12:09 05/10/2017

Ngày càng khó mua nhà ở thành phố đáng sống nhất thế giới

Diệp Vũ

Tỷ lệ sở hữu nhà trong dân số trẻ của Australia đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy

Melbourne, thành phố đáng sống nhất thế giới.<br>
Melbourne, thành phố đáng sống nhất thế giới.<br>
Tỷ lệ sở hữu nhà trong dân số trẻ của Australia đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy, bởi giá bất động sản tăng chóng mặt đã khiến việc mua một căn nhà chỉ còn nằm trong khả năng của những người giàu có tại quốc gia này.

Được hậu thuẫn bởi lãi suất thấp kỷ lục, tình trạng thiếu nguồn cung nhà, và một hệ thống thuế ưu ái các nhà đầu tư địa ốc, giá nhà ở Australia đã tăng hơn 140% trong 15 năm qua, đưa Sydney vượt qua London và New York trở thành thành phố có giá nhà “chát” thứ nhì thế giới. Melbourne - thành phố được Economics Intelligence Unit (EIU) xếp hạng là thành phố đáng sống nhất thế giới suốt 7 năm qua - hiện là nơi đắt đỏ thứ 6 hành tinh để mua một căn nhà.

Như một kết quả tất yếu, tỷ lệ sở hữu nhà trong giới trẻ Australia đã sụt giảm: hiện chỉ có 45% thanh niên trong độ tuổi 25-34 ở nước này có nhà riêng, giảm 16 điểm phần trăm so với thập niên 1980. Cùng với đó, những khoản vay mua nhà chồng chất đã đẩy nợ của các hộ gia đình ở nước này lên mức cao kỷ lục. Ngày càng có nhiều người Australia đã về hưu mà vẫn chưa trả xong nợ mua nhà.

Theo một cuộc khảo sát của Đại học Quốc gia Australia, khoảng 90% người dân nước này lo ngại rằng thế hệ tương lai của họ sẽ không thể mua nổi nhà. Tại Sydney, giá nhà trung bình đã vượt qua nức 1 triệu Đôla Australia.

Trong khi đó, hiện có hơn 2 triệu người Australia, tương đương khoảng 8,3% dân số nước này, đang sở hữu ít nhất một khoản đầu tư bất động sản. 30% trong số họ sở hữu từ 2 căn nhà trở lên.

Nhiều người cho rằng, cuộc đấu đá chính trị căng thẳng giữa các đảng phái ở Australia trong suốt một thập kỷ qua, khiến những nỗ lực cải cách bị cản trở, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Chia rẽ chính trị đã khiến Australia thay đổi Thủ tướng 5 lần kể từ năm 2007 và không thể tập trung vào việc thảo luận chính sách. Ngoài ra, những nỗ lực cải cách đều vấp phải sự phản đối của các chính trị gia dân túy. Nhiều chính trị gia dạng này đã xoáy vào sự bất mãn của cử tri Australia đối với các chính trị gia dòng chính nhằm củng cố vị thế của họ trong Thượng viện.

Hồi tháng 5 năm nay, Chính phủ Australia đã vạch ra một loạt biện pháp nhằm hạ sốt bất động sản, bao gồm siết chặt quản lý tình trạng nhà đầu tư nước ngoài để nhà bỏ trống và miễn thuế cho những người tiết kiệm tiền để mua nhà lần đầu. Tuy nhiên, các biện pháp này bị đánh giá là hời hợt, thiếu triệt để.

Khác với Australia, nhiều quốc gia khác trên thế giới đã có những biện pháp mạnh tay hơn để kiểm soát tình trạng tăng giá nhà. Singapore đã tung ra những biện pháp cứng rắn, từ cấm những khoản vay mua nhà chỉ có lãi suất, cho tới đánh thuế tem, theo đó khiến giá nhà ở nước này giảm liền 3 năm. Tại Canada, giá nhà đã giảm mạnh ở Toronto sau khi thành phố này đưa ra nhiều biện pháp đồng loạt gồm đánh thuế 15% đối với khách mua nhà là người nước ngoài và kiểm soát giá thuê nhà.

Chương trình nhập cư của Australia cũng được xem là một nguyên nhân đẩy giá nhà ở nước này tăng cao. Từ năm 2006 đến nay, người nhập cư khiến dân số Australia tăng thêm khoảng 4 triệu, chủ yếu định cư ở những thành phố lớn, khiến nguồn cung nhà mới khó đáp ứng kịp.

Giá nhà cao dẫn tới tổn thất không nhỏ về mặt xã hội đối với xứ chuột túi. Người lao động với những nghề thu nhập từ thấp tới trung bình ở nước này như giáo viên, y tá… không thể tìm được nhà phù hợp với túi tiền gần nơi họ làm việc. Giới trẻ cũng phải sống chung với cha mẹ lâu hơn để tiết kiệm tiền mua nhà, dẫn tới trì hoãn kết hôn và sinh con.

“Bầu không khí ở Australia hiện giờ rất khác…Tôi chưa hề bắt gặp ở đâu bất kỳ sự phản kháng nào như vậy đối với quan niệm rằng ‘thế hệ thuê nhà’ là một sự thay đổi căn bản trong lịch sử”, giáo sư Richard Ronald thuộc Trung tâm Nghiên cứu đô thị, Đại học Amsterdam, nhận xét.