện thoại iPhone cho hãng Apple của tập đoàn Hon Hai Precision Industry Co..

Ngoài ra, Trung Quốc đại lục cũng là thị trường xuất khẩu lớn của hàng hóa Đài Loan, như con chip của tập đoàn Taiwan Semiconductor Manufacturing Co.. Khoảng 40% hàng hóa xuất khẩu của Đài Loan có đích đến là Trung Quốc đại lục, một tỷ lệ mà chính quyền Đài Loan muốn giảm xuống.

Về mặt chính trị, sáng kiến “Nam tiến mới” của bà Thái Anh Văn phải vượt qua được những thiếu sót trong chiến lược tương tự của những người tiền nhiệm như ông Trần Thủy Biển, bao gồm xây dựng quan hệ chính thức với các nước Đông Nam Á và cạnh tranh với sự thống trị về thương mại của Trung Quốc ở khu vực.

Về mặt kinh tế, những lợi ích của sáng kiến trên là rõ ràng, đặc biệt là đối với những công ty sản xuất các mặt hàng chế tạo giá rẻ. Mức lương tháng trung bình vào năm 2014 ở Trung Quốc là 613 USD - theo dữ liệu gần đây nhất từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) - so với mức 215 USD ở Philippines, 197 USD ở Việt Nam, và 183 USD ở Indonesia.

Pou Chen Corp., công ty lớn nhất Đài Loan về sản xuất giày thể thao cho những thương hiệu như Nike, Puma và Adidas là một minh chứng rõ ràng cho xu hướng này - theo chuyên gia kinh tế Raymond Yeung thuộc ngân hàng ANZ ở Hồng Kông. Pou Chen mở rộng sản xuất ở Trung Quốc đại lục vào cuối thập niên 1980, nhưng trong những năm gần đây đã tăng sản lượng tại các nhà máy ở Việt Nam và Indonesia.

“Trong chính trị, đây có vẻ như là một chiến lược mới, nhưng trong kinh tế, đó là một sự thật đang tồn tại. Đài Loan là một nhà thầu phụ khá tốt”, ông Yeung nói. “Mỗi nước ở Đông Nam Á đều có thể trở thành mục tiêu. Đối với các doanh nghiệp Đài Loan, nhân tố quan trọng nhất là chi phí, thứ hai là sự ổn định. Đài Loan có xu hướng ở giữa chuỗi phân phối, họ rất giỏi về quản lý quy trình sản xuất”.

Theo thời gian, các công ty Đài Loan đã tìm ra những cách để tránh sức ép chính trị từ Trung Quốc đại lục và làm việc ở những quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, thường là thông qua các chi nhánh có cổ phiếu được niêm yết ở Hồng Kông, như trường hợp Pou Chen.

Về phần mình, chính phủ các nước Đông Nam Á phải đối mặt với thách thức đến từ sự gia tăng vốn đầu tư nước ngoài. Trong một vụ việc điển hình, tập đoàn Formosa Plastics Corp. của Đài Loan đã thừa nhận nhà máy tại Việt Nam xả thải trái phép khiến cá chết hàng loạt ở biển miền Trung. Formosa đã chấp nhận bồi thường 500 triệu USD, nhận hoàn toàn trách nhiệm, lãnh đạo công ty đứng ra xin lỗi người dân Việt Nam, và hứa sẽ không tái phạm.

“Vụ Formosa có vẻ là vấn đề hy hữu. Các công ty Đài Loan đã cố gắng rất nhiều để xây dựng mối quan hệ tin tưởng ở thị trường nước ngoài”, ông Tony Nash, chuyên gia kinh tế trưởng của Complete Intelligence, nhận định.