08:19 23/07/2012

Nhà đầu tư châu Á cần lưu ý những gì trong tuần này?

Phong Vũ

Những loại chứng khoán châu Á đang hấp dẫn nhất toàn cầu, xu hướng giá vàng khó lường, giá năng lượng đang tăng trở lại

Sẽ không có gì ngạc nhiên khi giá vàng tuần tới sẽ duy trì trong biên độ hiện tại là từ 1.550 - 1.600 USD/ounce, với ngưỡng hỗ trợ cao nhất là 1.525 USD.
Sẽ không có gì ngạc nhiên khi giá vàng tuần tới sẽ duy trì trong biên độ hiện tại là từ 1.550 - 1.600 USD/ounce, với ngưỡng hỗ trợ cao nhất là 1.525 USD.
Chứng khoán khu vực Đông Nam Á được đánh giá là có mức sinh lời cao và độ biến động thấp; Khủng hoảng châu Âu sẽ xoay quanh vấn đề tài chính của Tây Ban Nha; Giá vàng được dự báo tăng... là những vấn đề đáng lưu ý.

Tây Ban Nha trở thành tâm bão mới

Cuối tuần trước, các bộ trưởng bộ tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã thông qua thỏa thuận cho Tây Ban Nha vay 100 tỷ Euro để tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng nước này. Để nhận được số tiền vay mượn thực tế, Tây Ban Nha sẽ phải trải qua một kỳ sát hạch kỹ lưỡng. Dự kiến 14 tập đoàn ngân hàng cấu thành nên 90% hệ thống ngân hàng nước này sẽ bị thanh tra.

Mặc dù đây là thông tin tốt, song điều này lại làm dấy lên những đồn đoán rằng, nền kinh tế lớn thứ 4 Khu vực đồng tiền chung sẽ phải chìa tay xin cứu trợ nhiều hơn, và không dừng lại ở hệ thống ngân hàng mà còn có thể mở rộng ra toàn bộ nền kinh tế. Thị trường chứng khoán Tây Ban Nha đã lao dốc gần 6% trong phiên cuối tuần, còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm vượt 7,28%.

Nguy cơ kinh tế Tây Ban Nha trở nên đe dọa hơn khi đầu tuần qua, hôm 18/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng Euro đã sang giai đoạn nguy hiểm, do dấu hiệu căng thẳng trên các thị trường tài chính đã lên đến độ gay gắt mới. Theo đó, các nước thành viên cần có hành động quyết định trong việc thiết lập các liên minh tài chính, ngân hàng.

Phó giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế phụ trách khu vực châu Âu, Mahmood Pradhan cho rằng, ưu tiên hiện nay của Khu vực đồng Euro là thiết lập liên minh ngân hàng, thúc đẩy nhịp độ hòa nhập tài chính ngăn suy giảm lòng tin lan rộng trong khu vực, giảm phí vay nợ cho các nước đang chịu sức ép thị trường nghiêm trọng và giảm nguy cơ lây nhiễm căng thẳng tài chính toàn khu vực.

Phiên giao dịch cuối tuần qua, các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ chìm trong sắc đỏ. Mức giảm trung bình của các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ là 1%, còn mức giảm trung bình của ba thị trường chứng khoán lớn ở châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức là 1,4%. Điều này dự kiến sẽ tác động xấu tới kết quả giao dịch trên các sàn chứng khoán châu Á phiên sáng nay.

Chứng khoán Đông Nam Á hấp dẫn

Theo bảng xếp hạng tỷ suất sinh lời phi rủi ro của hãng tin tài chính Bloomberg, chứng khoán Đông Nam Á đang mang lại mức sinh lời cao nhất cho toàn bộ châu lực, kể từ khi phục hồi sau khủng hoảng năm 1997 tới nay. Trong đó, các chỉ số của Philippines, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Singapore có mức sinh lời cao nhất, với hơn 100 tỷ USD trong vòng 3 năm qua (tính đến 17/7).

Tất cả các chỉ số của 5 thị trường này đều vượt chỉ số MSCI World Index của các thị trường phát triển về tỷ suất sinh lời đã được điều chỉnh rủi ro. Trong đó, 4 chỉ số của Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines cũng đứng đầu bảng xếp hạng tỷ suất sinh lời phi rủi ro trong vòng 5 năm qua, với việc Malaysia có mức độ biến động thấp nhất và Philippines có mức biến động thấp thứ 4.

Theo đánh giá của giới phân tích, nhà đầu tư sở dĩ đổ tiền vào các thị trường Đông Nam Á vì đây là nơi họ có thể tìm thấy những công ty có chất lượng tốt nhất với mức giá cổ phiếu hấp dẫn nhất. Thêm vào đó, các thị trường chứng khoán Đông Nam Á thường có tính phòng thủ cao và nhờ vào các động lực trong nước. Dự kiến, xu hướng đầu tư trên sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nền kinh tế Đông Nam Á cũng góp phần giúp chứng khoán khu vực này tăng điểm tốt hơn. Chỉ số MSCI Đông Nam Á đã tăng 13% kể từ đầu năm tới nay, trong đó bao gồm cả cổ tức và đã tăng gấp đôi so với thời điểm 2008. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng tăng 3,8% trong năm 2012 và 43% so với cuối 2008.

