11:44 27/07/2011

Quốc hội Mỹ giằng co về nợ công

Hồng Ngọc

Mâu thuẫn giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa chưa giảm bớt, khi mà đảng nào cũng cho rằng kế hoạch của mình là tốt hơn

Hạn chót nâng trần nợ công của Mỹ đang ngày càng tiến sát.
Hạn chót nâng trần nợ công của Mỹ đang ngày càng tiến sát.
Hãng tin AP dẫn nguồn tin Nhà Trắng hôm 26/7 cho biết, Chính phủ Mỹ đang xúc tiến đàm phán với kịch bản các nghị sĩ phá được thế bế tắc hiện tại về vấn đề nâng mức trần nợ công và tránh được cảnh vỡ nợ cho nền kinh tế.

Nhà Trắng ủng hộ kế hoạch của lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng viện, Harry Reid, theo đó cắt giảm thâm hụt ngân sách 2.700 tỷ USD trong vòng 10 năm và tăng mức trần nợ công thêm 2.400 tỷ USD, trong đó bao gồm cả khoản vay của Chính phủ Mỹ sau cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2012.

Kế hoạch mới trên thực tế là sự bác bỏ những đề xuất của Chủ tịch Hạ viện John Boehner, thành viên Đảng Cộng hòa, trong đó đề xuất nâng trần giới hạn vay nợ của Chính phủ Mỹ thêm 1.000 tỷ USD từ nay đến cuối năm, không đủ để Chính phủ có thể chi tiêu qua mùa bầu cử 2012.

Như vậy, xem ra mâu thuẫn giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa không có dấu hiệu giảm bớt, khi mà đảng nào cũng tự cho rằng kế hoạch của mình là sự chọn lựa tốt hơn, trong bối cảnh hạn chót nâng trần nợ công vào ngày 2/8 đang tiến tới gần.

Mâu thuẫn giữa hai bên còn rõ ràng hơn khi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Hạ viện John Boehner mới đây trong tuyên bố của mình, đã đổ lỗi cho nhau về sự bế tắc trong các cuộc đàm phán giải quyết nguy cơ khủng hoảng nợ liên bang.

Ông Obama lên án quan điểm của phe Cộng hòa muốn cắt giảm mạnh ngân sách và cảnh báo về một hậu quả "nghiêm trọng" nếu Quốc hội không nâng trần nợ lên trước hạn chót 2/8. Trong khi, ông Boehner cáo buộc Tổng thống đi tìm tấm "séc khống".

Việc bỏ phiếu để nâng giới hạn nợ của từ trước tới nay là việc thường xuyên trong Quốc hội Mỹ, nhưng năm nay, Đảng Cộng hòa đang chiếm ưu thế tại Hạ viện đã từ chối không đồng ý cho tăng nợ mà không giảm mạnh thâm hụt ngân sách.

Thực tế là, trong đàm phán giữa nghị sỹ hai đảng, vấn đề trở ngại chính là việc Đảng Cộng hòa phản đối tăng thuế, trong khi Đảng Dân chủ muốn giữ các chương trình xã hội cho người nghèo, người cao tuổi và một chương trình hưu trí công.

Trong bài diễn văn truyền hình trực tiếp sáng 26/7 (theo giờ Việt Nam), ông Obama nói, "các nghị sỹ Cộng hòa cho biết, cách duy nhất để họ bỏ phiếu ngăn việc Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, là chỉ khi chúng ta đồng ý với biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu mà họ đề xuất "

Tổng thống nhắc lại lời kêu gọi của mình cho một "cách tiếp cận cân bằng", dựa vào sự kết hợp vừa cắt giảm chi tiêu và vừa tăng thuế đối với người giàu.

Ông nói, "hầu hết người Mỹ, không phân biệt đảng phái chính trị, không thể hiểu nổi làm sao lại đi đòi một người cao tuổi phải trả thêm tiền cho y tế trước khi tìm đến người sở hữu máy bay và hãng dầu mỏ để yêu cầu họ bỏ quyền được giảm thuế”.

Ông Obama cũng bác bỏ đề xuất tạm thời nâng trần nợ công trong một thời gian của phe Cộng hòa vì cho rằng, mức trần nợ công nếu chỉ được nâng tạm thời thì vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết.

