15:48 06/02/2015

Mỹ muốn mở đại sứ quán ở Cuba trước tháng 4 tới

Diệp Vũ

Trong khi đó, Cuba đòi Washington trước tiên phải đưa nước này ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố

Quốc kỳ Cuba và Mỹ trên ban-công một khách sạn ở Havana ngày 19/1 - Ảnh: Reuters.
Quốc kỳ Cuba và Mỹ trên ban-công một khách sạn ở Havana ngày 19/1 - Ảnh: Reuters.
Mỹ đang thuyết phục Cuba cho phép mở đại sứ quán ở Havana trong thời gian từ nay đến tháng 4/2015, trong khi Cuba đòi Washington trước tiên phải đưa nước này ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố - Reuters dẫn nguồn tin là quan chức Mỹ cho hay.

Hãng tin này nói rằng, nếu Cuba từ chối cho Mỹ sớm mở đại sứ quán ở Havana lần đầu tiên trong nửa thế kỷ, thì cuộc đàm phán giữa hai cựu thù thời chiến tranh lạnh sẽ trở nên phức tạp. Lời từ chối của Cuba sẽ phản ánh sự thiếu niềm tin giữa hai nước trong lúc cả hai bên cùng tìm cách chấm dứt tình trạng đối đầu đã kéo dài hàng thập niên.

Hai quan chức Mỹ tiết lộ, việc xem xét đưa Cuba ra khỏi danh sách “tài trợ khủng bố” có thể phải kéo dài đến tháng 6 hoặc thậm chí lâu hơn, cho dù Nhà Trắng đang thúc giục các quan chức đẩy nhanh việc rà soát.

Washington muốn chính thức nối lại quan hệ ngoại giao với Havana trước khi diễn ra một hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Panama vào tháng 4.

Theo dự kiến, tại hội nghị này, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro sẽ có cuộc gặp đầu tiên kể từ năm 2013.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba đã công bố một thỏa thuận lịch sử vào hôm 17/12 về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Các nhà ngoại giao hai nước sẽ có vòng đàm phán thứ hai tại Washington trong tháng 2 này hoặc đầu tháng 3. Vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra ở Havana vào tháng 1.

Việc nối lại quan hệ ngoại giao có thể diễn ra nhanh chóng, nhưng quá trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước, bao gồm dỡ bỏ lệnh cấm vận mà Mỹ áp lên Cuba, sẽ mất nhiều thời gian.

Theo giới chức Mỹ, đến nay Cuba vẫn chưa coi việc Washington đưa Havana ra khỏi danh sách “tài trợ khủng bố” như một điều kiện để nối lại quan hệ. Nhưng Cuba đã nêu rõ trong vòng đàm phán đầu tiên rằng, nước này muốn được đưa ra khỏi bản danh sách. Đối với Cuba, việc được Mỹ đưa ra khỏi danh sách này sẽ là một chiến thắng về tuyên truyền cả trong và ngoài nước.

Washington đưa Cuba vào danh sách “tài trợ khủng bố” từ năm 1982. Hiện danh sách này bao gồm 4 quốc gia là Iran, Sudan, Syria và Cuba.

Danh sách các quốc gia tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố được Mỹ đưa ra kèm với lệnh trừng phạt kinh tế. Các công ty nước ngoài làm ăn với các quốc gia có tên trong danh sách có thể lĩnh án phạt từ Mỹ. Năm ngoái, ngân hàng Pháp BNP Paribas phải nộp phạt số tiền kỷ lục 8,9 tỷ USD cho nhà chức trách Mỹ sau khi bị cáo buộc có hành vi rửa tiền cho các quốc gia nằm trong bản danh sách.

Trong những năm gần đây, sự có mặt của Cuba trong danh sách này đã bị đặt dấu chấm hỏi.

Trong bản báo cáo thường niên mới nhất mang tên “Báo cáo quốc gia về chủ nghĩa khủng bố” (“Country Reports on Terrorism”), Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập đến việc Cuba ủng hộ cho nhóm ly khai ETA của xứ Basque và lực lượng du kích cánh tả FARC của Columbia.

Tuy vậy, do đã suy yếu đi nhiều trước sự trấn áp của cảnh sát Tây Ban Nha và Pháp, ETA đã kêu gọi ngừng bắn vào năm 2011 và cam kết giải trừ quân bị. FARC thì đã có các cuộc đàm phán hòa bình với Chính phủ Columbia trong 2 năm qua.

“Không có bằng chứng nào cho thấy Chính phủ Cuba cung cấp vũ khí hay đào tạo quân sự cho các nhóm khủng bố”, bản báo cáo trên viết.

Theo giới chức Mỹ, Nhà Trắng đã yêu cầu Bộ Ngoại giao rà soát lại việc đưa Cuba vào danh sách tài trợ khủng bố. Một quan chức an ninh quốc gia Mỹ cho hay, các cơ quan tình báo nước này đang chịu sức ép từ chính quyền Obama buộc họ phải hoàn thành vai trò của mình trong việc đưa Cuba ra khỏi danh sách này trong thời gian từ nay đến tháng 3.

“Công việc đang được tiến hành”, vị quan chức cho hay.