07:10 24/02/2015

Nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine

Diệp Vũ

“Nga vẫn không thay đổi”, Thủ tướng David Cameron phát biểu trước Quốc hội Anh

Một đoàn xe của lực lượng ly khai ở Donetsk, miền Đông Ukraine ngày 23/2/2015 - Ảnh: Reuters.
Một đoàn xe của lực lượng ly khai ở Donetsk, miền Đông Ukraine ngày 23/2/2015 - Ảnh: Reuters.
Chính phủ Ukraine hôm qua (23/2) cáo buộc lực lượng nổi dậy thân Nga nã rocket và đạn pháo vào một số ngôi làng ở miền Đông nước này. Những diễn biến mới nhất đặt lệnh ngừng bắn mới kéo dài được hơn một tuần ở miền Đông Ukraine trước nguy cơ đổ vỡ.

Theo tin từ Reuters, quân đội Ukraine nói không thể rút vũ khí khỏi các khu vực có giao tranh như nội dung của thỏa thuận ngừng bắn đã ký ở thủ đô Minks của Belarus chừng nào binh sỹ chính phủ vẫn tiếp tục bị lực lượng nổi dậy tấn công.

Từ đầu tháng tới nay, đồng nội tệ Hryvnia của Ukraine đã ở trong trạng thái gần như rơi tự do. Hôm qua, đồng tiền này mất giá thêm 10% trước lo ngại về thỏa thuận ngừng bắn có thể sụp đổ thêm lần nữa. Ngân hàng Trung ương Ukraine tuyên bố sẽ thắt chặt các quy định về tiền tệ để ngăn đà lao dốc của tỷ giá.

Thỏa thuận ngừng bắn cho miền Đông Ukraine đã được ký kết giữa Nga, Đức, Pháp và Ukraine vào hôm 11/2 và bắt đầu có hiệu lực từ hôm 15/2. Thỏa thuận này nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã khiến hơn 5.600 người thiệt mạng.

Tuy vậy, ngay từ ngày đầu được thực thi, thỏa thuận này đã liên tục bị vi phạm.

Hôm thứ Tư tuần trước, lực lượng nổi dậy phớt lờ lệnh ngừng bắn và chiếm thị trấn chiến lược Debaltseve. Việc mất Debaltseve vào tay quân ly khai được xem là một thất bại lớn đối với Kiev, làm dấy lên những lo ngại về khả năng thỏa thuận ngừng bắn lần này cũng sẽ sớm thất bại như thỏa thuận được ký kết hồi tháng 9/2014.

Sau khi Kiev mất Debaltseve vào tay quân ly khai, chiến sự có chiều hướng lắng xuống. Vào hôm thứ Bảy, quân đội chính phủ và lực lượng ly khai thậm chí còn trao đổi 200 tù binh, và vào ngày Chủ Nhật, hai bên nhất trí bắt đầu rút pháo khỏi khu vực giao tranh.

Tuy vậy, hôm qua, Kiev tuyên bố hai binh sỹ chính phủ đã thiệt mạng và 10 binh sỹ khác bị thương trong các cuộc giao tranh vào đêm trước. “Khi mà binh sỹ Ukraine tiếp tục bị nã pháo, thì chưa thể nói tới chuyện rút vũ khí”, phát ngôn viên quân đội Ukraine Vladislav Seleznyov nói.

Đại diện quân đội chính phủ Ukraine ở Mariupol cho biết, thành phố cảng chiến lược 500.000 dân này có thể sẽ là mục tiêu tấn công tiếp theo của quân nổi dậy. Theo đại diện này, vào trưa hôm qua theo giờ địa phương, quân nổi dậy đã nã rocket Grad và đạn pháo vào những khu làng gần thành phố.

Trong khi đó, chỉ huy quân nổi dậy Eduard Basurin phủ nhận những cáo buộc tấn công mà Kiev đưa ra. Ông Basurin nói, tình hình ở miền Đông Ukraine đang yên ổn. “Mọi thứ đang im ắng, chẳng có vụ nã đạn nào cả”, ông này nói với Reuters.

Phương Tây vẫn đang hy vọng thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine sẽ được cứu vãn nếu quân ly khai dừng chân sau khi đạt mục tiêu chiếm Debaltseve vào tuần trước. Hôm nay, ngoại trưởng các nước Pháp, Đức, Nga và Ukraine sẽ có cuộc gặp ở Paris nhằm đưa thỏa thuận hòa bình đi đúng hướng - theo một nguồn tin ngoại giao Pháp.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Đức, người đi đầu trong nỗ lực thiết lập thỏa thuận ngừng bắn cho miền Đông Ukraine, nhấn mạnh rằng, rõ ràng thỏa thuận này đang không được thực thi. Thủ tướng Anh David Cameron thì nói, bất kỳ nỗ lực mở rộng lãnh thổ chiếm đóng nào tiếp theo của quân ly khai cũng phải được đáp trả bằng lệnh trừng phạt bổ sung lên Nga.

“Nga vẫn không thay đổi. Những hành động hoàn toàn phi nghĩa và phi pháp của Nga ở miền Đông Ukraine đã đạt đến một mức mới. Quân ly khai đang vi phạm nghiêm trọng lệnh ngừng bắn”, ông Cameron phát biểu trước Quốc hội Anh.

Trong một chương trình phỏng vấn trên truyền hình Nga hôm qua, Tổng thống nước này Vladimir Putin nói, một cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine là “không có khả năng” xảy ra. Ông Putin cũng nhấn mạnh, sự hậu thuẫn của ông đối với thỏa thuận ngừng bắn Minsk là cách tốt nhất để ổn định tình hình ở miền Đông Ukraine.

Khi được hỏi, liệu có nguy cơ nổ ra chiến tranh hay không, ông Putin nói “kịch bản thảm họa như vậy là không có khả năng, và tôi hy vọng điều đó không bao giờ xảy ra”.

Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Douglas Lute cũng nói còn quá sớm để “từ bỏ hy vọng” về thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine.

Tuy vậy, đã có những dấu hiệu cho thấy thỏa thuận đạt được vào cuối năm ngoái nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt từ Nga sang Ukraine đang gặp trở ngại. Tuần trước, Kiev cắt nguồn cung khí đốt cho các khu vực do quân ly khai chiếm giữ và Moscow tuyên bố sẽ cung cấp trực tiếp khí đốt cho quân nổi dậy. Hôm qua, công ty khí đốt của Ukraine tuyên bố Nga đã không cung cấp một phần khí đốt mà Kiev đã thanh toán tiền trước.