11:23 12/11/2015

Quân đội Myanmar sẵn sàng hợp tác với Aung San Suu Kyi

An Huy

Miễn là đảng của bà Suu Kyi xem quân đội là một đối tác, “thì sẽ không có vấn đề gì”

Chính trị gia dân chủ Aung San Suu Kyi của Myanmar - Ảnh: Bloomberg.<br>
Chính trị gia dân chủ Aung San Suu Kyi của Myanmar - Ảnh: Bloomberg.<br>
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing tôn trọng kết quả cuộc bầu cử vừa diễn ra ở nước này và sẵn sàng hợp tác với một chính phủ mới do Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi dẫn đầu - hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức cấp cao của Chính phủ Myanmar cho hay.

“Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang đã nói rằng ông ấy sẽ chấp nhận quyết định của nhân dân Myanmar và sẽ hợp tác với một chính phủ mới”, Bộ trưởng Bộ Thông tin Myanmar, ông Ye Htut, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ tính đến thời điểm hiện tại tiếp tục cho thấy NLD thắng áp đảo Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang (USDP) cầm quyền - nhánh chính trị của quân đội Myanmar.

Việc ông Aung Hlaing chấp nhận kết quả này có thể sẽ giúp trấn an NLD vốn đang lo ngại sự lặp lại của những gì đã diễn ra trong cuộc bầu cử hiện đại đầu tiên ở Myanmar vào năm 1990. Trong cuộc bầu cử năm đó, NLD cũng giành thắng lợi áp đảo, nhưng các tướng lĩnh quân đội cầm quyền đã không chấp nhận kết quả. Khi đó, bà Suu Kyi thắng cho dù bà đang bị quản thúc tại gia.

Sau cuộc bầu cử vừa qua, NLD đang nắm trong tay khả năng phá vỡ sự kiểm soát trực tiếp của quân đội Myanmar đối với chính phủ nước này. Trong bối cảnh như vậy, kết quả bầu cử được xem là “bài kiểm tra” lớn nhất từ trước đến nay về việc liệu quân đội Myanmar sẵn sàng từ bỏ ảnh hưởng tới mức nào sau nửa thập kỷ nắm quyền.

Cho dù một chính phủ của NLD được lập ra, thì theo quy định của Hiến pháp, hệ thống chính trị ở Myanmar vẫn sẽ bảo vệ các lợi ích của quân đội. Những bộ chủ chốt như quốc phòng và nội vụ vẫn sẽ do quân đội nắm giữ, đồng thời 25% số ghế trong quốc hội vẫn phải dành cho quân đội. Ngoài ra, quân đội Myanmar cũng sẽ tiếp tục kiểm soát những ngành “béo bở” của nền kinh tế như khai mỏ đá quý.

Miễn là NLD xem quân đội là một đối tác, “thì sẽ không có vấn đề gì”, ông Ye Htut cho hay.

Trước đó, Tổng thống Myanmar Thein Sein, người nguyên là một vị tướng quân đội, nói chính phủ của ông công nhận kết quả bầu cử và sẵn sàng gặp bà Suu Kyi sau khi kết quả chính thức được công bố.

Vào hôm thứ Tư tuần này, bà Suu Kyi đã gửi thư tới ông Thein Sein và ông Aung Hlaing đề nghị tổ chức một cuộc gặp nhằm bàn về hòa giải dân tộc. “Người dân đã bày tỏ quan điểm của họ. Điều quan trọng là thực thi ý chí của nhân dân theo một cách hòa bình vì lợi ích của đất nước”, bà Suu Kyi viết trong lá thư.

Giới đầu tư hy vọng một chính phủ của NLD sẽ mở rộng hơn nữa cánh cửa của nền kinh tế Myanmar.

Đến nay, Chính phủ Myanmar đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào những ngành như thăm dò năng lượng, ngân hàng và viễn thông. Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Myanmar tăng lên mức 8,1 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào các ngành cơ sở hạ tầng và sản xuất chi phí thấp.

Mức vốn này tăng gấp 20 lần so với mức vốn FDI mà Myamar thu hút được vào năm 2010. Từ năm 2010 đến nay, nền kinh tế Myanmar tăng trưởng bình quân hơn 7% mỗi năm.