18:33 25/01/2016

Kinh tế Nga suy giảm mạnh nhất 6 năm

An Huy

Nền kinh tế Nga, nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, đang đối mặt với năm suy thoái thứ hai liên tiếp

Một xe chở dầu ở vùng Siberia của Nga - Ảnh: WSJ/Zuma.<br>
Một xe chở dầu ở vùng Siberia của Nga - Ảnh: WSJ/Zuma.<br>
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga năm 2015 giảm mạnh nhất kể từ năm 2009 trong bối cảnh giá dầu, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này, lao dốc. 

Ngoài ra, theo hãng tin Bloomberg, lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine cũng khiến nền kinh tế Nga điêu đứng vì khó tiếp cận với thị trường vốn quốc tế.

Cơ quan Thống kê Liên bang Nga ngày 25/1 cho biết, GDP nước này giảm 3,7% trong năm 2015, sau khi giảm 0,6% trong năm 2014. Trước đó, các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát ý kiến dự báo kinh tế Nga giảm 3,8% trong năm ngoái.

“Nền kinh tế Nga đang trải qua những điều chỉnh lớn. Nền kinh tế này vẫn đang phụ thuộc nhiều vào dầu lửa”, chiến lược gia Vladimir Miklashevsky thuộc ngân hàng Danske Bank của Phần Lan, nhận định.

“Đồng Rúp yếu và chiến lược thay thế hàng nhập khẩu sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sản xuất trong nước, nhưng sẽ không giúp ích được nhiều. Nga sẽ phải trải qua một chặng đường dài và khó khăn để đi đến sự phục hồi tăng trưởng”, ông Miklashevsky nói.

Nền kinh tế Nga, nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, đang đối mặt với năm suy thoái thứ hai liên tiếp. Đợt sụt giảm chóng mặt vào đầu năm 2016 này của giá dầu đã đẩy tỷ giá đồng Rúp xuống mức thấp chưa từng có.

Hôm thứ Năm tuần trước, gần 86 Rúp mới đổi được 1 USD. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine hồi năm 2014, cũng là thời điểm giá dầu còn trên mức 100 USD/thùng, tỷ giá đồng Rúp là 35 Rúp “ăn” 1 USD.

Trong cuộc họp diễn ra vào ngày thứ Sáu tuần này, Ngân hàng Trung ương Nga không có nhiều dư địa để hạ lãi suất phục vụ cho việc kích thích tăng trưởng, bởi lạm phát của nước này hiện cao gấp hơn 3 lần mục tiêu trung hạn. Trong 3 cuộc họp chính sách liên tiếp vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga giữ lãi suất cơ bản đồng Rúp ở mức 11%.

Trong 3 tháng trở lại đây, tỷ giá đồng Rúp so với đồng USD đã giảm hơn 20%, trở thành đồng tiền mất giá mạnh thứ nhì trong số 24 đồng tiền của các thị trường mới nổi được Bloomberg theo dõi, chỉ sau đồng Peso của Argentina.

Dù đã giảm tốc trong tháng 12 vừa qua, lạm phát của Nga vẫn ở mức 12,9%, hạn chế sức mua của người tiêu dùng nước này.