Phản hồi lại ngay sau bài phát biểu của tổng thống, Chủ tịch Hạ viện Boehner khẳng định thực trạng “vung tay quá trán” của Chính phủ Mỹ đã đến hồi kết. Ông cho rằng, Tổng thống có lỗi trong cuộc khủng hoảng hiện nay và sẽ là vô trách nhiệm nếu phủ quyết kế hoạch nâng trần nợ công tạm thời của phe Cộng hòa.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng cảnh báo, việc làm và tiền tiết kiệm của phần đông người dân Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu Washington lần đầu tiên trong lịch sử không thể thanh toán được các khoản nợ quốc gia.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích lại cho rằng, rắc rối nợ công của Mỹ có liên quan trực tiếp tới cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2012.

Theo lý lẽ này, Tổng thống Obama muốn thời gian nâng trần nợ công để không làm ảnh hưởng đến chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông; trong khi phe Cộng hòa lại muốn biến vấn đề này thành một rào cản trên con đường tìm kiếm nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của ông Obama.

Theo đánh giá của hãng tin Reuters, bài phát biểu hôm 26/7 của ông Obama là thông điệp trực tiếp gửi tới các cử tri, đặc biệt là các cử tri độc lập, chứ không phải là thông điệp trấn an nhà đầu tư trên các thị trường tài chính.

Tuy nhiên, cho dù vì mục đích gì, thì nếu hạn mức vay nợ không được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính Mỹ có khả năng sẽ không còn đủ tiền để thanh toán các khoản nợ nần, khiến lãi suất tăng cao và đe dọa cả nền kinh tế Mỹ, lẫn sự phục hồi kinh tế trên thế giới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi các nghị sĩ Mỹ nâng mức trần nợ công để tránh gây ra "một cú sốc nghiêm trọng" cho nền kinh tế Mỹ và các thị trường tài chính thế giới. Ban Giám đốc IMF cũng kêu gọi nhà chức trách Mỹ cắt giảm chi tiêu từng bước để tránh bị đánh tụt hạng tín nhiệm tài chính.

Phát biểu tại Hội đồng Đối ngoại của Mỹ ở New York hôm 26/7, tân Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde nhấn mạnh, các nghị sỹ Quốc hội Mỹ và Tổng thống Obama cần phải đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt để nâng mức trần vay nợ của Mỹ.

Bà Christine Lagarde cho rằng, nước Mỹ bị vỡ nợ sẽ là một sự kiện hết sức nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đối với nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tới kinh tế thế giới. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo việc cắt giảm chi tiêu quá mạnh và vội vã có thể làm ảnh hưởng quá trình hồi phục việc làm ở Mỹ.

Tổng giám đốc IMF cho rằng, nợ công ở Mỹ hay bất cứ nơi nào, chỉ là 1 trong 3 vấn đề chính mà các nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt. Bà Lagarde thúc giục Mỹ hãy thể hiện sự can đảm giống như các nhà lãnh đạo châu Âu đã cam kết vào cuối tuần trước, nhằm giải quyết khủng hoảng nợ ở Hy Lạp.

Cùng quan điểm với nữ Tổng giám đốc IMF, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair ngày 26/7 nhận định, nền kinh tế thế giới đang trải qua những giờ phút hồi hộp và lo lắng, đồng thời bày tỏ hi vọng Mỹ sẽ đạt được một thỏa thuận về vấn đề nợ công.

Trong một diễn biến khác, Charles Plosser, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Philadelphia nói rằng, FED đã chủ động chuẩn bị cho khả năng nước Mỹ vỡ nợ, khi thời điểm quyết định ngày 2/8 đang tới gần mà Chính phủ Mỹ vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào cho việc nâng trần nợ.

"Vài tháng qua, FED đã làm việc với Bộ Tài chính, vạch ra những việc cần làm nếu như nền kinh tế Mỹ hết tiền vào ngày 2/8 tới. Chúng tôi đã có kế hoạch đề phòng bất trắc", Plosser nói. FED đang xây dựng quy trình, theo đó Bộ Tài chính Mỹ sẽ thông báo cho FED làm gì với những khoản chi tiêu của chính phủ.