10:18 05/09/2016

Những chủ đề “nóng” tại thượng đỉnh G20

Bình Minh

Tổng thống Mỹ đã hối thúc Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý đối với các khu vực tranh chấp trên biển Đông

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) lắng nghe khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hàng Châu, Trung Quốc ngày 4/9 - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) lắng nghe khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hàng Châu, Trung Quốc ngày 4/9 - Ảnh: Reuters.<br>
Nền kinh tế toàn cầu đang “ở trong một giai đoạn quan trọng”, với nhu cầu giảm sút, các thị trường tài chính biến động, thương mại và đầu tư cùng đi xuống - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20 (20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) tại Hàng Châu, Trung Quốc ngày 4/9.

Theo tin từ Reuters, lời cảnh báo trên được ông Tập đưa ra sau một cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Barack Obama - cuộc gặp ông Obama miêu tả là “cực kỳ hiệu quả”, nhưng không thể đưa hai bên xích lại gần nhau hơn trong những vấn đề gai góc như căng thẳng trên biển Đông.

Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này diễn ra sau khi cử tri Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) hồi tháng 6 và trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11. Với bối cảnh như vậy, giới quan sát kỳ vọng các nhà lãnh đạo G20 bày tỏ quan điểm bảo vệ thương mại tự do và toàn cầu hóa.

Tại lễ khai mạc, ông Tập nói rằng nền kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa bởi sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và rủi ro xuất phát từ những thị trường tài chính có mức độ vay nợ cao.

“Đầu tàu tăng trưởng từ giai đoạn tiến bộ công nghệ trước đây đang giảm dần, trong khi một giai đoạn mới về cách mạng công nghệ và công nghiệp chưa tạo được động lực”, ông Tập nói.

Theo Phó chánh thư ký Nội các Nhật Bản Koichi Hagiuda, dự kiến khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày, các nước G20 sẽ nhất trí về một thông cáo chung với nội dung rằng tất cả các biện pháp chính sách - bao gồm biện pháp tiền tệ, tài khóa, và cả cải cách cơ cấu - cần phải được sử dụng để đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững.

Bất đồng và đối thoại

Chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi các nước G20 hành động đúng như cam kết. “Chúng ta cần đưa nhóm G20 trở thành một nhóm hành động, thay vì một diễn đàn chỉ để nói chuyện”, ông nói.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo G20 đã bắt đầu vẽ nên chiến tuyến trong bất đồng về hàng loạt vấn đề, từ thương mại và đầu tư tới chính sách thuế và sự dư thừa công suất công nghiệp.

Hôm Chủ Nhật, ông Tập đã có cuộc gặp với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Trong cuộc gặp, ông Tập nói với ông Turnbull rằng Trung Quốc hy vọng Australia sẽ tiếp tục tạo ra một môi trường chính sách bình đẳng, minh bạch, và dễ đoán cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Gần đây, Trung Quốc đã nổi giận khi Australia chặn thương vụ bán lưới điện lớn nhất nước này Ausgrid cho nhà đầu tư Trung Quốc với giá khoảng 7,7 tỷ USD. Trung Quốc cũng cáo buộc Australia có tinh thần bảo hộ khi chặn thương vụ Ausgrid cũng như không cho công ty Trung Quốc mua lại công ty chăn thả gia súc Kidman & Co. của Australia trước đó.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng chỉ trích Australia - một đồng minh thân cận của Mỹ, về việc nước này thực hiện các chuyến bay trinh sát trên khu vực có tranh chấp ở biển Đông.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nói Trung Quốc cần thiết lập một cơ chế để giải quyết vấn đề dư thừa sản lượng công nghiệp. Ông Juncker nói việc ngành thép châu Âu mất nhiều việc làm trong những năm gần đây do thép giá rẻ từ Trung Quốc là điều “không thể chấp nhận được”.

“Dư thừa công suất là một vấn đề toàn cầu, nhưng nhân tố Trung Quốc giữ vai trò đặc biệt trong đó”, ông Juncker nói trong một cuộc họp báo.

Tương lai của nước Anh hậu sự kiện Brexit cũng là một chủ đề được thảo luận tại thượng đỉnh G20 lần này.

Tổng thống Mỹ Obama trấn an Thủ tướng Anh Theresa May rằng Mỹ, đồng minh thân cận nhất của London về chính trị, thương mại, và quân sự, sẽ ở bên nước Anh. Tuy nhiên, Obama vẫn giữ lập trường rằng Brexit là một sai lầm và Anh sẽ phải “xếp hàng” chờ tới lượt đạt một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ.

Về phần mình, Chủ tịch EC Juncker nói nếu Anh muốn tiếp cận với thị trường chung của EU, nước này phải tôn trọng các nguyên tắc của khối này.

Trong khi đó, Thủ tướng Australia Turnbull nói nước này muốn sớm có một thỏa thuận tự do thương mại với Anh để hai bên có thể tiếp tục tiếp cận với thị trường mở của nhau sau khi Anhh chính thức rời EU.

Cuộc gặp Obama - Tập Cận Bình

Cuộc gặp giữa ông Obama và ông Tập tại Hàng Châu đã diễn ra vào ngày thứ Bảy. Trong cuộc gặp, Tổng thống Mỹ đã hối thúc Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý đối với các khu vực tranh chấp trên biển Đông, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Mỹ với các đồng minh trong khu vực.

Về phần mình, ông Tập nói Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền và các quyền hàng hải của Trung Quốc trên biển Đông.

Tuy nhiên, trên cương vị nước chủ nhà của thượng đỉnh G20 lần này, Trung Quốc muốn tập trung vào các vấn đề kinh tế và không để các tranh chấp khác phủ bóng lên hội nghị.

Theo một tài liệu về quan hệ Trung-Mỹ được Trung Quốc đưa ra ngày Chủ Nhật, hai bên đã nhất trí về nhiều vấn đề, bao gồm tránh phá giá tiền tệ cạnh tranh và không hạn chế cơ hội đối với các nhà cung cấp công nghệ thông tin và viễn thông nước ngoài.

Đối với ông Obama, người chỉ còn 5 tháng trên cương vị ông chủ Nhà Trắng, hội nghị thượng đỉnh G20 lần này gần như là một cơ hội cuối cùng, để ông nhấn mạnh sự dịch chuyển chính sách của Mỹ về phía châu Á-Thái Bình Dương.

Tại Hàng Châu, nơi diễn ra hội nghị, an ninh đã được thắt chặt đến mức, nhiều phần của đô thị 9 triệu dân này gần như biến thành một “thành phố ma”.