08:24 14/03/2008

Tin vắn thị trường thế giới ngày 13/3

P.V

Một số tin vắn đáng chú ý về diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới ngày 13/3

Một số tin vắn đáng chú ý về diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới ngày 13/3.

* Theo AFP ngày 13/3, Cục Kinh tế nông nghiệp và Tài nguyên Australia (ABARE) cho biết, kim ngạch xuất khẩu than nước này tài khóa 2008/2009 sẽ lên 28 tỷ AUD, tăng gấp đôi mức 14 tỷ AUD tài khóa 2007/2008. Những trận lũ lụt vừa qua ở Queensland, bang sản xuất than chủ chốt, đã làm cho sản lượng than giảm mạnh và giá than cốc giao tại chỗ tăng vọt.

Trong tuần gần đây, giá than cốc đã tăng gấp 3 lần và hiện lên đến 300 AUD/tấn, mức cao kỷ lục và có thể tiếp tục tăng nữa. Cách đây 5 năm, khi giá than luyện kim mới ở mức 40 AUD/tấn, ít ai tưởng tượng giá than bây giờ cao như vậy. Giá than tăng mạnh còn do chi phí sản xuất tăng lên nhiều và nhu cầu vượt cung quá nhiều.

* Theo Blonnet ngày 13/3, giá tiêu Ấn Độ xuất khẩu đang giữ ở mức cạnh tranh với các nhà cung cấp khác, tiêu MG1 đạt 3.950-3.975 USD/tấn CIF. Trong khi đó, tiêu xuất khẩu Brazil đạt 3.700-3.800 USD/tấn FOB loại B2, B1 và 3.850 USD/tấn FOB loại B Asta.

Dầu thô tăng giá, dẫn đến sự suy yếu của đồng Rupi so với USD, khiến sức cạnh tranh của tiêu Ấn Độ tăng lên. Các nhà xuất khẩu lạc quan về triển vọng tăng xuất khẩu tiêu của Ấn Độ. Hợp đồng giao tháng 3/2008 so với phiên trước, trên sàn NCDEX giảm 203 Rupi, xuống 14.733 Rupi/tạ; trên sàn NMCE giảm 79 Rupi, xuống 14.550 Rupi/tạ. Giá tiêu Ấn Độ giao ngay vẫn ổn định ở mức cũ, đạt 14.300 Rupi/tạ (chưa phân loại) và 14.900 Rupi/tạ (MG1).

* Theo Reuters ngày 13/3, giá tôm đông lạnh trung bình nhập khẩu vào Nhật đang thấp, giảm 5% so với cuối năm 2007 và giảm 11,27% so với cùng kỳ năm trước, đạt 897,41 Yên/kg. Giá giảm khiến lượng tôm đông lạnh nhập khẩu vào Nhật tăng.

Theo thống kê của Hải quan Nhật, tháng 1/2008, nước này nhập khẩu 16.077 tấn tôm đông lạnh, tăng 4,57% so với cùng kỳ 2007. Hiện nay thị phần tôm nhập khẩu vào Nhật của Việt Nam đạt 19,3%, tương đương với Indonesia (19,4%). Giá tôm sú nhập khẩu vào Nhật của Indonesia là 976,34 Yên/kg, Việt Nam 898,63 Yên/kg, Ấn Độ 821,72 Yên/kg, Trung Quốc 683,4 Yên/kg. Mặc dù không có khoảng cách lớn về lượng nhập khẩu, nhưng tôm Indonesia vẫn luôn chiếm ưu thế hơn tôm Việt Nam trong những tháng đầu năm.

* Theo AFP ngày 13/3, Ấn Độ vừa nâng giá tối thiểu đối với gạo phi basmati xuất khẩu lên 650 USD/tấn FOB so với 500 USD/tấn trước đó, để hạn chế xuất khẩu. Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực ngăn chặn xu hướng giá gạo tăng trên thị trường nội địa để ngăn chặn lạm phát.

Chính phủ cũng đã định giá xuất khẩu gạo basmati sang Liên bang Nga ở mức 900 USD/tấn, tương đương 36.000 Rupi/tấn. Ấn Độ mỗi năm xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo, bao gồm 1 triệu tấn gạo thơm basmati, loại gạo đặc sản trồng ở bắc Ấn Độ và Pakistan. Trong khi đó, Philippines vừa đấu thầu mua thêm 500.000 tấn gạo với giá cao hơn 50% so với hợp đồng ký hồi tháng 1/2008. Giá chào bán gạo tại cuộc đấu giá này là 618-715 USD/tấn CIF, 25% tấm.

* Theo Reuters ngày 13/3, thiếu vắng nhu cầu từ các khách hàng nhập khẩu quan trọng là nguyên nhân khiến thị trường urê prilled thế giới tuần qua trầm lắng. Giá urê tại Yuzhny giảm xuống dưới 330 USD/tấn FOB. Hoạt động mua hàng giao tháng 3/2008 nhỏ giọt và thương nhân chỉ trả giá 310 USD/tấn FOB, giảm 10 USD so với tháng trước.

Sản xuất ở Yuzhny có thể giảm 20% trong tháng 3/2008, khoảng 65.000 tấn; lượng hàng tồn kho chuyển sang tháng 3 khoảng 80.000 tấn. Các thị trường nhập khẩu urê Yuzhny vẫn chưa có nhu cầu. Giá urê prilled Trung Quốc duy trì ở mức 350-360 USD/tấn FOB. Tại Mỹ, urê granular giảm từ 390 USD/tấn FOB tháng trước, xuống 375 USD/tấn FOB.