Theo báo cáo đưa ra hồi tháng 4/2012, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo 5 nền kinh tế Đông Nam Á gồm Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam cùng với Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vượt mặt các nước còn lại trên thế giới trong vòng 2 năm tới. IMF dự báo 5 quốc gia ASEAN sẽ tăng trưởng 6,2% trong 2013, cao hơn mức 2,4% của Mỹ, 0,9% của Khu vực đồng tiền chung.

Cũng liên quan tới chứng khoán, hãng UBS AG đã công bố 20 cổ phiếu hấp dẫn nhất toàn cầu, trong đó có tới hơn một nửa thuộc về các doanh nghiệp châu Á, như Lenovo, ZTE, Haier, Geely Auto (Trung Quốc); TTK Prestige, Hero MotoCorp (Ấn Độ); Astra Intl, MNCN (Indonesia); Samsung (Hàn Quốc); Puregold (Philippines); Nikon (Nhật) và Robinson Dept Store (Thái Lan).

Vàng khó tìm hướng, dầu đang tăng

Phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng giao tháng 8 trên sàn Comex giảm 0,58% xuống đóng cửa ở mức 1.582,8 USD/ounce. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận của Kitco với 22 chuyên gia phân tích, thương nhân và nhà đầu tư về xu hướng giá vàng trong tuần này từ ngày 23 – 27/7, thì vẫn có tới 10 người dự báo giá tăng, 6 người cho rằng sẽ giảm và 6 người đưa ra ý kiến trung lập.

Những chuyên gia ủng hộ xu hướng đi lên trong ngắn hạn của kim loại quý nhận định rằng, giá hàng hóa cơ bản như dầu và ngũ cốc tăng lên sẽ làm tăng nhu cầu sở hữu hàng hóa và tác động tích cực tới giá vàng. Trong tuần qua, sức nóng do hạn hán ở một nửa nước Mỹ đã lan tỏa lên thị trường hàng hóa kỳ hạn, khiến giá ngô và đậu tương đã leo lên mức cao chưa từng có trong lịch sử.

Trong khi đó, những người có quan điểm rằng giá vàng sẽ đi xuống lại cho rằng, mối quan ngại của các thị trường và nhà đầu tư về tình hình kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên nhu cầu các tài sản rủi ro, trong đó có vàng. Ngoài ra, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn chỉ “hứa” một chương trình kích thích kinh tế mới sẽ khiến cho nhà đầu tư thiếu niềm tin.

Kitco bình luận, kết quả cuộc thăm dò trên đã cho thấy sự "lửng lơ" trong quan điểm của giới quan sát nói chung về xu hướng giá vàng tuần tới. Nhiều nhà phân tích cho rằng, quy luật ít biến động giá vàng mùa hè đang chi phối thị trường, sẽ không có gì ngạc nhiên khi giá vàng tuần tới sẽ duy trì trong biên độ hiện tại là từ 1.550 - 1.600 USD/ounce, với ngưỡng hỗ trợ cao nhất là 1.525 USD.

Trên thị trường dầu thô, mặc dù phiên cuối tuần, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 8 giảm 1,3% xuống 91,44 USD/thùng. Song với 7 phiên tăng giá liên tiếp trước đó, tính chung cả tuần, giá dầu kỳ hạn tăng tổng cộng 5%, đánh dấu tuần tăng giá thứ hai liên tiếp. Giá xăng trong tuần tăng 4,5%, đánh dấu tuần tăng thứ 4 liên tiếp, còn dầu sưởi tăng 4,9 trong tuần và là tuần tăng thứ hai liên tục.

Theo các nhà phân tích, ba nhân tố hàng đầu quyết định sự biến động của giá dầu thế giới hiện nay là cung-cầu, chênh lệch lãi sản xuất giữa các loại dầu thô tiêu chuẩn; căng thẳng địa chính trị và các sự kiện. Những lo ngại mới về khủng hoảng nợ của châu Âu đang tác động mạnh đến cả thị trường và giá dầu. Nếu xu thế này tiếp diễn, nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ giảm khiến giá dầu cũng giảm.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Kent Moors, nhà phân tích thị trường dầu khí quốc tế hàng đầu ở Mỹ, thị trường năng lượng không chỉ bị chi phối bởi người tiêu dùng Bắc Mỹ hoặc Tây Âu mà còn cả thế giới đang phát triển và các thị trường mới nổi. Nhu cầu về dầu mỏ vẫn đang tăng nhanh hơn dự báo. Về căng thẳng địa chính trị, vấn đề Iran vẫn là nhân tố then chốt để đẩy giá dầu quốc tế tăng mạnh.

* Sáng thứ hai hàng tuần, chuyên mục Thế giới của VnEconomy sẽ điểm lại những sự kiện quốc tế quan trọng trong tuần trước và dự kiến có ảnh hưởng tới diễn biến giao dịch hàng hóa quốc tế trong tuần kế tiếp. Chúng tôi rất mong nhận được góp ý của quý độc giả.