08:36 31/07/2017

Mỹ điều máy bay ném bom sau vụ Triều Tiên thử tên lửa xuyên lục địa

Bình Minh

Giới chuyên gia nói rằng, quả tên lửa mà Triều Tiên thử có khả năng bay tới tận những thành phố như Denver và Chicago của Mỹ

Máy bay ném bom B-1B của Mỹ - Ảnh: Không quân Mỹ/Reuters.<br>
Máy bay ném bom B-1B của Mỹ - Ảnh: Không quân Mỹ/Reuters.<br>
Mỹ ngày 30/7 đã điều hai máy bay ném bom siêu thanh B-1B tới bán đảo Triều Tiên trong một cuộc phô trương lực lượng sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới nhất của Bình Nhưỡng.

Hãng tin Reuters cho biết, Triều Tiên tuyên bố đã có thêm một vụ thử ICBM thành công vào hôm thứ Sáu và nói rằng vụ thử này đã chứng minh khả năng tấn công vào đại lục Mỹ. Trong vụ thử, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa Hwasong-14 về phía biển Nhật Bản.

Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện phản ứng giận dữ. Trong một loạt dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter, ông Trump đã chỉ trích mạnh Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đã không hành động đủ để kiềm chế Triều Tiên như những gì Mỹ mong muốn.

“Tôi rất thất vọng với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo ngốc nghếch trước đây của chúng ta đã cho phép họ kiếm hàng trăm tỷ USD mỗi năm từ thương mại, nhưng họ chẳng làm gì để giúp chúng ta về vấn đề Triều Tiên, ngoài nói suông. Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề này thật dễ dàng”, ông Trump viết hôm thứ Bảy.

“Chúng ta không thể để việc này tiếp diễn nữa”, ông Trump nói.

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley ngày Chủ nhật cũng viết trên Twitter rằng Mỹ đã “nói xong” về Triều Tiên, và vấn đề Triều Tiên “không chỉ là chuyện của Mỹ”.

“Trung Quốc phải hành động”, bà Haley nói, hối thúc Nhật Bản và Hàn Quốc gia tăng sức ép, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm giải pháp.

Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên, tuyên bố phản đối các vụ phóng tên lửa của nước này. Như thường lệ, Trung Quốc nói hành động này của Triều Tiên là sự vi phạm các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

“Ngoài ra, Trung Quốc hy vọng tất cả các bên hành động với sự thận trọng, nhằm ngăn căng thẳng leo thang”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố vào hôm thứ Bảy.

Đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát vụ thử ICMB diễn ra vào nửa đêm ngày thứ Sáu theo giờ địa phương. Sau vụ thử, ông Kim tuyên bố đây là một “lời cảnh báo nghiêm khắc” đối với Mỹ, rằng Mỹ sẽ không thoát khỏi sự hủy diệt nếu tìm cách tấn công Triều Tiên - theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA.

Những hình ảnh phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia của Triều Tiên cho thấy quả tên lửa được phóng lên không trung, trong khi ông Kim và các trợ lý vui mừng vỗ tay. Vụ thử diễn ra chỉ một ngày sau khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn một gói trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên, Nga và Iran, và chưa đầy một tháng sau một vụ thử ICBM khác của Triều Tiên. Vào hôm 3/7, Triều Tiên cũng đã phóng thử một quả Hwasong-14.

Lầu Năm Góc tuyên bố việc điều máy bay ném bom B-1B tới bán đảo Triều Tiên là sự đáp trả đối với hai vụ thử nói trên. Hai máy bay ném bom trên xuất phát từ căn cứ của Mỹ ở Guam, và được hộ tống bởi chiến đấu cơ của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong một diễn biến khác, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ cho biết nước này đã thực hiện một vụ thử thành công hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD. Trong vụ thử này, THAAD đã bắn hạ thành công một tên lửa tầm trung. THAAD là hệ thống được thiết kế nhằm bảo vệ Mỹ khỏi nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa từ những nước như Triều Tiên và Iran. Hiện Mỹ đã triển khai THAAD ở Hàn Quốc, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Theo KCNA, tên lửa Hwasong-14 được phóng thử hôm thứ Sáu đã đạt độ cao gần 3.725 km và bay 998 km trong vòng hơn 47 phút trước khi rơi xuống vùng biển phía Đông của bán đảo Triều Tiên.

Các chuyên gia phương Tây cho biết, theo tính toán dựa trên các dữ liệu thu thập được, quả tên lửa có khả năng bay tới tận những thành phố như Denver và Chicago của Mỹ. Chuyên gia David Wright thuộc tổ chức Union of Concerned Scientists có trụ sở ở Mỹ nói nếu được phóng ở góc chuẩn, quả tên lửa có thể bay 10.400 km.

Giới chuyên gia tình báo đã kết luận rằng ông Kim Jong Un sẽ không từ bỏ tham vọng chế tạo tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. “Ông Kim quyết tâm giành được công nhận quốc tế rằng Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân vì mục đích an ninh, danh tiếng và sự hợp pháp chính trị”, một báo cáo của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ hồi đầu năm nay nhận định.