08:42 23/02/2017

Phát hiện 7 hành tinh mới có thể có sự sống

Bình Minh

“Phát hiện này cho chúng ta thấy rằng tìm thấy một Trái Đất thứ hai chỉ còn là vấn đề thời gian”

Hình minh họa của NASA về 7 hành tinh thuộc hệ TRAPPIST-1 (hàng trên) và 4 trong số các hành tinh thuộc hệ Mặt Trời gồm sao Thủy, sao Kim, Trái Đất, và sao Hỏa (hàng dưới).<br>
Hình minh họa của NASA về 7 hành tinh thuộc hệ TRAPPIST-1 (hàng trên) và 4 trong số các hành tinh thuộc hệ Mặt Trời gồm sao Thủy, sao Kim, Trái Đất, và sao Hỏa (hàng dưới).<br>
Các nhà thiên văn học đã phát hiện thấy một hệ hành tinh mới không xa Trái Đất, bao gồm 7 hành tinh có kích thước tương tự Trái Đất, trong đó có 3 hành tinh quanh xung quanh ngôi sao mẹ với khoảng cách phù hợp để có nước chảy trên bề mặt. Phát hiện này làm gia tăng khả năng tìm thấy sự sống ngoài Trái Đất.

Hãng tin Reuters cho biết, phát hiện trên là kết quả của một nghiên cứu được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố ngày 22/2. Ngôi sao được đặt tên TRAPPIST-1 là một thiên thể nhỏ, sáng mờ thuộc chòm sao Bảo Bình. Ngôi sao này nằm cách Trái Đất 40 năm ánh sáng, một khoảng cách gần theo chuẩn thiên văn học, nhưng tương đương 40 triệu năm di chuyển với tốc độ trung bình của một máy bay thương mại chở khách.

Các nhà nghiên cứu nói khoảng cách khá gần của hệ hành tinh trên với Trái Đất, cộng thêm kích thước tương đối lớn của các hành tinh trong hệ so với ngôi sao mẹ, khiến hệ này trở thành một mục tiêu tốt cho các nghiên cứu tiếp theo. Họ hy vọng sẽ rà soát bầu khí quyển của các hành tinh để tìm dấu vết của sự sống.

“Phát hiện này cho chúng ta thấy rằng tìm thấy một Trái Đất thứ hai chỉ còn là vấn đề thời gian”, nhà khoa học đứng đầu bộ phận nghiên cứu của NASA, ông Thomas Zurbuchen, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 22/2.

Phát hiện về hệ hành tinh mới được dựa trên nghiên cứu trước đó về 3 hành tinh quay quanh sao TRAPPIST-1. Đây là 3 trong số 3.500 hành tinh đã được tìm thấy ngoài hệ Mặt Trời.

“Đây là lần đầu tiên có nhiều hành tinh có kích thước như Trái Đất được tìm thấy xung quanh cùng một ngôi sao”, nhà nghiên cứu Michael Gillon thuộc Đại học Liege của Bỉ cho biết.

Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã tập trung vào việc phát hiện những hành tinh có kích thước tương tự Trái Đất với nhiệt độ phù hợp để nước có thể chảy trên bề mặt - một điều kiện được cho là cần thiết cho sự sống.

“Tôi cho rằng chúng tôi đã đạt được một bước tiến quan trọng trong việc tìm ra sự sống ngoài Trái Đất”, nhà thiên văn học Amaury Triaud thuộc Đại học Cambridge phát biểu.

Đường kính của sao TRAPPIST-1 bằng khoảng 8% so với đường kính của Mặt Trời. Bởi vậy, các hành tinh có kích thước bằng Trái Đất trông lớn khi quay quanh ngôi sao này.

Do sao TRAPPIST-1 có kích thước nhỏ và là một ngôi sao lạnh, vùng có thể có sự sống nằm rất gần ngôi sao. 3 hành tinh trong số 7 hành tinh được phát hiện quay quanh sao này có điều kiện tốt để có nước chảy trên bề mặt, nhà nghiên cứu Gillon cho hay.

“Chúng tạo thành một hệ rất gọn. Trên đó có thể có nước chảy và cả sự sống”, ông Gillon nói với các nhà báo.

Cho dù hiện tại chưa có sự sống trên các hành tinh mới được phát hiện, thì sự sống vẫn có thể tiến hóa trên các hành tinh này. Sao TRAPPIST-1 hiện ít nhất đã 500 triệu năm tuổi, nhưng được ước tính có tuổi thọ lên tới 10 nghìn tỷ năm. Trong khi đó, Mặt Trời được cho là đã đi được nửa chặng đường trong tuổi thọ ước tính 10 tỷ năm.

Trong một bài viết trên tạp chí Nature, nhà thiên văn học Ignas Snellen thuộc Đài quan sát Leiden của Hà Lan nói rằng sau vài tỷ năm nữa, khi Mặt Trời hết năng lượng và hệ Mặt Trời không còn tồn tại, thì sao TRAPPIST-1 vẫn chỉ là một ngôi sao trẻ.

“Ngôi sao này đốt khí hydro rất chậm nên có thể tồn tại thêm 10 nghìn tỷ năm nữa”, ông Snellen viết. “Thời gian này đủ để sự sống có thể tiến hóa”.