12:49 24/02/2017

Trump không muốn Mỹ tụt hậu về vũ khí hạt nhân

An Huy

"Nếu các quốc gia có vũ khí hạt nhân, thì chúng tôi sẽ dẫn đầu”, ông chủ Nhà Trắng phát biểu

Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters tại Nhà Trắng ngày 23/2 - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters tại Nhà Trắng ngày 23/2 - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/2 tuyên bố muốn đảm bảo nước này “dẫn đầu” về kho vũ khí hạt nhân.

Trong phát biểu đầu tiên về vấn đề vũ khí hạt nhân của Mỹ kể từ khi nhậm chức vào hôm 20/1, Trump nói ông muốn chứng kiến một thế giới không có vũ khí hạt nhân, nhưng lại bày tỏ lo ngại rằng Mỹ “đã tụt hậu về năng lực vũ khí hạt nhân”.

“Tôi là người đầu tiên muốn thấy không ai có vũ khí hạt nhân. Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ chịu tụt lại sau bất kỳ quốc gia nào về năng lực hạt nhân, cho dù đó là một quốc gia thân thiện”, ông Trump nói khi trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters.

“Sẽ thật tuyệt vời, sẽ là một giấc mơ, nếu không nước nào có vũ khí hạt nhân. Nhưng nếu các quốc gia có vũ khí hạt nhân, thì chúng tôi sẽ dẫn đầu”, ông chủ Nhà Trắng phát biểu.

Theo Ploughshares Fund, một tổ chức chống vũ khí hạt nhân, Nga hiện có 7.300 đầu đạn hạt nhân, còn Mỹ có 6.970 đầu đạn.

“Lịch sử thời chiến tranh lạnh cho thấy không nước nào “dẫn đầu” trong cuộc đua vũ khí và hạt nhân cả”, ông Daryl Kimball, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận về kiểm soát vũ khí Arms Control Association, phát biểu. “Nga và Mỹ mỗi nước có rất nhiều vũ khí hạt nhân so với mức cần thiết để ngăn ngừa tấn công hạt nhân từ nước kia và từ một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác”.

Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân New START giữa Mỹ và Nga quy định đến tháng 2/2018, cả hai nước phải cắt giảm số vũ khí hạt nhân chiến lược về mức bằng nhau và duy trì mức đó trong 10 năm.

Hiệp ước cho phép mỗi nước sở hữu không quá 800 hệ thống phóng tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom hạng nặng có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Số hệ thống phóng và máy bay ném bom này của mỗi nước cũng chỉ được mang số vũ khí hạt nhân bằng của nước kia.

Giới phân tích đặt câu hỏi liệu Tổng thống Trump có muốn bãi bỏ New START hay bắt tay vào triển khai đầu đạn hạt nhân mới. Trả lời phỏng vấn Reuters, Trump gọi New START là “một thỏa thuận phiến diện”.

“Lại một thỏa thuận tồi nữa mà nước Mỹ tham gia… Cho dù đó là START hay thỏa thuận hạt nhân Iran. Chúng tôi sẽ bắt đầu đạt những thỏa thuận tốt”, Trump nói.

Ngoài ra, ông cũng phàn nàn rằng việc Nga triển khai một tên lửa hành trình trên mặt đất là sự vi phạm một hiệp ước ký vào năm 1987 cấm Mỹ và Nga triển khai tên lửa tầm trung trên mặt đất. “Đối với tôi, đây là chuyện lớn”, Trump nói.

Khi được hỏi liệu ông có nêu vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Trump trả lời ông sẽ là vậy “nếu và khi nào chúng tôi gặp nhau”. Tuy nhiên, tân Tổng thống Mỹ cho biết ông vẫn chưa có lịch gặp với ông chủ điện Kremlin.

Trong cuộc phỏng vấn diễn ra tại Nhà Trắng, Trump cũng nói Trung Quốc có thể giải quyết thách thức an ninh quốc gia mà Triều Tiên đặt ra một cách “rất dễ dàng nếu họ muốn”. Phát biểu này của Trump gia tăng áp lực lên Bắc Kinh về gia tăng ảnh hưởng nhằm kiềm chế những hành động gây hấn của Bình Nhưỡng.

Trump nói “chúng tôi rất giận dữ” vì những cuộc thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và tuyên bố sẽg củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa cho hai đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc, bên cạnh những lựa chọn giải pháp khác.

“Đã có sự bàn bạc rộng hơn thế”, Trump nói khi được hỏi về hệ thống phòng thủ tên lửa. “Chúng tôi sẽ chờ xem việc gì xảy ra. Nhưng đó là một tình huống nguy hiểm và theo quan điểm của tôi Trung Quốc có thể giải quyết rất nhanh”.

Giữa lúc diễn ra cuộc gặp giữa ông Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hồi đầu tháng này ở Florida, Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa đạn đạo.

Trump không hoàn toàn loại bỏ khả năng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào một thời điểm nào đó trong tương lai, trong một hoàn cảnh nhất định, nhưng phát tín hiệu rằng có thể đã quá muộn để làm việc này.

“Đã muộn rồi. Chúng tôi rất giận vì những gì ông ta đã làm. Thật lòng mà nói, vấn đề này nên được quan tâm dưới thời chính quyền Obama”, Trump nói.

Theo báo chí Nhật Bản, Chính phủ nước này đang dự định khởi động thảo luận về việc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ và hệ thống phòng thủ trên cạn Aegis Ashore nhằm cải thiện năng lực đánh chặn tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên. Năm ngoái, nguồn tin từ Chính phủ Nhật nói Tokyo có thể chi khoảng 1 tỷ USD để nâng cấp năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Trump tuyên bố sẽ đẩy mạnh các nỗ lực phòng thủ tên lửa. Ngay trước lễ nhậm chức của ông hôm 20/1, Nhà Trắng tuyên bố chính quyền Trump dự định sẽ phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa “đỉnh cao” để bảo vệ nước Mỹ trước nguy cơ tấn công từ Iran và Triều Tiên. Tuy nhiên, Nhà Trắng không nói hệ thống mới sẽ khác với những hệ thống hiện có như thế nào, và chi phí là bao nhiêu.