12:06 22/10/2014

Triều Tiên phóng thích một công dân Mỹ

Diệp Vũ

Mỹ cho rằng, Triều Tiên dùng “chiêu bài” bắt giữ công dân Mỹ để lấy ưu thế trong cuộc chơi ngoại giao

Ông Fowle, 56 tuổi, nhập cảnh vào Triều Tiên hôm 29/4 và bị bắt giữ 
vào đầu tháng 6 khi chuẩn bị rời khỏi nước này. Ông bị Bình Nhưỡng cáo 
buộc tội danh “chống phá nhà nước” - Ảnh: AP/BBC.<br>
Ông Fowle, 56 tuổi, nhập cảnh vào Triều Tiên hôm 29/4 và bị bắt giữ vào đầu tháng 6 khi chuẩn bị rời khỏi nước này. Ông bị Bình Nhưỡng cáo buộc tội danh “chống phá nhà nước” - Ảnh: AP/BBC.<br>
Theo tin từ BBC, Jeffrey Fowle, một trong ba công dân Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ, đã được phóng thích.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf hôm qua (21/10) xác nhận, ông Fowle đã được thả và đang trên đường về nhà sau những nỗ lực đàm phán với Bình Nhưỡng của Washington. Phát ngôn viên này cũng nói rằng, Chính phủ Mỹ đang cố gắng để hai công dân Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ còn lại là Matthew Miller và Kenneth Bae được thả tự do.

Ông Fowle, 56 tuổi, nhập cảnh vào Triều Tiên hôm 29/4 và bị bắt giữ vào đầu tháng 6 khi chuẩn bị rời khỏi nước này. Ông bị Bình Nhưỡng cáo buộc tội danh “chống phá nhà nước”.

Fowle được cho là đã để một cuốn Kinh thánh trong nhà vệ sinh của một nhà hàng ở thành phố cảng Chongjin thuộc miền Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, gia đình của Fowle khẳng định, ông không hề làm công việc truyền giáo. Ở Triều Tiên, các hoạt động truyền giáo bị coi là phạm tội.

Về phần mình, Mỹ cho rằng, Triều Tiên dùng “chiêu bài” bắt giữ công dân Mỹ để lấy ưu thế trong cuộc chơi ngoại giao.

Hồi tháng 8 vừa qua, Fowle và người đồng hương Miller xuất hiện trong một chương trình truyền hình, kêu gọi Chính phủ Mỹ giúp họ được thả tự do. Đáp lại lời kêu gọi này,Washington tuyên bố sẽ đưa việc nỗ lực giải cứu các công dân này là “ưu tiên hàng đầu”.

Không lâu sau đó, Miller, 24 tuổi, bị tòa án Triều Tiên tuyên án 6 năm lao động khổ sai vì tội “có hành vi thù địch”. Ngoài Miller, một công dân Mỹ khác là Bae, người gốc Hàn, cũng đang chịu án lao động khổ sai ở Triều Tiên.

Phát biểu hôm qua, bà Harf nói Washington hoan nghênh việc thả Fowle và kêu gọi Triều Tiên ngay lập tức trả tự do cho hai công dân Mỹ bị bắt giữ còn lại. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bài tỏ lời cảm ơn tới Thụy Điển vì “những nỗ lực không mệt mỏi” trong việc làm trung gian giúp công dân Mỹ được phóng thích.

Triều Tiên không đưa ra lý do gì cho việc phóng thích Fowle. Washington cũng không đề cập đến vấn đề này.

Bà Harf nói, Bình Nhưỡng yêu cầu Mỹ đưa Fowle ra khỏi lãnh thổ Triều Tiên và coi đây như một điều kiện cho việc phóng thích. Một phóng viên ảnh của hãng thông tấn AP đã chụp được một bức ảnh được cho là máy bay của Không lực Mỹ tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng trong ngày hôm qua.

Để giải cứu công dân của mình, Mỹ đã nhiều lần nỗ lực cử đại diện cấp cao tới Triều Tiên để đàm phán. Tuy nhiên, suốt mấy tháng gần đây, các chuyến thăm này của đại diện Mỹ đều bị phía Bình Nhưỡng hủy bỏ.

Triều Tiên luôn phủ nhận những cáo buộc cho rằng nước này sử dụng các công dân Mỹ bị bắt giữ để làm công cụ mặc cả ngoại giao.