17:11 23/08/2017

Vì sao tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Pháp giảm mạnh?

Bình Minh

Tỷ lệ ủng hộ mà cử tri Pháp dành cho Tổng thống nước này Emmanuel Macron đang sụt giảm xuống mức thấp gần kỷ lục

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: Reuters/Business Insider.<br>
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: Reuters/Business Insider.<br>
Tỷ lệ ủng hộ mà cử tri Pháp dành cho Tổng thống nước này Emmanuel Macron đang sụt giảm xuống mức thấp gần kỷ lục, chỉ vài tháng sau khi ông giành chiến thắng ấn tượng trong cuộc bầu cử được cho là thổi một luồng gió mới vào nền chính trị Pháp.

Trang Business Insider dẫn kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới do Harris Poll thực hiện cho thấy chỉ 37% cử tri Pháp được khảo sát ủng hộ những gì Tổng thống của họ đang làm, giảm từ mức cao 57% sau khi ông Macron đắc cử hồi tháng 5.

Ông Macron, một người theo đường lối trung dung với những chủ trương thân thiện với kinh doanh, đã chiến thắng áp đảo trước đối thủ cực hữu Marine Le Pen với tỷ lệ phiếu 66%-34%, trở thành nhà lãnh đạo Pháp trẻ nhất từ thời Napoleon. Tiếp đó, chiến thắng mà đảng của ông Macron giành được trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp cũng được xem là mang lại sự hội tụ quyền lực lớn, giúp ông dễ dàng thực thi các kế hoạch cải cách.

Tuy nhiên, kể từ khi lên cầm quyền, ông Macron đã vấp phải một loạt sự chỉ trích nhằm vào các chính sách đối nội của ông.

Dù có sự xuất hiện ấn tượng trên trường quốc tế, thể hiện qua những sự kiện như đón Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Paris, ông Macron lại chưa đáp ứng được những gì kỳ vọng của cử tri Pháp.

Một điểm khiến nhiều cử tri Pháp quay lưng lại với ông Macron là việc ông đang tìm cách nới lỏng các tiêu chuẩn về sử dụng lao động, giúp các công ty ở Pháp dễ dàng hơn trong việc sa thải công nhân. Điều này đặt ra khả năng các tổ chức công đoàn hùng mạnh của Pháp, cùng với sinh viên và người hưu trí nước này, tổ chức các cuộc biểu tình phản đối.

Lãnh đạo một tổ chức công đoàn của Pháp tiết lộ với tờ Wall Street Journal rằng ông Macron có thể vấp phải làn sóng phản đối kịch liệt khi vạch ra kế hoạch chi tiết cho cải cách nói trên vào tháng 9.

Ý định của ông Macron về trao danh xưng chính thức đệ nhất phu nhân cho vợ ông, bà Brigitte, cũng bị dư luận Pháp phản đối.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Macron đã nói rằng ông muốn đặt ra “một địa vị thực sự” cho người vợ hơn 25 tuổi của mình. Tuy nhiên, trái với mong muốn của ông Macron, một lá đơn trên mạng Internet với nội dung phản đối ý tưởng nhà lãnh đạo 40 tuổi đã nhận được hơn 300.000 chữ ký. Sự phản đối này đã khiến ông Macron phải từ bỏ ý định.

Ngoài ra, kế hoạch cắt giảm ngân sách của ông Macron cũng không hề thuận lợi.

Pháp đang đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách gần 9 tỷ Euro trong vòng 2 năm tới, buộc Chính của ông Macron phải dựa vào cắt giảm mạnh chi tiêu để đạt mục tiêu thâm hụt ngân sách ở mức 3% tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm nay. Năm ngoái, thâm hụt ngân sách của Pháp tương đương 3,4% GDP, lớn hơn dự báo. Năm nay, mức thâm hụt có thể đạt 3,2%.

Trong kế hoạch cắt giảm ngân sách, ông Macron dự kiến cắt giảm ngân sách quốc phòng 850 triệu Euro trong năm 2017. Tuy nhiên, ý định này đã khiến ông Macron rơi vào một cuộc tranh cãi với tướng Pierre de Villiers, tổng tư lệnh quân đội Pháp, dẫn tới việc ông de Villiers từ chức.

Giới phân tích nhấn mạnh việc ông Macron trúng cử Tổng thống có lẽ một phần nhờ vào tỷ lệ cử tri đi bầu ở mức quá thấp. Trong cuộc bầu cử, hơn 1/3 cử tri Pháp không bỏ phiếu cho cả hai ứng cử viên.

Mặc dù vậy, ông Macron có lẽ được an ủi phần nào khi ông không phải là nhà lãnh đạo phương Tây duy nhất chứng kiến tỷ lệ ủng hộ giảm sâu hiện nay. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump hiện chỉ ở mức 37%, theo một cuộc khảo sát mới đây của ABC News/Washington Post.