10:51 09/05/2016

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát tín hiệu bình ổn

Thăng Điệp

Kinh tế Trung Quốc đang ổn định trở lại, nhưng sự bình ổn này diễn ra chậm chạp

Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 của Trung Quốc tính bằng đồng USD đã tăng 4,1%
 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 1,8% nếu tính theo USD.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 của Trung Quốc tính bằng đồng USD đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 1,8% nếu tính theo USD.
Các số liệu công bố vào cuối tuần vừa rồi tiếp tục cho thấy kinh tế Trung Quốc đang ổn định trở lại, nhưng sự bình ổn này diễn ra chậm chạp. Hãng tin Blooberg cho biết, xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục khởi sắc và dự trữ ngoại hối lần đầu tiên trong vòng gần 2 năm có 2 tháng tăng lên tục.

Theo đó, dự trữ ngoại hối của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng gần 7,1 tỷ USD trong tháng 4, đạt mức 3,22 nghìn tỷ USD - Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) công bố hôm thứ Bảy.

Hôm Chủ nhật, cơ quan hải quan Trung Quốc cho biết kim ngạch xuất khẩu tháng 4 của nước này tính bằng đồng USD đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 1,8% nếu tính theo USD. Xuất khẩu giảm 10,9% nếu tính bằng USD, tạo mức thặng dư thương mại 45,6 tỷ USD.

Trước đó, trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tính bằng đồng Nhân dân tệ bất ngờ đảo ngược xu hướng giảm liên tục của nhiều tháng trước đó, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2015.

“Xuất khẩu của Trung Quốc duy trì tăng trưởng trong tháng 4, nhưng sự tăng trưởng này chủ yếu là nhờ đồng Nhân dân tệ giảm giá. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục ‘chờ xem’ trước khi quyết định có đưa ra một chương trình kích cầu mới hay không”, các chuyên gia kinh tế Tom Orlik và Fielding Chen của Bloomberg Intelligence viết trong một báo cáo.

Cuối năm ngoái, PBoC đã hạ lãi suất cơ bản đồng Nhân dân tệ về mức thấp kỷ lục nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, sự phục hồi chậm trong lĩnh vực xuất khẩu của nước này là một tín hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới chưa đạt được sự phục hồi tăng trưởng bền vững.

Các chuyên gia kinh tế dự báo rằng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ chỉ tăng 6,5% trong năm nay, mức tăng thấp nhất trong 1/4 thế kỷ, so với mức tăng 6,9% của năm 2015.

Sau khi đạt kỷ lục ở mức 4 nghìn tỷ USD vào tháng 6/2014, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã liên tục giảm. Tháng 3 và tháng 4 vừa qua, dự trữ này chuyển sang phục hồi liên tục, nhưng hiện vẫn đang thấp hơn 19% so với mức kỷ lục. Sự suy giảm dự trữ ngoại hối này của Trung Quốc là do Bắc Kinh phải tung ngoại tệ để bảo vệ tỷ giá đồng Nhân dân tệ khi các dòng vốn ồ ạt tháo chạy.

Niềm tin của thị trường vào đồng Nhân dân tệ đã tăng lên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu sẽ không vội trong vấn đề tăng lãi suất. Số liệu việc làm kém khả quan mà Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Sáu tuần trước là cơ sở cho dự đoán FED sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6.

Từ đầu năm đến nay, tỷ giá đồng Nhân dân tệ hầu như không thay đổi so với đồng USD. Tuy nhiên, tỷ giá đồng tiền của Trung Quốc so với giỏ đồng tiền 13 nước đối tác thương mại chính của nước này đã giảm 4,3%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014.

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc hiện vẫn tỏ ra thận trọng. Hôm thứ Sáu tuần trước, Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường nói Trung Quốc cần ngăn chặn nguy cơ xảy ra thất nghiệp quy mô lớn và thúc đẩy mô hình tăng trưởng dựa trên kỹ năng và sáng tạo.

“Nền kinh tế vẫn đang đối mặt sức ép suy giảm tăng trưởng lớn và các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng cần nhằm vào mục tiêu tăng việc làm và thu nhập”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lý Khắc Cường.

Giới chuyên gia cũng giữ quan điểm thận trọng khi đánh giá về các số liệu kinh tế Trung Quốc.

“Sự khởi sắc trong dữ liệu của kinh tế Trung Quốc có thể chỉ là tạm thời. Thị trường cần chuẩn bị cho rủi ro các dữ liệu Trung Quốc lại xấu đi”, chuyên gia kinh tế Zhou Hao thuộc ngân hàng Commerzbank ở Singapore phát biểu.

Triển vọng tăng trưởng suy giảm của kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục sẽ gây áp lực đối với xuất khẩu của Trung Quốc trong thời gian tới.

Hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 còn 3,2%, từ mức 3,4% đưa ra hồi tháng 1. IMF nói rằng một thời kỳ tăng trưởng chậm kéo dài đã đặt nền kinh tế toàn cầu vào thế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc.