12:37 05/05/2011

Kinh tế Trung Quốc trước mối họa giàu nghèo

Hồng Ngọc

Nếu những người giàu chuyển tài sản của họ ra bên ngoài, hệ thống tài chính của Trung Quốc còn có khả năng bị tác động dữ dội

Ngày càng có nhiều người Trung Quốc trở nên giàu có.
Ngày càng có nhiều người Trung Quốc trở nên giàu có.
Sự phân cực giàu nghèo tại Trung Quốc không chỉ đe dọa tới sự ổn định xã hội ở quốc gia này, tờ Wall Street Journal nhận định. Mà hơn thế, nếu những người giàu chuyển tài sản của họ ra bên ngoài, hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn có khả năng bị tác động dữ dội.

Theo Wall Street Journal, khoảng cách giàu nghèo thực tế ở Trung Quốc có lẽ còn lớn hơn nhiều so với những số liệu chính thức được công bố. Số liệu của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, năm 2008, thu nhập có thể chi phối của 10% số người giàu nhất tại các đô thị của Trung Quốc, chỉ khoảng 6.300 USD, gấp 9 lần so với 10% số người nghèo nhất.

Tuy nhiên, nếu vòng quanh trung tâm các thành phố như Bắc Kinh hay Thượng Hải, bạn sẽ cảm thấy hoài nghi con số này. Bởi lẽ, bạn sẽ thấy những người giàu mới nổi ở quốc gia này đang lái xe Audi, khoác túi Louis Vuitton, những thứ mà với thu nhập vẻn vẹn có 6.300 USD/năm thì không thể nào sắm sang nổi.

Theo kết quả điều tra độc lập của giáo sư Vương Tiểu Lỗ thuộc Quỹ cải cách Trung Quốc, thu nhập hàng năm của 10% số người giàu nhất Trung Quốc vào khoảng 20.200 USD, gấp 25 lần so với 10% số người nghèo nhất ở đất nước này.

Đồng thời, những người giàu nhất này đang sở hữu một lượng tài sản kếch xù. Theo báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Chiêu Thương Trung Quốc và công ty Bain & Co, số tài sản có thể đầu tư năm 2011 của 590.000 người giàu nhất Trung Quốc (chiếm chưa tới 0,05% dân số cả nước) có thể lên tới 2,7 nghìn tỷ USD.
 
Sự bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi đã chứng tỏ việc khi một lượng nhỏ người giàu nắm giữ phần lớn tài sản quốc gia có thể gây ra những bất mãn trong xã hội.

Tuy nhiên, giáo sư Victor Shih thuộc trường Đại học Northwestern cho rằng, việc người giàu Trung Quốc nắm giữ một lượng lớn của cải còn có thể tạo nên sự uy hiếp đối với sự ổn định của hệ thống tài chính.

Theo giáo sư Victor Shih, nỗi lo canh cánh của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là việc nhà đầu tư chuyển sự giàu có của họ ra nước ngoài. Trong thời gian khủng hoảng tài chính châu Á, việc nhà đầu tư đột ngột thoái vốn đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế các nước Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan.
 
Trung Quốc từ trước tới nay chưa hề mở cửa các tài khoản vốn, điều này khiến vốn của các nhà đầu tư không thể nhập xuất khỏi quốc gia này một cách hợp pháp. Nhưng những quan hệ hợp tác về thương mại và đầu tư khổng lồ cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có thể lách cơ chế kiểm soát tương đối dễ dàng.
 
Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc đạt gần 10%, đồng Nhân dân tệ lại đang tăng giá. Điều này có nghĩa là, nhà giàu Trung Quốc không có lý do gì để chuyển sự giàu có của họ ra nước ngoài. Tuy nhiên, những điều kiện này không thể được duy trì mãi mãi.
 
Theo kết quả điều tra dư luận với 2.600 người có thu nhập ròng ở mức cao, gần 60% số người tham dự đã sắp xếp hoặc đang cân nhắc tới việc di dời kinh tế. Việc thoái vốn ra nước ngoài là “rủi ro” sau cùng, nhưng nhà đầu tư không thể chủ quan.