14:38 08/07/2016

Lo lãi suất âm, người Nhật mua vàng gửi ở Thụy Sỹ

Thăng Điệp

Xu hướng mua vàng của người Nhật không nằm ngoài xu hướng chung của giới đầu tư toàn cầu từ đầu năm đến nay

Trong một cửa hàng nữ trang vàng ở Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: Japan Times.<br>
Trong một cửa hàng nữ trang vàng ở Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: Japan Times.<br>
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư Nhật mua vàng và gửi ở Thụy Sỹ do lo ngại lãi suất âm và khả năng đồng Yên Nhật sẽ mất giá trong bối cảnh Chính phủ nước này mang gánh nặng nợ công lớn nhất trong số các quốc gia phát triển.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ Bullion Vault, một công ty giao dịch trực tuyến và cung cấp dịch vụ giữ hộ vàng có trụ sở ở London, cho biết số lượng khách Nhật mua vàng thông qua công ty này đã tăng 62% trong 6 tháng đầu năm nay so với nửa cuối năm ngoái.

Việc người Nhật tăng cường giữ vàng diễn ra khi Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) thực thi chương trình kích cầu bằng cách mua vào trái phiếu với quy mô lớn chưa từng thấy nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, lãi suất cơ bản đồng Yên cũng đã được BoJ hạ về vùng dưới 0%. Các biện pháp này đã dẫn tới những đồn đoán cho rằng đồng Yên có thể rớt giá thảm nếu nỗ lực kích thích tăng trưởng thất bại.

“Nhiều khách hàng Nhật của chúng tôi cho rằng việc giữ vàng thỏi ở nhà riêng là quá rủi ro, và họ muốn cất ở Thụy Sỹ vì họ lo ngại về tương lai của nước Nhật”, bà Atsuko Sato Whitehouse, người phụ trách thị trường Nhật của Bullion Vault, cho biết.

Nền kinh tế Nhật đã trì trệ suốt cả thập kỷ nay, bất chấp các biện pháp kích cầu mạnh tay bằng cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong khi đó, việc hỗ trợ tăng trưởng đã đẩy mức nợ công của Chính phủ Nhật lên cao gấp đôi so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm.

Xu hướng mua vàng của người Nhật không nằm ngoài xu hướng chung của giới đầu tư toàn cầu từ đầu năm đến nay. Do lo ngại bất ổn trên thị trường tài chính cũng như mức lãi suất siêu thấp hoặc âm, các nhà đầu tư đã mạnh tay mua vào kim loại quý để bảo toàn giá trị tài sản.

Giá vàng thế giới đã tăng khoảng 30% từ đầu năm, lên vùng cao nhất trong 2 năm, trong khi khối lượng vàng do các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) nắm giữ đã tăng 37%, đạt mức hơn 2.000 tấn.

Sự kiện cử tri Anh chọn rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 càng khiến giá vàng tăng mạnh. Theo đánh giá của ngân hàng Thụy Sỹ UBS, giá vàng có thể đang ở vào giai đoạn đầu của một thời kỳ giá lên (bull-run) mới.

Thay vì mất giá, đồng Yên Nhật đã tăng giá mạnh trong vòng 1 năm trở lại đây do các nhà đầu tư xem đồng tiền này là một “vịnh tránh bão” bên cạnh kim loại quý và trái phiếu chính phủ. Điều này đồng nghĩa với việc giá vàng tính bằng đồng Yên đã giảm 2,2% trong cùng khoảng thời gian, trong khi giá vàng tính bằng đồng USD tăng 17%.

Nhưng bất chấp đồng Yên mạnh, vẫn có nhiều dự báo nói đồng tiền này sẽ rớt giá sâu.

Giáo sư Yukio Noguchi, một cựu quan chức Bộ Tài chính Nhật, đưa ra một kịch bản trong đó chương trình kích cầu kinh tế của nước này thất bại, khiến đồng Yên rớt giá tới mức hơn 300 Yên mới đổi được 1 USD. Tỷ giá đồng Yên so với USD sáng ngày 8/7 ở mức khoảng 101 Yên đổi 1 USD.

Các nhà đầu tư Nhật mua vàng thông qua Bullion Vault rất đa dạng, từ những doanh nhân lớn tuổi giàu có vốn là những người nhiều kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài và có nhu cầu cất giữ tài sản ở một nơi an toàn, cho tới những người trẻ và cả những phụ nữ muốn tìm kiếm “vịnh tránh bão” cho tài sản của mình trong bối cảnh nền kinh tế và chính trị toàn cầu có nhiều rủi ro.

Theo bà Whitehouse, có nhiều điểm tương đồng giữa hành vi của nhà đầu tư Nhật và nhà đầu tư ở nhiều quốc gia khác. Chẳng hạn, hầu hết khách hàng Mỹ của Bullion Vault muốn giữ vàng ở nước ngoài vì lo rủi ro bị tịch thu - điều từng xảy ra trong thời kỳ Đại suy thoái ở Mỹ hồi những năm 1930. Một nửa số khách hàng của Bullion Vault ở Anh cũng cất vàng ở nước ngoài.